Lên kế hoạch cho chặng cuối cuộc đời

27/03/2025 - 15:44

PNO - Việc hoạch định rõ ràng cho tuổi già giúp giảm thiểu những chuyện lủng củng đáng tiếc sau này.

Con chỉ mong thấy hình ảnh khỏe mạnh, an vui của cha mẹ ở tuổi già - Ảnh minh họa: Freepik
Con chỉ mong thấy hình ảnh khỏe mạnh, an vui của cha mẹ ở tuổi già - Ảnh minh họa: Freepik

Ngày bố tôi cầm trên tay kết quả bệnh án của mình, ông đã bắt đầu sắp xếp mọi thứ trong đầu. Bố gọi đầy đủ anh chị em tôi lại, thông báo về căn bệnh của ông và đưa ra quyết định ai sẽ là người nhận việc thờ cúng tổ tiên.

Khi ấy, tôi đã cạn nghĩ rằng: sức khỏe của bố là quan trọng, chứ những chuyện kia có là gì đâu.

Bố nói với anh em tôi rằng, ai nhận ở lại căn nhà, cũng là tài sản duy nhất của bố để lại, sẽ nhận luôn việc chăm sóc mẹ những năm cuối đời, sau này sẽ duy trì truyền thống sum họp lễ tết, ngày giỗ…

Mãi sau này tôi mới hiểu đó là việc cần thiết phải làm: phân chia rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm. Đó là việc bố tính toán trước cho con cháu sau này. Nhờ vậy mà sau khi bố mất, anh chị em tôi chẳng lời ra tiếng vào gì, bởi đã nhất trí với sự sắp xếp của bố.

Một người anh đang ở xa của tôi được bố gọi về ở căn nhà của bố. Điều này hoàn toàn hợp lý, bố cũng muốn anh chị em về gần nhau, “giọt máu đào hơn ao nước lã”, có chị có em vẫn hơn người ngoài.

Anh trai tôi về ở ngôi nhà đó và thực hiện trách nhiệm chăm sóc mẹ già. Khi mẹ tôi nằm bệnh viện, anh trai chi toàn bộ viện phí. Anh chị em khác chỉ cần qua lại thăm nom mẹ, thay ca nhau để cùng phụng dưỡng mẹ quãng thời gian cuối đời. Còn lại, mọi chi phí vẫn một mình anh trai chi.

Có những lần mẹ tôi nằm viện, tiền viện phí cao, anh chị em ai có khả năng thì góp theo tinh thần tự nguyện. Cứ như vậy, đến khi mẹ từ giã cõi đời, anh chị em tôi chỉ chú tâm vào việc chăm sóc mẹ, không hề bị chi phối bởi những vấn đề khác như là bất đồng, lời qua tiếng lại từ chuyện tiền bạc… như bao gia đình mà tôi đã chứng kiến.

Tôi biết có những gia đình anh chị em từng rất hòa thuận, tưởng chừng chẳng thể vì đồng tiền mà để sứt mẻ tình cảm, nhưng rồi khi đụng đến lợi ích cá nhân mới hiểu rõ lòng người; chưa kể là còn con dâu, con rể tham gia vào câu chuyện, nên tình cảm anh chị em ruột bỗng trở nên nhẹ tênh.

Biết vậy, tôi càng phục bố. Ông đã rất sáng suốt và đủ uy lực để đưa ra quyết định của mình khi còn minh mẫn. Nhờ sự rõ ràng của ông mà ai cũng thỏa lòng, chặng đường còn lại chỉ là gắn kết cùng nhau, giúp đỡ nhau trên tinh thần tự nguyện. Mới thấy, cả tuổi già như thế nào ta cũng cần phải sắp xếp, điều này cho bản thân và cả những người liên quan chung quanh.

Một trong số hoàn cảnh éo le về việc chẳng thể đưa ra quyết định cho tuổi già của mình, đó là hoàn cảnh cha mẹ Lan Như - cô đồng nghiệp của tôi.

Ba mẹ của Như xấp xỉ tuổi 70, thời gian gần đây ra vào bệnh viện liên tục. Mỗi lần như vậy ông bà lại gọi con từ xa về, mà các con thì chưa ai ổn định, còn khó khăn chuyện tiền nong, việc đi về vừa ảnh hưởng công việc, vừa tốn kém.

Anh em của Lan Như, mỗi người mỗi cá tính khác biệt, người hào phóng chi tiêu nhưng hay kể công, người thì chuyện gì cũng cố ý phớt lờ xem như không biết… Rồi khi cần tiếng nói chung như lần số tiền viện phí của mẹ quá cao, cần mọi người đóng góp vào thì lời qua tiếng lại thành ra mất lòng.

Lan Như đưa ý kiến, đề nghị ba mẹ nên bán bớt đất để có khoản chi tiêu tuổi già, để không phụ thuộc vào các con, trong khi nhà đất của ba mẹ rộng mênh mông.

Anh Hai của cô cũng nói rằng, nếu ba mẹ còn sống chịu cảnh thiếu thốn để giữ đất cho con cháu thì con cháu sau này nhận được cũng chẳng vui vẻ gì, chi bằng cha mẹ bán bớt đi, rồi gửi tiền vào ngân hàng, mỗi tháng cũng có khoản chi tiêu, thoải mái hơn trong trang trải khoản viện phí tuổi già. Khi đó, mỗi lần nghe tin ba mẹ bệnh, con cái cũng yên tâm sắp xếp công việc để về chăm sóc, thay vì phải nặng lòng thêm chuyện tiền nong, rồi cắng đắng lẫn nhau chuyện góp ít góp nhiều.

Nhưng anh Ba của Như phản đối thẳng thừng, cho Như là kẻ bất hiếu mới xúi bán đất tổ tiên. Ba mẹ Như không có lập trường rõ ràng, thấy con cái nhiều ý kiến nhưng không biết như thế nào là đúng, rồi tiếp tục chịu cảnh đợi tiền từ con cái mỗi khi ốm đau. Đến cả chuyện bình thường nhất là lập di chúc thì ba mẹ Như cũng dùng dằng, cho là chưa cần thiết. Trong khi sự sống và cái chết với người già chỉ cách nhau lằn ranh hơi thở mong manh.

Mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi người có mỗi suy nghĩ khác nhau, ai cũng tự thấy ý kiến của mình là hợp lý. Riêng với tôi, từ câu chuyện của gia đình mình, tôi hoàn toàn đồng ý với Lan Như về việc cần phải có khoản chi tiêu tuổi già. Ở hoàn cảnh của gia đình Như, ba mẹ Như không chọn sống cùng với người con nào, thì càng phải có khoản chi tiêu cố định. Như vậy, vừa không mang tiếng dựa dẫm con cái, vừa không tạo gánh nặng cho anh em Như, khi mà cuộc sống của ai cũng còn bấp bênh, chưa ổn định.

Tôi nghĩ, bất cứ ai ngấp nghé ở tuổi già cũng nên hoạch định rõ ràng cho phần đời còn lại của mình, để không gây ra những chuyện lủng củng đáng tiếc sau này.

Thiên Kim

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Ái Khanh Cách đây 2 ngày

    May mắn cho gia đình bạn là ko bị dâu, rể chi phối chắc hẳn anh chị của bạn có chánh kiến, lập trường vững. Thời nay, đến hàng cháu nội _ ngoại cũng làm bại gia phong khi cha mẹ bọn trẻ bị "mắc kẹt" bởi danh lợi mà con cái họ ban cho

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI