Lên mạng học đàn ca hát múa...

09/04/2021 - 07:08

PNO - Trong thời buổi công nghệ hiện đại, nhu cầu tầm sư học đạo một số môn nghệ thuật để thư giãn, giải trí không còn khó nữa.

Không cần phải đến tận nơi thọ giáo, mà chỉ bằng một cú nhấp chuột, người học có thể được lĩnh hội những kiến thức chuyên môn cơ bản đủ để thỏa mãn niềm đam mê đàn ca hát múa vẽ vời của mình.

Biết chơi đàn, hát, nhảy, múa hay vẽ luôn là những kỹ năng nghệ thuật cơ bản mà nhiều người mong có, nhưng không phải ai cũng có điều kiện theo học trường lớp chính thống. Với sự lên ngôi của công nghệ như ngày nay, khó khăn này không còn nữa, vì người học chỉ cần lướt qua các kênh YouTube hay các hội nhóm mạng xã hội, là đã nhận được những hướng dẫn chuyên môn, đủ để một người chưa biết một nốt nhạc “bẻ đôi“ cũng có thể đàn được vài bài, hát đúng nhịp điệu, không chênh phô. Thậm chí một người từ chỗ cầm bút vẽ còn vụng về, đã có thể phác họa một số bức tranh đơn giản.

Clip dạy thanh nhạc của giảng viên Thanh Hòa thu hút nhiều người xem vì cách hướng dẫn tận tình, dễ hiểu
Clip dạy thanh nhạc của giảng viên Thanh Hòa thu hút nhiều người xem vì cách hướng dẫn tận tình, dễ hiểu

Trong thời gian dịch bệnh, vì bảo đảm an toàn sức khỏe mùa dịch, hình thức học nghệ thuật qua mạng này càng trở nên rôm rả hơn. 

Có dạo một vòng trên mạng để “tầm sư học đạo”, mới thấy hoa mắt trước sự phong phú của nguồn tư liệu hướng dẫn. Chỉ cần từ 300.000 đồng một khóa hoặc một tháng, người học đã có thể tham gia các lớp học từ xa do các cá nhân, cơ sở giảng dạy mở, với những lời hứa hẹn chỉ 30 ngày thay đổi giọng hát, hoặc chỉ 10 buổi biết đàn, hay sáu buổi vẽ được một tác phẩm hoàn thiện...Một số người nổi tiếng như nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Lương Bằng Quang, ca sĩ Mỹ Linh… cũng dạy online.

Trong trường hợp không có điều kiện về thời gian hoặc tiền bạc để theo đuổi, người ta cũng có thể học lóm thông qua những clip dạy miễn phí trên mạng. Tất nhiên với cách học này, kiến thức nhận được chỉ ở mức cơ bản, nhưng cũng đủ làm những người ngoại đạo cảm thấy thú vị. Vì nếu không tìm hiểu, sẽ chẳng thể biết được những mẹo hay như cách thở đúng, cách mở khẩu hình, phát âm chuẩn (hát); kỹ thuật luyện ngón, các hợp âm (đàn); cách cầm bút, luyện nét, pha màu (vẽ) hay các thế tay, chuyển động thân thể, đếm nhịp (nhảy, múa).

So với các loại hình nghệ thuật khác như đàn, nhảy, múa, vẽ tranh, các hoạt động dạy-học trực tuyến thanh nhạc sôi nổi hơn hẳn, vì ca hát là sở thích của số đông. Có lẽ vì vậy mà các kênh, các clip hướng dẫn học hát cũng nhiều hơn hẳn, khiến người học như rơi vào mê hồn trận.

Có trường hợp cười ra nước mắt khi xem trúng clip dạy thanh nhạc của người nói ngọng chữ l-n, nghe giảng giải dài gần chín phút các kỹ thuật lấy hơi, đẩy hơi, nhưng chẳng thấy người dạy hát được câu nào để chứng tỏ mình biết hát. Cách thị phạm cũng kém tinh tế khi dạy kỹ thuật xì hơi nghe như… xi bé tè, lại còn vạch áo khoe bụng mỡ. Chưa kể “sư phụ” còn bị những người có hiểu biết để lại những bình luận lật tẩy việc dạy người học lấy hơi bằng khoang bụng… trật lất. Tuy nhiên, clip này vẫn thu hút gần hai triệu lượt xem, cho thấy nhu cầu học hát qua mạng là rất lớn. 

Với hình thức học từ xa như thế, khả năng sư phạm, cách ăn nói, ngoại hình của người dạy là những “vũ khí” thu hút người học. Chẳng hạn cùng là bài học hướng dẫn phương pháp xử lý hơi trong thanh nhạc, nhưng clip trên kênh Học thanh nhạc của giảng viên Thanh Hòa được nhiều người xem hơn các clip tương tự, vì hướng dẫn dễ hiểu, giọng hát và nói của giảng viên đều hay, ngoài ra cô còn có lợi thế là gương mặt ưa nhìn. Các clip dạy thanh nhạc của giảng viên này phát trên kênh Học thanh nhạc thu hút vài trăm ngàn đến hơn một triệu lượt xem. Trong khi cùng trên kênh này, nhưng clip dạy của giảng viên khác chỉ vài ngàn lượt xem. 

Với những người học piano, kênh Mạnh Piano thú vị hơn hẳn vì người dạy - nghệ sĩ Tuấn Mạnh - không chỉ khiến người xem ngất ngây vì đôi bàn tay tài hoa, mà anh còn có khả năng truyền đạt trẻ trung, hóm hỉnh. Ngoài ra Tuấn Mạnh còn tích cực tương tác với người xem, khi sẵn sàng giải đáp cả những thắc mắc rất riêng tư, chẳng hạn học piano có bị… đồng tính không, có cần phải nhà có điều kiện mới theo học không…? Không hẳn người dạy có chuyên môn cao sẽ thu hút người xem, mà đôi khi sự gần gũi, vui tính mới là yếu tố giúp các video của họ trở nên dễ hiểu, dễ gây ấn tượng giữa một “rừng” các clip dạy học nghệ thuật từ xa. 

Sự phát triển của các clip hướng dẫn dạy đàn ca hát múa… không chỉ tạo ra sân chơi mang tính kết nối cho những người yêu thích nghệ thuật, mà còn là nét sinh hoạt văn hóa thú vị trong không gian mạng. Cho dẫu cũng có những clip dạy chưa hay, cần người học phải chọn lọc để đỡ mất thời gian, nhưng không thể phủ nhận rằng, tất cả các video chia sẻ cách học đàn ca hát múa… đều xuất phát từ ý tốt của người làm clip. Nghệ thuật luôn hướng con người đến những giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống, vì thế những không gian sinh hoạt văn hóa như thế này, dù chỉ là tồn tại “ảo”, thì vẫn là điều đáng khuyến khích. 

Thiết nghĩ, một khi càng có nhiều người tìm đến những loại hình nghệ thuật để học hỏi, dù chỉ với mục đích thư giãn, giải trí, thì tâm hồn con người ngày càng đẹp hơn và xã hội sẽ càng bớt đi những hành vi ứng xử xấu xí.

Hương Nhu

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI