Lên lịch cho con mùa nghỉ học vì COVID-19

29/02/2020 - 12:42

PNO - Trẻ tạm hoãn đến trường trước dịch cúm đang diễn biến phức tạp đã khiến mọi hoạt động bình thường thay đổi, kéo theo những lo lắng, trăn trở của nhiều phụ huynh.


Trong tình huống khó khăn và bị động, làm sao có được những giá trị tích cực là điều mà phụ huynh cần suy nghĩ.

Những sai lầm của người lớn

Tôi nhận thấy thời gian người lớn cầm chiếc điện thoại (không tính thời gian cầm điện thoại để giải quyết công việc) nhiều hơn con gấp hai, ba lần. Vậy mà khi con cầm điện thoại là người lớn lên tiếng ngay. Hoặc để cho công bằng, người lớn hào phóng cho con sử dụng điện thoại không kiểm soát: cầm điện thoại trong lúc ăn, xem điện thoại lúc sắp đi ngủ, lướt điện thoại lúc giải trí, bấm điện thoại lúc dã ngoại... Vậy sai lầm đầu tiên của chúng ta là hình thành trong đầu đứa trẻ, rằng người lớn bất công, rằng chiếc điện thoại trở thành cha, mẹ, anh em, bạn bè của con.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kế đến, người lớn tiếp tục sai lầm khi nhầm lẫn các khái niệm: quản thúc - chu đáo; tự lập - bỏ mặc. Khi rảnh, chúng ta thường quản thúc con nghiêm ngặt, quy định con phải làm điều này, điều kia thì mới tốt và giám sát con chặt chẽ. Từ cách đối xử này, con trẻ làm theo những quy định của chúng ta một cách vô cảm xúc.

Nhưng khi bận, chúng ta buộc con tự lập theo kiểu gần như bỏ mặc, tức là muốn làm gì thì làm, miễn là không làm phiền mẹ cha. Con xin xem ti vi cũng được, xem điện thoại cũng được, xin qua nhà bạn bè càng được, hoặc giao con cho một người khác tin cậy càng mừng hơn. Cách ứng xử này khiến con ngày càng xa cách, thích cái khác hơn cha mẹ, thích đi với người khác vì được tự do hơn khi ở cùng cha mẹ.

Sai lầm thứ ba của người lớn chúng ta là hình như không có mục tiêu và kế hoạch gì cho con về nhân cách. Mỗi ngày ở nhà, con chỉ ăn, uống, ngủ, điện thoại, ti vi, xem qua quýt bài tập thầy cô giao. Hoặc thấy con rảnh rỗi thì chúng ta lo lắng, kiếm việc cho con làm bằng cách đưa ra một đống bài tập, hoặc ép con vào nhiều lớp học khác nhau, miễn sao con không có thời gian đụng vào ti vi, máy tính. Nhưng trên thực tế, người lớn mà có thời gian rảnh thì mừng vô kể. 

Vậy nên, những ngày con ở nhà ngoài kế hoạch như thế này, cũng là dịp người lớn cần nhìn lại bản thân và thay đổi cách suy nghĩ, gắn việc giáo dục con vào trách nhiệm và hạnh phúc của mình hơn là mong chờ hết dịch để con đi học. 

Dạy con tự học tại nhà

Để cuộc sống không quá nhiều xáo trộn đối với con, tôi chia khung giờ hoạt động của con thành ba nhóm: hoạt động bắt buộc, hoạt động tự do, hoạt động thỏa thuận giữa con và cha mẹ. Ba nhóm này tùy thuộc vào từng hoàn cảnh mà thực hiện linh hoạt. 

Trong hoạt động bắt buộc, ngoài việc tập thể dục sáng sớm và chiều tối, tôi yêu cầu các con làm việc nhà có liên quan đến nhu cầu cá nhân như dọn bát đũa trước và sau khi ăn, lau bàn, tự phơi và xếp quần áo của bản thân, tự sắp xếp và lau dọn góc học tập... Ngoài ra, để con không suốt ngày ở trong phòng, cha mẹ đề nghị con lao động dựa vào sở thích như: tưới cây sáng chiều, cho cá ăn khi tới giờ... 

 

Thay cho khoảng thời gian học tập ở trường, tôi biến việc đọc sách là hoạt động bắt buộc cho con trong kỳ nghỉ dài như thế này. Để quá trình dạy con đọc sách diễn ra tự nhiên không áp lực và hình thức, thì đầu tiên, tôi dành 30 phút mỗi ngày để đọc sách trước mặt con. Ý nghĩa của việc làm này là để con biết rằng “mẹ thích đọc sách và mẹ đọc sách mỗi ngày”.

Song song đó, tôi chia sẻ nội dung đọc với con. Nhưng quan trọng là, nội dung ấy ít nhiều liên quan đến con, đến những gì con quan tâm để có thể hình thành trong đầu con những biểu hiện tích cực khi mẹ đọc sách. Từ đây, cha mẹ có thể thúc đẩy việc hứng thú đọc sách của con cũng như để hình thành trong con một số giá trị mà cha mẹ mong muốn con có được. Và mỗi ngày, tôi giao cho con nhiệm vụ đọc sách (bao gồm sách con tự chọn, sách cha mẹ chọn cho con đọc).

Thời gian ngoài giờ học, con được tự do thực hiện các hoạt động bản thân mong muốn như xem phim, nghe nhạc, chơi game, sử dụng mạng xã hội... đồng thời, tìm một số hoạt động thiên về nghệ thuật, thể thao: vẽ, ca hát, bơi lội... để con tham gia nhằm phát triển bản thân.
Việc duy trì các nhóm hoạt động này cần sự kiên nhẫn và quyết tâm. Thời gian đầu dù khó khăn, cần cha mẹ làm cùng con. Nhưng khi con vào nền nếp thì con sẽ tự giác thực hiện. Trong hoàn cảnh toàn cầu đang nỗ lực vượt qua đại dịch, việc giáo dục con về ý thức chăm sóc bản thân (qua ăn, uống, ngủ nghỉ) là quan trọng; trao cho con kiến thức đúng về bệnh dịch trong lúc trò chuyện, xem tin tức là cần thiết; dạy con cách hành xử, bồi dưỡng lòng yêu thương chia sẻ cho con là chuyện nên làm; dạy con hiểu khó khăn của cha mẹ để sống tự lập là nền tảng.

Các bậc cha mẹ cần ổn định tâm lý (vì nỗi lo dịch bệnh đe dọa sức khỏe, tính mạng, nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo con cái sẽ làm cho tâm lý của các bậc cha mẹ không ổn định). Ổn định tâm lý để hình thành suy nghĩ tích cực, và khi suy nghĩ tích cực sẽ có được cách giải quyết vấn đề tích cực. Chúng ta cần hiểu rằng, lúc này, giáo dục gia đình đóng vai trò quyết định đối với trẻ. 

Trần Huỳnh Nhị
(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI