“Lên” áo dài, cụ ông 105 tuổi hăm hở đi dự đại lễ

30/04/2025 - 08:23

PNO - Cụ Nguyễn Đình Tư đếm từng ngày, chuẩn bị áo dài trang trọng - chiếc áo màu đỏ, tươi thắm do Chủ tịch nước gởi tặng khi cụ tròn 100 tuổi.

Ở tuổi 105, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1920, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) có lẽ là người cao tuổi nhất được mời tham dự đại lễ 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn không ngăn được niềm háo hức chờ mong được hòa mình vào ngày hội cùng non sông, đất nước của cụ. Cụ đếm từng ngày cho đến 30/4, chuẩn bị áo dài trang trọng - chiếc áo màu đỏ, tươi thắm do Chủ tịch nước gởi tặng khi cụ tròn 100 tuổi. Sáng tinh mơ, cụ và con trai - anh Nguyễn Việt Hùng đã khởi hành.

Cụ Nguyễn Đình Tư khởi hành từ sáng sớm tinh mơ - Ảnh: VH
Cụ Nguyễn Đình Tư khởi hành từ sáng sớm tinh mơ - Ảnh: VH

“Rộn ràng quá, cảm xúc tràn đầy vui sướng”, cụ hào sảng nói sau khi mãn nhãn với những màn diễu binh, diễu hành, không quân trình diễn trên bầu trời… Cụ hoàn toàn ngỡ ngàng, vỡ òa cảm xúc trước những hình ảnh này vì cụ nhận thấy quân đội ta ngày nay hiện đại quá, hào hùng quá. Ngày xưa, trang bị còn thô sơ, ấy vậy mà cũng liên tục lập những chiến công hiển hách để rồi có ngày thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Do dành thời gian nghiên cứu, viết sách suốt ngày, ít xem tivi hay tiếp xúc mạng xã hội nên cụ bị bất ngờ cũng là điều hiển nhiên.

Cụ Nguyễn Đình Tư sửa soạn đến dự đại lễ - Ảnh: VH
Cụ Nguyễn Đình Tư sửa soạn đến dự đại lễ - Ảnh: VH

Nửa thế kỷ trôi qua không phai mờ ký ức của cụ trong ngày 30/4/1975 lịch sử. Tin giải phóng rộn rã trên đài phát thanh, ngoài đường tiếng người người hò reo. Thời điểm đó, cụ là công chức ở Sài Gòn. Cụ rưng rưng kể: “Thời khắc độc lập, tự do đã điểm, tôi vui sướng không thể tả nổi. Tôi xách xe “chạy như điên” ngoài đường, chỉ biết chạy, không cần biết chạy đi đâu. Đã bao lâu rồi, tôi cầu nguyện ngày này. Hòa bình rồi, dân mình không còn khổ nữa. Tôi và gia đình họ hàng ở Nghệ An sẽ không còn bị chia cắt nữa...”.

Cụ Nguyễn Đình Tư vinh dự, tự hào được tham dự đại lễ 30/4 - Ảnh: VH
Cụ Nguyễn Đình Tư vinh dự, tự hào được tham dự đại lễ 30/4 - Ảnh: VH

Đến từ Quảng Ngãi, hòa vào dòng chảy bất tận của người dân cả nước tiến về chương trình đại lễ, bà Nguyễn Thị Kim Lan (70 tuổi) đi một đoạn rồi dừng lại nghỉ. Chân bà đau, đi chậm do chứng thoát vị đĩa đệm. Bà không sợ đau, không sợ đi lâu, không ngại nắng nôi, mệt nhọc, miễn là không vào chỗ quá đông đúc, có thể chen lấn, bị té ngã. Đã xác định vì chân yếu, bà có thể không đến được nơi trực tiếp xem chương trình nhưng sao có thể ngồi yên ở nhà trong không khí cả nước sôi nổi chào mừng, trong không khí Sài Gòn những đêm “thức đỏ” này. Bà vẫn xem chương trình qua những màn hình trên đường và tivi, mạng xã hội.

Từ Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Kim Lan hăm hở bay vào TPHCM để hòa vào không khí chào mừng đại lễ 30/4 - Ảnh: CH
Từ Quảng Ngãi, bà Nguyễn Thị Kim Lan hăm hở bay vào TPHCM để hòa vào không khí chào mừng đại lễ 30/4 - Ảnh: CH

“Khí thế quá! Cờ hoa khắp nơi trên đường, đứng lại ở chỗ nào cũng có thể chụp được ngay bức ảnh ghi lại khí thế tươi vui, rộn rã của ngày xuân lịch sử này. Đại lễ chỉn chu, trang trọng thể hiện niềm tự hào Việt Nam và ôn lại lịch sử cho con cháu đời đời ghi nhớ” - bà vừa thở hổn hển, vừa xoa chân, vừa tươi cười chia sẻ.

Say mê nhìn ngắm đường phố rợp cờ hoa và chương trình đại lễ sôi nổi, bà Nguyễn Thị Kim Lan quên cái chân đau - Ảnh: Anh Loan
Say mê nhìn ngắm đường phố rợp cờ hoa và chương trình đại lễ sôi nổi, bà Nguyễn Thị Kim Lan quên cái chân đau - Ảnh: VAL

Sáng 25/4, bà đã thắp hương cho chồng, là một chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo đến 6 năm. Bà lầm rầm khấn nguyện: “Tui vô TPHCM thăm con và khám bệnh luôn. Ông ráng phù hộ cho tui mau hết bệnh. Đặc biệt là đợt này tui vô đón mừng ngày 30/4, có cháu ngoại mình biểu diễn trong chương trình nữa. Hòa bình được 50 năm rồi, vui quá phải không ông?”.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan cùng con gái Anh Loan đang sống và làm việc ở TPHCM cùng tham dự đại lễ - Ảnh: BM
Bà Nguyễn Thị Kim Lan cùng con gái Anh Loan đang sống và làm việc ở TPHCM cùng tham dự đại lễ - Ảnh: BM

Tô Diệu Hiền

 
TIN MỚI