Lễ Vu Lan của những đứa trẻ bị bỏ rơi

28/08/2015 - 07:01

PNO - Ở tuổi ấy, những đứa trẻ đáng ra phải được sống trong sự đùm bọc, chở che của gia đình.

Trên khắp nẻo đường Sài Gòn, chúng ta thường gặp những cô, cậu bé đang độ tuổi ăn, tuổi học vẫn phải rong ruổi trên nẻo đường mưu sinh. Tiết trời Sài Gòn tháng 8 vẫn nắng như đổ lửa, nhưng rất nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ vẫn phải len lỏi khắp các ngõ ngách, con phố, hàng quán… để mưu sinh. Có lẽ, nghề bán vé số gần như “mặc định” thành nghề kiếm sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền hoặc lang thang, cơ nhỡ.

Chúng tôi tìm gặp một cậu bé bán vé số vào một buổi trưa cuối tháng 8 trước bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Thoạt tiên, cậu bé này không khác gì so với biết bao đứa trẻ bán vé số khác. Tuy vậy, trong mắt cậu vẫn ánh lên một thứ gì đó rất lạ. Lúc gặp chúng tôi, cậu bé vừa vào bệnh viện xin xong suất cơm từ thiện để lót dạ. Xin cơm xong, cậu bé ra một quán vỉa hè mượn tạm chiếc ghế để ngồi ăn cơm. Lân la trò chuyện, cậu bé cho biết mình là Bo hay Cu Bo, 12 tuổi. Khi hỏi tên thật, Cu Bo chỉ cho biết, mình được gọi là thế chứ không hề biết tên thật là gì?

“Cha mẹ em đâu?” – Chúng tôi hỏi?

“Không có cha mẹ !” – Cu Bo trả lời gọn lỏm và tiếp tục cặm cụi ăn cơm.

“Thế nhà em ở đâu? Tại sao không có cha mẹ?” – Chúng tôi gặn hỏi?

“Dì Tư bán vé số lượm về nuôi hồi mới đẻ. Chứ không biết cha mẹ đẻ là ai” – Cu Bo trả lời, ánh mắt chùn xuống.

“Thế lễ Vu Lan này em định làm gì?” – “Không làm gì cả, chả biết báo hiếu cho ai?”, Cu Bo trả lời sau khi ăn xong rồi đứng dậy dọn dẹp.

Le Vu Lan cua nhung dua tre bi bo roi
Hằng ngày đi bán vé số nuôi thân, đến trưa, Cu Bo lại đến bệnh viện Nhi đồng 2 để xin cơm từ thiện ăn lót dạ.

Rồi Cu Bo cho biết thêm, mình đã có hơn 3 năm bán vé số dạo và nắm được khá nhiều luật ngầm khi bán.

“Mỗi ngày phải bán hết sấp vé số mới có lời, việc bán vé số thì làm cả ngày và đôi khi…muốn làm thì làm, không muốn thì nghỉ. Coi vậy chứ bán vé số cũng phân chia địa bàn để không giành khách của nhau đó chú ! Nhưng nhiều khi không bán được hết vé cũng phải lấn sang địa bàn khác. Nhiều anh chị không thông cảm đã đe dọa, thậm chí đánh dằn mặt nữa”, Cu Bo kể.

Le Vu Lan cua nhung dua tre bi bo roi
Một nhóm trẻ lang thang trong những ngày nắng đổ lửa 

“Nghề không có thời điểm bắt đầu và kết thúc. Thích bán giờ nào cũng được, miễn sao là có tiền sống và ăn no được hai bữa. Nhiều lúc cũng muốn có cha mẹ đầy đủ, nhưng biết họ hình thù ra sao mà tìm với kiếm. Chắc cả đời cũng không biết bọn họ là ai? Mà bây giờ cũng không biết họ còn sống hay không?”, Cu Bo cười cười và nói.

Chúng tôi tiếp tục gặp một cô bé bé gầy gò, da đen nhẻm, chừng 5-6 tuổi bước đến với gương mặt vui tươi mời chào: “Mua vé số đi chú. Chú thương con mua vài tờ đi chú...”.

“Cha mẹ con không ở chung”, cô bé hồn nhiên trả lời khi được hỏi.

“Con mấy tuổi rồi? Sao nhỏ xíu mà đi bán giỏi vậy”,…. Cô bé lắc đầu không trả lời câu hỏi đó của chúng tôi.

Le Vu Lan cua nhung dua tre bi bo roi
Bé Na rất ít khi nhắc đến cha của mình.

Một chóc sau khi đã “làm quen”, cô bé mới cho biết mình tên là Na. Sống với mẹ, nhưng mẹ cũng đi bán vé số và hai mẹ con ở trọ. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô bé rất ít khi nhắc đến cha mình. Khi được hỏi về chuyện báo hiếu cha mẹ, cô bé cũng chỉ cười hồn nhiên và vờ lảng sang chuyện khác…

Le Vu Lan cua nhung dua tre bi bo roi
Dù chưa đi học, nhưng cô bé đã học được cách tính tiền và biết trả lại tiền dư cho khách khi bán vé số.

Vất vả mưu sinh với đủ nghề, nhưng cô, cậu bé côi bút sớm bương chải bằng đủ nghề để nuôi sống bản thân mình. Mấy ai biết đằng sau mỗi tờ vé số, mỗi ổ bánh mì được bọn trẻ bán ra là cả nỗi niềm, những trăn trở day dứt của các em về tương lai về ước mơ hạnh phúc gia đình? Đám trẻ ấy cũng cần ngày lễ Vu Lan.

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI