Phóng viên: Trong thời đại mà tự do yêu đương ngày càng được tôn trọng, thì việc bàn về những rào cản trong một cuộc hôn nhân lệch tuổi liệu có lỗi thời?
ThS-BS Lan Hải: Có một câu ca dao xưa, đến nay vẫn còn được truyền miệng: “Chồng già vợ trẻ là tiên/ Vợ già chồng trẻ là duyên nợ nần”. Tuổi tác, hay “lệch tuổi” vẫn là vấn đề muôn thuở của tình yêu, không phải chuyện của riêng thời đại nào cả.
Chị Nguyễn Hiền Anh (sinh viên Y khoa, TP.Besancon, Pháp): Cách đây ba năm, tôi từng đối diện với “rào cản” này. Lúc biết tôi yêu anh, ba mẹ tôi cấm tiệt. Cả sau này, khi tôi đã đến với anh, sự xuất hiện của chúng tôi vẫn khiến khá nhiều người tò mò. Việc một cô gái trẻ yêu một người đàn ông tuổi ngoài 40 dường như là một điều quá khó tin với mọi người. Rồi người ta gán cho tình yêu đó những từ như “lợi dụng”, “dựa dẫm”, hay nhẹ nhất là “bồng bột”, “lầm tưởng”. Chỉ riêng những điều đó cũng có thể mang đến cho tình yêu lệch tuổi bao nhiêu sóng gió.
Chị Văn Thị Kiều Trinh (nhân viên xuất nhập khẩu, Q.Tân Phú, TP.HCM): Từ trải nghiệm trong một cuộc hôn nhân... bằng tuổi, tôi tin rằng tuổi tác vẫn còn là yếu tố chi phối thái độ của xã hội nói chung với một cuộc hôn nhân. Lúc tôi kết hôn, người vui vẻ thì vun vào: “Bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”, người “cả lo” thì cứ tặc lưỡi bất an, bởi “chồng phải lớn tuổi hơn thì gia đình mới vững chãi”. Như vậy, bằng đủ thứ lý lẽ, tuổi tác vẫn luôn là một vấn đề của hôn nhân đấy chứ!
* Nhưng sự thật thì sao? Sự chênh lệch tuổi tác có thực sự là nguồn cơn của các vấn đề trong hôn nhân không, hay người đời... lo bò trắng răng?
ChịVăn Thị Kiều Trinh: Trong lúc đang yên ổn với người chồng bằng tuổi, tôi vẫn thường cắc cớ nghĩ: nếu mình có một người chồng tuổi lớn hơn, nghiêm túc hơn, trưởng thành hơn, liệu mình có được tự do điên rồ và khác người như hiện tại không nhỉ? Bởi vậy, tôi e là sự chênh lệch tuổi có thể khiến người ta gặp nhiều bất tiện hơn là những cặp vợ chồng “ngang phè” như chúng tôi.
Anh Trần Tuấn Anh (bác sĩ, chồng chị Hiền Anh): Tuổi tác có thể là vấn đề của... mọi mối quan hệ. Tuổi thường gắn liền với các giai đoạn phát triển, về quan niệm sống của một người. Thế nhưng, bạn thử nghĩ mà xem, đâu phải lúc nào người có tuổi cũng chín chắn, điềm đạm hơn người ít tuổi?
Mối tương quan này vì thế cũng tương đối thôi, sự trưởng thành đôi khi không đến từ tuổi tác. Trong hôn nhân (hay mọi mối quan hệ khác), sự tương đồng mang tính quyết định vẫn là tương đồng về lối sống, giá trị sống. Khi đã có sự tương đồng đó, tuổi tác đâu còn là vấn đề nữa.
Chị Nguyễn Hiền Anh: Sau ba năm kết hôn, chúng tôi không hề có sự chênh lệch nào ngoài việc tôi đã từ bỏ mọi thứ, kể cả vị trí của một BS ở Việt Nam, để rồi anh đang phải nuôi tôi học lại đại học y khoa ở Pháp (cười). Sự tương đồng từng khiến chúng tôi rung động trước nhau vẫn không hề mất đi trong hôn nhân.
Tôi luôn cảm nhận được sự tôn trọng của anh. Có lẽ vì vậy mà dù tạm thời vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính từ chồng, tôi vẫn không thấy mình đang sống phụ thuộc. Chúng tôi chia sẻ được với nhau về mọi chuyện.
* Vậy, sự chênh lệch về tuổi tác có khiến người ta hấp dẫn hơn trong mắt nhau không?
Anh Trần Tuấn Anh: Câu hỏi này quen thuộc lắm (cười). Những người có vợ trẻ thường bị quy cho là “ham cái tươi trẻ”. Có thể cũng có những người đàn ông như vậy thật. Nhưng, tôi tin rằng những người đàn ông nghiêm túc đi tìm kiếm hạnh phúc sẽ vượt lên trên những cám dỗ từ nhan sắc, tuổi trẻ, tiền tài...
Tôi đã cùng Hiền Anh vượt bao sóng gió, bằng mọi cách để đến được với nhau là vì tôi thấy rõ ở Hiền Anh một người phụ nữ mà tôi trân trọng, muốn ở gần. Tôi thường hay nói với vợ rằng: Nếu trên đời có một người phụ nữ giống em mọi phần, thì dù cô ấy có bao nhiêu tuổi, anh vẫn yêu. Điều đó có nghĩa, tuổi tác không nằm trong những động lực khiến tôi lựa chọn cuộc hôn nhân này.
Chị Văn Thị Kiều Trinh: Tôi thường nghe người ta nhắc đến sự ngưỡng mộ của người vợ trong một cuộc hôn nhân bền vững. Và để có được sự ngưỡng mộ đó, người phụ nữ phải có một người chồng lớn tuổi hơn, chín chắn hơn, thành đạt hơn. Chính điều này giúp một người chồng lệch tuổi hấp dẫn hơn trong mắt người vợ trẻ chăng?
Chị Nguyễn Hiền Anh: Cũng có thể. Nhưng, sự ngưỡng mộ đến từ tuổi tác chỉ có giá trị trong thời gian đầu. Còn để đến với nhau, cùng nhau trải qua hôn nhân, người ta cần ngưỡng mộ nhau bằng những giá trị thật sự ở bạn đời, chứ không thể chỉ “phó mặc” cho tuổi tác.
ThS - BS Lan Hải: Trong những bộ phim “anh hùng cứu mỹ nhân” của Hollywood, có một tình huống phổ biến: nhân vật nam do những ngôi sao đứng tuổi thủ vai, đóng cặp với những cô đào trẻ đẹp. Phải chăng các đạo diễn muốn xây dựng mẫu tình yêu trong đó trí tuệ, sự từng trải, lịch lãm, giàu có của người đàn ông luôn nổi bật khi đi cùng với vẻ thơ ngây, tuổi trẻ, sức sống, tình yêu cuồng nhiệt của cô gái trẻ?
Thường thì, khi yêu đương hẹn hò, trai gái bồng bềnh trong sự chênh lệch về cảm xúc và nhu cầu chia sẻ. Đồng thời, sự tích lũy về tình dục dồn nén như một quả bom chực phát nổ, khiến họ nhạy cảm với mọi tín hiệu từ đối tượng. Tình yêu của cặp tình nhân chênh nhau vài chục tuổi thậm chí còn cuốn hút hơn tình cảm của các cặp “vừa lứa” khác, bởi họ thuộc loại hiếm cho nên quý!
* Nhưng sự bồng bềnh ấy, lực hút của sự chênh lệch cảm xúc, “quả bom tình dục chực phát nổ” ấy có đủ nuôi dưỡng một cuộc hôn nhân không? Ngoài sự trưởng thành được quy định một cách tương đối, thì bản thân tuổi tác của một con người cũng mang trong nó nhiều vấn đề có thể tác động đến hôn nhân chứ?
ThS-BS Lan Hải: Vấn đề đó có thể là sự lỗi nhịp trong quan hệ chăn gối. Khi cùng sống dưới một mái nhà, sự nhớ nhung, nhu cầu trò chuyện, âu yếm, chăm chút nhau được lấp đầy, tựa như một miếng bông thấm nước đã trở nên ướt sũng. Những điểm trước kia thu hút hai người đến với nhau, nay lại khiến họ khó chịu về nhau. Sự khác biệt tâm lý lứa tuổi, sự thay đổi hormon sinh dục cũng có thể khiến hai cây đàn không đi đúng hòa âm của bản tình ca, từ đó nảy sinh bất đồng ngôn ngữ, khó thuộc về thế giới của nhau, đưa một người hoặc cả hai đến lạnh nhạt hoặc xung đột.
Chị Nguyễn Hiền Anh: Bằng những lý lẽ như thế, tôi đã bị cấm cản bao nhiêu năm. Mẹ tôi không phải là người không có lý lẽ, bà đã diễn giải rất nhiều, vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh bao gồm mọi bi kịch có thể diễn ra khi tôi vừa kịp trưởng thành thì chồng đã bước vào tuổi già. Tất cả những điều đó, tôi đều đã nghĩ đến. Tôi thậm chí đã tiên liệu nhiều hơn, đã đặt ra những giả định còn kinh khủng hơn rất nhiều để suy nghĩ.
Nhưng, hơn ai hết, tôi biết mình đang làm gì, tình yêu của mình chín đến đâu. Tôi từng nói với những chị bạn còn e ngại về tuổi tác của anh thời điểm ấy, rằng “em chỉ cần hạnh phúc 5 năm thôi cũng được”. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ niềm tin đó. Nhưng, may mắn là cuộc sống lại bày ra cho tôi những viễn cảnh lạc quan khác.
Có những người đàn ông ngoài 90 tuổi vẫn băng băng lội rừng, leo núi như những bạn trẻ. Còn trong trường hợp của riêng tôi, tuổi tác không thành vấn đề, bởi anh rất trẻ và khỏe.
Vấn đề duy nhất, nếu có, trong cuộc hôn nhân lệch tuổi của chúng tôi là: ưu tiên cuộc đời của vợ chồng khá khác nhau. Anh bây giờ đã thành đạt, có thể thong dong du lịch khắp nơi; còn tôi vẫn phải tập trung học, chuyện chơi bời là rất xa xỉ. Điều đó có thể sẽ khiến chúng tôi có chút khó khăn trong việc sắp xếp thời gian bên nhau.
Anh Trần Tuấn Anh: Ngay cả điều đó với tôi cũng không thành vấn đề. Bởi tôi hoàn toàn có thể hoãn việc đi chơi, cùng Hiền Anh học bài, làm việc để đến hè lại du lịch có đôi, không sao cả (cười).
* Vậy, ngoài “môn đăng hộ đối”, “xứng đôi vừa lứa” cũng đã trở thành một định kiến truyền đời mà các cặp đôi chỉ thực sự va vấp khi trót yêu một người lệch tuổi?
Chị Nguyễn Hiền Anh: Tôi nghĩ, điều này còn tùy vào từng nền văn hóa. Tôi còn nhớ những ngày tháng bị mẹ giam trong nhà, cất hết các giấy tờ tùy thân; tôi đã đến gặp gỡ cả công an, luật sư, nhà báo để cầu cứu.
Nhưng, khi nghe tôi đang có một tình yêu lệch tuổi, mọi người đều đưa ra một lời khuyên: “hãy thuyết phục gia đình”, dù biết tôi đã hết đường thuyết phục. Và họ không giúp đỡ gì thêm nữa. Người ta e ngại trước tình yêu của tôi, họ bất chấp pháp luật mà hành xử theo quán tính xã hội, rằng “lệch nhiều tuổi thì không nên cưới nhau”.
Trong khi đó, ở Pháp, khi nhìn vào hồ sơ đăng ký kết hôn của tôi, nhân viên hộ tịch hỏi: “Gia đình cô có phản đối không?”. Tôi chỉ cần trả lời: “Tôi đã là người trưởng thành”, nhân viên hộ tịch liền xin lỗi, rồi tiếp tục công việc của mình. Định kiến chỉ thực sự nguy hiểm trong một xã hội thiếu rạch ròi giữa lý lẽ và định kiến.
Anh Trần Tuấn Anh: Nguy hiểm hơn cả vẫn là định kiến đến từ chính người trong cuộc. Khi người lớn tuổi cậy mình lớn hơn, trưởng thành hơn mà lạm quyền, đàn áp; hoặc người nhỏ tuổi tự cho mình yếu đuối, cần được dựa dẫm, đòi hỏi thì “lệch tuổi” là một bi kịch. Tôi luôn thấy mình may mắn khi vợ luôn khiến tôi có cảm giác tôn trọng, muốn được chia sẻ, đồng hành. May mắn ấy hẳn không đến từ tuổi tác. Nó phải đến từ đâu đó trong chính con người cô ấy.
ThS-BS Lan Hải: Định kiến nhiều khi cũng đến từ những kinh nghiệm truyền đời đấy thôi. Có thể chính người ngăn cản cũng không thể nói rõ ràng nguyên nhân, nhưng trải nghiệm cho họ linh cảm đó. Tuy nhiên, cuộc sống vốn muôn màu. Nếu các bạn đến với nhau vì tình yêu, thì các bạn luôn xứng đáng được chúc phúc!