Lên núi Tà Cú

24/08/2013 - 17:39

PNO - PN - Nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 30km, Khu du lịch núi Tà Cú rộng khoảng 250.000m2, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây là điểm du lịch mà bất cứ ai đến Phan Thiết không nên bỏ qua, bởi nơi đây không chỉ hấp dẫn dân thích dã ngoại mà còn là tuyến du lịch tâm linh thu hút người hành hương.

edf40wrjww2tblPage:Content

Núi Tà Cú cao hơn 500m. Có hai đường để đi lên núi. Đi đường bộ phải leo hơn 1.000 bậc thang, dành cho người thích mạo hiểm hay cắm trại, nghỉ lại. Thuận tiện hơn là đi bằng cáp treo. Cáp treo đi khá nhanh, chỉ mất khoảng 15 phút, khách chưa kịp ngắm kỹ núi rừng hùng vĩ, trùng điệp bên dưới, những vạt hoa rừng ẩn hiện… đã lên đến nơi. Rời khỏi cáp treo, khách đi theo đường mòn khoảng 200m mới đến khu vực chùa Núi. Nhiệt độ quanh năm ở đây khá lý tưởng, dao động khoảng 18-22oC, không khí trong lành, mát mẻ.

Len nui Ta Cu

Cổng chào khu du lịch Tà Cú

Len nui Ta Cu

Đường lên Tà Cú

Theo các tài liệu, Tổ sư khai sơn chùa Núi Tà Cú là thiền sư Trần Hữu Đức (1812-1888). Ông là người Phú Yên, vào Bình Thuận dựng một thảo am ở làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) để vừa tu hành vừa bốc thuốc. Ông nổi tiếng đạo hạnh, cảm phục được cả thú dữ. Năm 1872, nhà sư lên núi Tà Cú tu hành trong một hang đá (sau này gọi là hang Tổ). Cho đến lúc mất, ông không xuống núi. Vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng thái hậu Từ Dũ lâm trọng bệnh, mắt mù, các ngự y, danh y tài giỏi ở triều đều bất lực. Khi biết danh đức của sư tổ Hữu Đức, vua Tự Đức hạ chiếu xin rước sư tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng thái hậu. Vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa nên sư tổ chỉ trao cho sứ thần thảo dược cùng cách sử dụng. Quả là linh nghiệm, sau khi uống hết thuốc, Hoàng thái hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục. Vua Tự Đức tỏ lòng cảm phục sư tổ, ban sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi sư tổ sáng lập và tu tịnh.

Toàn thể cảnh chùa là một tổng thể kiến trúc bao gồm: Tam Quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang Tổ… ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa. Đi qua khỏi quần thể chùa Núi sẽ đến khu vực các tượng Phật A Di Dà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí, các pho tượng đều có chiều cao khoảng 7m. Đứng từ đây nhìn xuống sẽ thấy khung cảnh núi rừng rất đẹp, chạy dài xuống vùng đồng bằng trải rộng và cuối cùng là đường chân trời phân chia biển và mây.

Len nui Ta Cu

Len nui Ta Cu

Đi lên thêm khoảng 50m nữa sẽ đến điểm cuối cùng là pho tượng Phật nằm khổng lồ “Thích Ca nhập niết bàn” dài 49m, cao 11m được đúc bằng bê tông cốt thép. Tác phẩm do kỹ sư Trương Ðình Ý chủ trì thực hiện vào năm 1962.

Chùa Núi Tà Cú cùng với những cánh rừng trong khu Bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1993.

Tham quan chùa xong, xuống núi bằng cáp treo, khách hãy tận hưởng vẻ đẹp của khung cảnh núi rừng. Khách có thể chụp hình vạt hoa rừng phía xa, thích thú với đàn chim lạ chờn vờn phía trước hay hít vào lồng ngực mùi thơm của một loại kỳ hoa dị thảo nào đó. Mọi thứ sẽ qua rất nhanh đến mức, du khách bước xuống cáp treo không khỏi ngẩn ngơ, luyến tiếc.

 BÌNH AN

Từ khóa Lên núi Tà Cú
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI