|
Cuối tháng 1, đầu tháng 2 này, là thời điểm đẹp nhất để có thể ngắm mây |
Một bước qua 2 xứ
Đèo Hải Vân đã có hầm đường bộ Hải Vân từ 17 năm qua, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Huế - Đà Nẵng nhưng không vì thế mà con đèo này vắng vẻ. Nếu yêu thích thể thao, bạn có thể chạy bộ, đạp xe lên đèo. Đây là cung đường lý tưởng cho các cua-rơ, runner… tập luyện hoặc thi thố. Khách du lịch đi đoàn hoặc chạy xe máy đi phượt vẫn thích chọn leo đèo để ngắm con đèo hùng vĩ và được nhìn mọi thứ từ trên cao.
Đèo Hải Vân cao 500m so với mực nước biển, dài 20km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã, đỉnh đèo chính là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế (ở phía Bắc) và Đà Nẵng (ở phía Nam). Lên đây, khi bạn bè hỏi thăm đang ở đâu, lúc thì tôi bảo là đang ở Đà Nẵng, khi thì trả lời là ở Huế. Mà thật, chỉ vài bước chân, là tôi đang ở xứ của bên ni hay bên tê đèo rồi. Trên đỉnh đèo, có khi thời tiết diễn ra như có đủ 4 mùa trong ngày: tinh mơ là thu, đứng trưa là hạ, xế chiều là xuân và sập tối là đông.
|
Hải Vân Quan đang được tu sửa |
Ai lên đèo cũng sẽ ấn tượng với công trình kiến trúc cổ trên triền núi cao giữa đỉnh đèo, hiện đang được phục dựng, trùng tu lại. Ấy là chốn vua khen, ban tặng cho danh hiệu thiên hạ đệ nhất hùng quan, mà hiện giờ còn sót lại 2 cửa ải. Tương truyền đó là ban tặng của vua Lê Thánh Tông khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm 1470. Qua bao dâu bể biến thiên thời cuộc, nay chỉ còn lưu lại 2 vòm cửa chính. Cửa vòm trông về phía Thừa Thiên, bên trên có tấm biển đá khắc 3 chữ “Hải Vân Quan”. Cửa vòm trông về phía Quảng Nam có khắc 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Cửa ải Hải Vân xưa kia còn chứng kiến cuộc ngự du của vua Thành Thái từ Huế vào Đà Nẵng, mùa hè cách đây 126 năm. Theo các tài liệu cũ ghi lại, xa giá của vua đi đường thủy vào đến Lăng Cô, nghỉ qua đêm rồi hôm sau thì leo núi theo đường đèo. Vua Thành Thái cưỡi ngựa, lên tận cửa ải để ngắm cảnh.
Chuyện này 9X, gen Z chưa chắc biết
Khi chưa có hầm đường bộ Hải Vân, đèo Hải Vân là đèo cao và nguy hiểm nhất nhì trong tuyến quốc lộ 1A từ TPHCM đi Hà Nội. Bây giờ đèo đã được mở rộng, nâng cấp và có nhiều đường lánh nạn, khó mà hình dung ra được chưa tới 20 năm trước, leo đèo Hải Vân còn là nỗi ám ảnh và thử thách tay lái tài xế vượt đèo. Và xa hơn nữa, xe leo đèo phải đi thành từng hàng một, trước khi đường đèo Hải Vân được mở rộng hơn từ năm 1966. Nghĩa là, với đường đèo chật hẹp hiểm trở, xe chỉ có thể chạy một chiều để tránh đâm vào nhau. Nên thuở ấy đèo Hải Vân có 3 trạm kiểm soát, 2 trạm ở 2 đầu đèo là Liên Chiểu và Lăng Cô, 1 trạm ngay đỉnh đèo. Xe qua đèo phải chờ nhau tại trạm ở đầu đèo rồi cùng leo theo sự hướng dẫn của trạm. Lên đến đỉnh thì dừng lại nghỉ và sau đó xuống đèo cùng lúc cho đến khi qua khỏi trạm dưới chân đèo. Rồi đến lượt đoàn xe của chiều lưu thông ngược lại.
Ngắm mây ở Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Đèo Hải Vân còn có 2 cái tên ít ai biết là đèo Ải Vân (vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải, nay vẫn còn), và vì đỉnh đèo thường có mây che phủ nên còn được gọi đèo Mây. Mà thật, mây là “đặc sản” của đèo, từ xa xưa. Khi các bạn trẻ bây giờ rần rộ săn mây ở Tà Xùa (Sơn La), Y Tý (Lào Cai) hay Đà Lạt thì đèo Hải Vân đã nổi tiếng về mây phủ từ lâu rồi, chỉ có điều, may mắn là không bị (hay được?) hút du khách trẻ như các nơi khác thôi.
Mây ở đây làm thoắt ẩn thoắt hiện vạn vật chung quanh, khi có cả kết hợp của sương mù dày đặc, vốn là một “đặc sản” khác của đèo này. Ngồi uống cà phê ở đỉnh đèo là cái thú của nhiều người khi được nhìn thấy con đường hiện ra đó, rồi mất đi, rồi hiện ra, rồi lại mất đi. Thi thoảng lại thấy một vài chiếc xe như hiện ra trong làn mây và sương dày đặc rồi lại biến mất vào một màn mây khác, như thể là đang xuyên không vậy, thật thú vị.
Thác mây là điểm đặc biệt khiến nhiều người phải cất công leo đèo nhiều lần để ngắm cho bằng được. Đó là thời điểm, mây cứ là đà sà qua đỉnh đèo tràn xuống thung lũng trông như thác đổ, mịn màng và lãng đãng lượn lờ quyến luyến mấy con đường đèo ngoằn ngoèo nhiều sương mù, nhìn như chốn bồng lai nào vậy.
Và cuối tháng 1, đầu tháng 2 này, là thời điểm đẹp nhất để có thể ngắm mây.
Bài, ảnh: Lê Minh Hạ