“Lên hương” với nghề làm nhang

27/10/2013 - 12:11

PNO - PN - Sau gần một năm khảo sát, chuẩn bị, cuối tháng 10 vừa qua, Hội LHPN TP đã ra mắt mô hình Tổ hợp tác phụ nữ (PN) se nhang tại xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh, TP.HCM.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tân Nhựt là xã vùng ven của H.Bình Chánh, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Dù là một trong các địa phương thực hiện đề án nông thôn mới, nhưng ba năm qua, vẫn còn nhiều PN chưa có việc làm ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thấu hiểu nhu cầu chính đáng của chị em hội viên (HV), Hội LHPN TP cùng với Hội PN huyện, xã quyết định “nâng cấp” nghề làm nhang truyền thống.

Không đợi vận động, tuyên truyền, ngay lập tức đã có 25 thành viên tham gia tổ trong buổi ra mắt. Chị Nguyễn Tuyết Hoa (33 tuổi), ngụ ấp 2, xã Tân Nhựt hy vọng: “Hai vợ chồng làm đủ thứ việc, từ làm ruộng, bán hủ tíu… nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Biết mô hình này của Hội, sẵn có kinh nghiệm se nhang, gia đình quyết “đầu quân” vào tổ làm nhang. Chúng tôi tin mình sẽ thoát nghèo với nghề này”.

Dù là nghề truyền thống của xã nhưng các hộ gia đình làm nhang đều sản xuất manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm; bị thương lái ép giá khiến nhiều người bỏ nghề vì thu nhập thấp. Khi có tổ hợp tác, Hội LHPN đã tặng tổ 16 máy se nhang và một máy trộn bột. Các thành viên sẽ luân phiên đưa máy về nhà sử dụng. Đồng thời, Hội PN đã ký hợp đồng gia công với các cơ sở có uy tín, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm ổn định, giúp các thành viên an tâm sản xuất.

Mô hình tổ hợp tác nhằm tập hợp các chị là những người có tay nghề se nhang, muốn phát triển nghề để có việc làm ổn định, giúp chị em tận dụng được thời gian nhàn rỗi tăng thêm thu nhập; góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hoàn thành chỉ tiêu về hộ nghèo trong đề án xã nông thôn mới của địa phương.

“Len huong” voi nghe lam nhang

Tham gia tổ hợp tác làm nhang của Hội PN, chị em có thu nhập ba triệu đồng/tháng

Cô Phan Thị Cấm (55 tuổi, ấp 4, xã Tân Nhựt) người có nhiều năm trong nghề nhang bộc bạch: Nghề làm nhang phù hợp với PN bởi không nặng nhọc, vốn ít, dễ làm. Chị em có thể vừa lo việc nhà vừa làm nghề, hoặc có thể một buổi đi làm thêm, một buổi ở nhà làm nhang. Nếu chăm chỉ, ngoài công việc gia đình, mỗi chị cũng kiếm thêm khoản thu nhập ổn định khoảng 100.000đ/ngày. Có thêm máy móc hỗ trợ, nghề làm nhang sẽ thuận lợi hơn”.

Chúng tôi ghé thăm nhà bà Lê Thị Tám (60 tuổi) - tổ trưởng tổ hợp tác đúng vào lúc bà hướng dẫn các HV sử dụng máy làm nhang. Bà Tám thoăn thoắt cho bột vào ống. Sau mỗi nhịp tay đưa, chiếc que tre phủ dày lớp bột nhang màu nâu sậm. Bà chuyền nhanh cây nhang cho người bên cạnh để phủ lớp màu vàng, đem phơi. Với cách làm bằng máy như thế, mỗi ngày một người có thể làm được 3.000 cây nhang, gần gấp đôi so với se nhang bằng tay, sản phầm lại tròn đều và đẹp mắt.

Với hơn chục năm trong nghề, bà Tám chân tình: “Dự án của Hội đã “điểm” trúng mong muốn của chúng tôi. Từ lâu, chị em đều muốn sống với nghề nhang truyền thống nhưng vẫn loay hoay vì thu nhập không ổn định. Nay, được Hội hỗ trợ về máy móc, đầu ra, chúng tôi rất yên tâm”.

Mới đây, nhiều thành viên của tổ đã nhận được đơn hàng Tết với số lượng lớn. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều HV tin tưởng nghề làm nhang sẽ “lên hương”, giúp họ cải thiện cuộc sống.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Trưởng ban Hỗ trợ PN phát triển kinh tế Hội LHPN TP cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN TP đã có nhiều giải pháp hỗ trợ PN như chương trình vay vốn tín dụng, phát vay không lãi, chuyển giao khoa học công nghệ… nhằm giúp chị em có công việc ổn định, giảm nghèo bền vững. Qua tổ hợp tác này, Thành Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí, giúp thành viên của tổ mua máy để tăng năng suất lao động. Thời gian tới, Hội LHPN TP.HCM sẽ nhân rộng mô hình này ra vùng ngoại thành, đặc biệt là các cơ sở Hội đang thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới”.

 Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI