LEGO: Hơn cả một thương hiệu đồ chơi

09/01/2022 - 17:02

PNO - Nhiều thế hệ người yêu đồ chơi lắp ráp trên toàn cầu đã quen thuộc với cái tên LEGO, xuất xứ từ cụm từ tiếng Đan Mạch “leg godt” (vui chơi lành mạnh). Ngày nay, tại thị trường châu Á, công ty sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới đang mang đến hàng loạt dấu ấn mới lôi cuốn, tiếp nối một trào lưu vui chơi sáng tạo và giàu ý nghĩa giáo dục.

Thành lập năm 1932, LEGO nhập cuộc kinh doanh khá vững vàng cho đến cuối thập niên 1990, khi hãng lần đầu nếm trải bài học cay đắng về hình ảnh thương hiệu. Bấy giờ, sau một vụ khủng hoảng doanh thu nghiêm trọng, đội ngũ điều hành nhận ra công ty chưa có động thái phát triển đổi mới nào suốt mười năm. Thế nhưng, thử nghiệm đầu tư sang lĩnh vực trò chơi điện tử, thời trang, thậm chí xây dựng công viên giải trí lại khiến người tiêu dùng thấy lạ lẫm rồi dần “quay lưng”.

Bộ LEGO 10280 Flower Bouquet vừa ra mắt gồm các thiết kế hoa nghệ thuật làm từ nhựa nguồn gốc thực vật - thân thiện với môi trường, là sản phẩm được nhiều khách hàng nữ yêu thích
Bộ LEGO 10280 Flower Bouquet vừa ra mắt gồm các thiết kế hoa nghệ thuật làm từ nhựa nguồn gốc thực vật - thân thiện với môi trường, là sản phẩm được nhiều khách hàng nữ yêu thích

Đến năm 2003, bước đi mạo hiểm trên đã gây ra khoản nợ 800 triệu USD. Trước nguy cơ phải tuyên bố phá sản, tổng giám đốc điều hành Jørgen Vig Knudstorp quyết định cắt giảm triệt để ngân sách, bán đi các công ty con không thuộc lĩnh vực hoạt động chủ chốt của hãng. Knudstorp “lèo lái” LEGO về đúng với định hướng ban đầu: làm nên những khối đồ chơi lắp ráp.  

Biến thử thách thành tiềm năng  

Bài học đắt giá về việc lắng nghe người tiêu dùng và chung thủy với giá trị nguyên bản nay đã trở thành “kim chỉ nam” giúp LEGO duy trì chỗ đứng không thể thay thế. Tuy nhiên, nhiều biến động kinh tế xã hội hiện thời mà mới nhất là cơn đại dịch toàn cầu buộc thương hiệu đồ chơi danh tiếng thêm một lần đối diện thử thách. Thị trường châu Á - khu vực hiện nắm giữ 2/3 tổng lợi nhuận của hãng - vẫn là một thách thức LEGO đang nỗ lực chinh phục.

Nhằm giải tỏa loạt trở ngại lớn (sức ép thuế nhập khẩu, tình trạng thiếu hụt dây chuyền bán lẻ), LEGO mở nhà máy sản xuất đầu tiên trong khu vực châu Á tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào năm 2016. Ghi nhận lợi nhuận khởi sắc, công ty vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tiếp theo ở Việt Nam. Dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024 với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, dự án đồng thời là mô hình nhà máy “thân thiện môi trường” đầu tiên của LEGO. Toàn bộ năng lượng sản xuất sẽ được cung ứng nhờ hệ thống các tấm quang năng từ một nông trang liền kề. 

Khách sạn Imperial (Nhật Bản) - một kiến trúc nổi tiếng tại châu Á, sống động không kém ở phiên bản LEGO
Khách sạn Imperial (Nhật Bản) - một kiến trúc nổi tiếng tại châu Á, sống động không kém ở phiên bản LEGO

“Ngành công nghiệp đồ chơi tại các nước châu Á thể hiện sức phát triển rất ấn tượng. Chúng tôi đã sớm muốn mở rộng đầu tư cho khu vực này. Ở những thị trường giàu tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, thiết lập hệ thống nhà máy và đại lý bán lẻ gần nhau giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều chi phí, thời gian vận chuyển cũng như linh động hơn trong khâu phục vụ khách hàng” - Carsten Rasmussen, Giám đốc điều hành kinh doanh của LEGO, chia sẻ.

Những khối đồ chơi kỳ diệu 

Thiết kế đặc trưng của đồ chơi LEGO vốn giúp kích thích kỹ năng tư duy - sáng tạo lôi cuốn không chỉ những khách hàng nhỏ tuổi. Riêng ở châu Á, theo số liệu từ tạp chí The New Yorker, có hơn 80.000 người trưởng thành thuộc cộng đồng hâm mộ LEGO.  

Khi phát hành phiên bản đặc biệt của bộ sưu tập LEGO mô phỏng các kiến trúc nổi tiếng thế giới - dòng sản phẩm đồ chơi lắp ráp đầu tiên dành riêng cho người lớn - hãng đã thêm vào hai tòa kiến trúc phương Đông tiêu biểu: cổng Sùng Lễ Môn (tọa lạc tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc) và khách sạn cổ kính Imperial (thủ đô Tokyo, Nhật Bản) nhằm thu hút khách hàng gốc Á. 

Tàu con thoi NASA - một trong những phương tiện vận tải có thiết kế phức tạp nhất thế giới - “hồi sinh” dưới phiên bản đồ chơi LEGO. Mô hình được tạo nên từ 2.354 khối đồ chơi, có giá hơn 4 triệu đồng
Tàu con thoi NASA - một trong những phương tiện vận tải có thiết kế phức tạp nhất thế giới - “hồi sinh” dưới phiên bản đồ chơi LEGO. Mô hình được tạo nên từ 2.354 khối đồ chơi, có giá hơn 4 triệu đồng

Bên cạnh đó, từ năm 2008, hãng cộng tác cùng một công ty Nhật Bản cho ra mắt trang web Cuusoo (nay đổi tên thành Lego Ideas). Không gian trực tuyến đặc sắc có chức năng hỗ trợ người dùng tự tạo và giới thiệu các thiết kế LEGO dựa trên ý tưởng cá nhân. Tác phẩm xuất sắc có thể được mua lại bản quyền và bày bán chính thức. 

Mới đây ở thị trường Singapore, chiến dịch quảng cáo Build Amazing do LEGO triển khai cũng thu được nhiều phản hồi tích cực. Nội dung quảng cáo khuyến khích người tiêu dùng nghĩ khác đi về khái niệm thành công thông qua hoạt động vui chơi sáng tạo. “Thành công, theo cách hiểu cổ điển, thường được định hướng sẵn cho chúng ta từ tấm bé. Thế nhưng thế hệ các bậc phụ huynh hiện đại đang nhìn nhận vấn đề cởi mở hơn. Nhiều người muốn tạo cơ hội để con cái trau dồi khả năng tưởng tượng, sáng tạo với đồ chơi lắp ráp nhằm giúp trẻ có góc nhìn đa chiều về con đường thành công trong tương lai” - Kevin Hagino, Giám đốc thương hiệu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của LEGO, nói về dự án quảng cáo.

Đi tìm niềm vui nhân văn 

Dấu ấn “vừa chơi vừa học” LEGO mang lại không chỉ phản ánh ở khía cạnh giáo dục thuần túy. Với khách hàng trong độ tuổi trưởng thành, mỗi bộ đồ chơi được tạo hình sống động còn có thể là những trải nghiệm đầy chiều sâu. 

Bộ Lễ hội đèn lồng mùa xuân thuộc loạt LEGO tết cổ truyền bán chạy vào dịp đầu năm 2021 tại nhiều nước châu Á có giá khoảng 3 triệu đồng
Bộ Lễ hội đèn lồng mùa xuân thuộc loạt LEGO tết cổ truyền bán chạy vào dịp đầu năm 2021 tại nhiều nước châu Á có giá khoảng 3 triệu đồng

“Tôi đã thật sự xúc động khi cầm trên tay mô hình tàu con thoi đồ chơi của LEGO. Mỗi chi tiết, bộ phận máy móc đều được thiết kế chăm chút, tỉ mỉ” - nữ phi hành gia Kathy Sullivan, người từng tham gia chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ bằng tàu con thoi ở trung tâm NASA (năm 1981), bày tỏ cảm nhận về phiên bản phi thuyền thu nhỏ vừa được LEGO phát hành. “Cả khoang ngủ nghỉ, sinh hoạt của chúng tôi trong tàu cũng được khéo léo tái dựng. Mẫu thiết kế giúp tôi hồi tưởng lại vô số kỷ niệm khi làm việc tại trạm không gian”.  

Ngày nay, giá trị kết nối văn hóa xã hội, điểm nhấn nổi bật ở thương hiệu đồ chơi từ Đan Mạch, lan rộng đến cả thế hệ người tiêu dùng trẻ, nhóm khách hàng thường có thị hiếu khắt khe về các sản phẩm giải trí. “Chúng tôi thử quay một video lắp ráp bộ đồ chơi LEGO tết cổ truyền cùng nhóm bạn. Qua đó, tôi có dịp trò chuyện về truyền thống đón năm mới cũng như ý nghĩa ngày tết trong suy nghĩ các thanh niên gốc Á như tôi. Đây là những điều quả thật chúng tôi vẫn hay lờ đi” - Dzamira Dzafri, cây bút trẻ đang làm việc tại trang tin công nghệ Soyacincau (Malaysia), chia sẻ.    

Bộ đồ chơi đồ sộ ra mắt đầu năm 2021, phác họa hai hoạt cảnh nổi tiếng trong mùa tết: Sự tích Niên thú và Lễ hội đèn lồng. Nữ phóng viên trên tiết lộ, cô đã có “trải nghiệm vui chơi bổ ích cùng những người bạn”. “Chúng tôi mất gần mười tiếng để lắp hoàn tất hai bộ đồ chơi. Mọi người vừa làm việc vừa thảo luận sôi nổi nhiều câu chuyện vui, kỳ thú liên quan đến tết” - Dzamira Dzafri nói.

Khi ngành công nghiệp đồ chơi không ngừng phát triển mạnh mẽ, LEGO đang tiếp tục khẳng định vị thế riêng trong lòng người tiêu dùng đương đại. Đề cao tinh thần tự do sáng tạo, những khối đồ chơi sinh động phản ánh nhiều giá trị cuộc sống tươi đẹp, đem lại cảm nhận vượt lên cả trải nghiệm vui chơi giải trí thông thường. 

Như Ý - Ảnh: Lego

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI