'Lên cơn' giống mẹ

25/08/2017 - 13:30

PNO - Khi bà mẹ suốt ngày son phấn, làm sao la rầy được cô con gái mới nứt mắt đã chỉ lo váy áo giày vớ.

1. Chị mạng hỏa, tính tình nóng nảy, đã “lên cơn” là mất kiểm soát ngôn từ. Đi làm về đến cửa, nhìn phòng khách bày bừa là chị đã thấy bừng bừng, lời lẽ thi nhau tuôn ra, ồn ào.

Rồi xong, không để bụng, chị vui vẻ lại như chẳng có chuyện gì xảy ra. Gia đình cũng quen dần với tính khí “như lửa” ấy của chị. Lẽ ra sẽ không có vấn đề gì, nếu như hôm đó chị không chứng kiến cảnh đứa con gái lên mười đang quát em trai:

- Câm miệng lại! Mày tin tao đập chết mày không hả?

'Len con' giong me
Giống mẹ hông? Ảnh minh họa

Chị buột miệng kêu: “Ở đâu ra cái thói ăn nói với em như vậy hả?”, con bé quay lại nhìn mẹ, câng câng thách thức. Câu trả lời lộ rõ, không cần thốt ra miệng… Nét mặt con khi ấy khiến chị vừa giật mình tức giận, vừa đau lòng. Con bé dường như vẫn chưa đã nư, còn hùng hổ dấm dứ vào người em mấy cái trước khi đùng đùng bỏ lên lầu, mặc chị đứng sững giữa nhà.

Chị bàng hoàng nhớ đến thái độ lờn mặt của hai đứa con tuổi ăn tuổi lớn. Chúng hay cãi vã gắt gỏng với nhau, ít khi chịu nhường nhịn, chia sẻ. Mỗi lần có bất hòa là đứa con gái tuôn ra những câu tùy tiện khó nghe, vượt khỏi độ tuổi. Nhưng chắc nó không học được những lời ấy từ ngoài đường…

2. Từng có dịp đồng nghiệp cơ quan tôi đưa con cái tham dự một sự kiện gì đấy. Có một bé gái tỏ ra vô cùng ngoan ngoãn, hòa đồng, biết cách chơi đùa với các em nhỏ, nhận được rất nhiều lời khen ngợi của mọi người xung quanh. Khi hỏi ra, biết đó là con của chị Thư kế toán, đa phần ai nấy đều trầm trồ bảo “thảo nào” hoặc “bảo sao con bé không dễ thương”. Rồi thì ai nấy hỉ hả kết luận: “Đúng là mẹ nào con nấy, chẳng sai bao giờ”…

'Len con' giong me
 

Mẹ của cô bé ấy vốn được lòng cả cơ quan vì tính chị nhẹ nhàng, dễ mến, biết điều đây mà. Tất nhiên, cũng không phải câu “rau nào sâu nấy” luôn luôn đúng, bởi mỗi con người là một cá thể độc lập. Nhưng nếu một đứa trẻ lớn lên trong cái không khí ầm ào náo nhiệt, quen nghe cha mẹ bỗ bã thì khó mà sở hữu sự lịch thiệp, tinh tế rồi.

3. Tôi từng thấy một cậu bé quẩn quanh bên cạnh bà mẹ trẻ, hẳn là cô đang bận chát chít trên mạng xã hội. Đứa nhóc, sau nhiều cách để gây sự chú ý của mẹ, dùng cả câu đề nghị thẳng thừng “Mẹ chơi với con đi”.

Vẫn không đạt được ý nguyện, cậu đã bực tức: “Sao mẹ lúc nào cũng thích điện thoại vậy?”. Thương thay! Không khó để hình dung ra, chỉ một vài năm nữa, cũng chính cậu bé ấy sẽ được mẹ quăng cho một cái điện thoại di động hay máy tính bảng, để mẹ rảnh tay rảnh chân, con càng thích, được tha hồ mà vọc mà chơi rồi mụ mẫm với mắt kính dày cộm…

Dĩ nhiên là con cái sẽ nhìn vào cha mẹ mà học hỏi hoặc phản ứng. Nếu ông bố vừa cầm đũa vừa tranh thủ coi mấy clip hài để giải trí thì khó mà dạy con tập trung trong bữa cơm, khó mà nhắc con đừng vừa ăn vừa đọc truyện tranh hoặc coi ti vi. Nếu ông bố bà mẹ hay về trễ, đương nhiên lũ trẻ không có thói quen ngủ sớm dậy sớm.

Chúng dễ nhiễm cái cảnh giờ giấc tùy ý, thức khuya ngủ nướng, thất thường. Khi bà mẹ suốt ngày son phấn, làm sao la rầy được cô con gái mới nứt mắt đã chỉ lo váy áo giày vớ. Con của một bà mẹ chuyên ăn mặc hở hang khoe da thịt thì chắc hẳn khó mà quen với sự chỉn chu kín đáo… Một ông bố chuyên sai giờ, hay thất hứa với con, sẽ có lúc phải đối diện với lời hứa lèo của đứa trẻ mình sinh ra.

4. Ai đó bảo, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Nhưng lời ăn tiếng nói, cái nết ăn nết ở, học ăn học nói ảnh hưởng nhiều từ gia đình. Gọn gàng hay bề bộn, nhanh nhẹn hay lề mề, cẩn thận hay cẩu thả… cũng bắt đầu từ cái gọi là “nếp nhà”. Chẳng có gì tốt đẹp mà tự nhiên gặt hái được. Muốn con như thế nào thì cha mẹ phải như thế trước đã, câu này nghe rất “giáo điều” và xưa cũ nhưng có khi nào sai đâu! 

Hạ My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI