|
Lhakpa Sherpa tại trại căn cứ Everest - Ảnh: Instagram |
Lhakpa Sherpa đã trở thành nhà leo núi nữ vĩ đại nhất từ trước đến nay, là người phụ nữ đầu tiên mười lần chinh phục thành công đỉnh Everest. Bà mẹ đơn thân 50 tuổi người Nepal sống ở Mỹ cùng ba người con vẫn bền bỉ hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Với nghị lực phi thường vượt qua nghèo đói và lạm dụng để nuôi nấng ba người con, Lhakpa Sherpa trở thành niềm cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ. Rũ bỏ những định kiến, chị kiên định với giấc mơ chinh phục của chính mình.
Khởi đầu khiêm tốn
Trước khi trở thành người phụ nữ được hàng triệu người ngưỡng mộ, Lhakpa trải qua khá nhiều truân chuyên. Chị là người dân tộc Sherpa, sinh ra trong một hang động ở ngôi làng cao hơn 4.000m so với mực nước biển tại vùng Makalu, miền đông Nepal.
Lhakpa lớn lên trong ngôi làng nhỏ với 11 anh chị em và bắt đầu làm công việc bốc vác trên núi từ năm 15 tuổi. Cha chị sở hữu ba quán trà và mẹ chị vẫn điều hành những quán trà đó cho đến nay. Dù luôn muốn đi học nhưng chị không có cơ hội. Thay vào đó, chị bắt đầu lao động chân tay.
Mỗi ngày, Lhakpa thường đi bộ tám giờ, mang vác những vật nặng (khoảng 36 - 45kg) từ trại này sang trại khác. Sau đó, chú chị đã thuê chị làm phụ bếp ở khu vực núi Makalu. Chị nhanh chóng tập làm quen với việc di chuyển lên những bậc thang và cứ thế chị quen với việc bốc vác trên các đỉnh núi.
Có lẽ chính cuộc đời nhiều thăng trầm, trùng điệp như những ngọn núi từng chinh phục đã giúp Lhakpa Sherpa có vẻ ngoài sương gió và trái tim cứng cỏi hơn. Chị đã sống sót sau sự ngược đãi và lạm dụng của chồng cũ. Chồng chị là George Dijmarescu, đã chết vì ung thư ở tuổi 59 vào năm 2020. Dẫu vậy, sự đau đớn do người đàn ông đó gây ra đã khiến Lhakpa tổn thương đến nỗi chị không bao giờ muốn nhắc lại. Sau ly hôn, chị làm việc theo giờ tại chuỗi cửa hàng Whole Foods ở Connecticut và gần như một mình nuôi dạy ba người con.
Nhắc đến những thành tựu đáng kinh ngạc của mình, Lhakpa - người được mệnh danh là “Nữ hoàng Everest” - cho biết: “Tôi cảm thấy như thể tôi đã chạm tới ước mơ khi lên đến đỉnh Everest lần đầu tiên. Tôi nghĩ mình không chỉ là một bà nội trợ nữa. Tôi cảm thấy như mình đã thay đổi văn hóa Sherpa, địa vị của phụ nữ Sherpa và phụ nữ Nepal”.
Lhakpa Sherpa tâm sự thêm: “Có rất nhiều điều tồi tệ đã xảy ra trong cuộc đời tôi nhưng vượt qua tất cả, tôi luôn leo núi và tôi luôn có Everest trong tim. Chúng tôi tin rằng Everest là một vị thần, trái đất và mẹ. Đỉnh Everest và tôi có mối liên hệ đặc biệt, tôi cảm thấy nó đang nói chuyện khi tuyết thổi trên đỉnh núi”.
Bà mẹ ba con luôn mang ơn Everest bởi nó như một bác sĩ đã chữa bệnh cho chị, giúp chị xoa dịu chứng trầm cảm và vực dậy tinh thần chị. Đứng trên đỉnh Everest, chị hoàn toàn vứt bỏ được nỗi lo lắng về các hóa đơn, còn những tổn thương trong lòng chị cứ thu nhỏ lại rồi dần xóa nhòa. Qua con mắt của Lhakpa, Everest giống như một câu đố mà chị cho rằng chị có thể giải được.
"Chúng tôi không bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ không tuột dốc sau khi ly hôn, sau những tổn thương. Tôi muốn cho họ thấy tôi có thể làm được và các bạn cũng vậy" - Lhakpa Sherpa nói.
Cuộc đấu tranh sinh tồn khó khăn
|
Lhakpa Sherpa chia sẻ những khó khăn trong quá trình chinh phục núi Everest: “Tôi sợ hãi khi vượt qua sông băng Khumbu. Đó có lẽ là phần nguy hiểm nhất. Những trận lở tuyết cũng thật đáng sợ. Tôi có thể giữ cho mình không bị ngã nhưng tôi không thể làm gì với một trận tuyết lở” - Ảnh: SCMP |
Không được học hành và phải làm công việc dọn vệ sinh, bốc vác khi còn trẻ nhưng Lhakpa luôn có tham vọng cháy bỏng là leo lên đỉnh Everest. Chị muốn hỗ trợ những người muốn chinh phục ngọn núi lớn nhất thế giới. Chị nhớ mình đã nhận được sự phản đối chỉ vì là phụ nữ.
Cha mẹ Lhakpa đã cảnh báo rằng chị sẽ không bao giờ kết hôn được nếu cố gắng trở thành vận động viên leo núi vì chị sẽ trở nên quá nam tính. Trong khi đó, dân làng khuyên chị nghề này là công việc của đàn ông và chị sẽ chết nếu cứ dốc sức theo đuổi việc khó nhằn này. "Ở Nepal, đàn ông luôn đứng đầu. Tôi đã nói không. Đàn ông có thể học những điều của phụ nữ và ngược lại" - Lhakpa tâm sự về những nghi ngại mà chị đã gánh chịu thời trẻ vì là phụ nữ.
Vượt định kiến, Lhakpa Sherpa đã cho thấy sức mạnh nội tại và khát vọng của mình, lần lượt chinh phục lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba… và lần thứ mười lên đến đỉnh núi Everest. Tuy nhiên, đằng sau khát khao chinh phục, bà mẹ ba con cũng đối mặt muôn vàn nỗi lo về tài chính và thời gian chăm sóc con cái.
Là một bà mẹ đơn thân làm việc theo giờ, chị phải gom góp tiền mua vé máy bay trở về Nepal cho mùa leo núi mùa xuân. Thật khó để Lhakpa phải xa con trong hai tháng và luôn tự nhủ phải trở về an toàn với con. Chưa kể, chị có rất ít thời gian để tập luyện và việc rời bỏ công việc kéo dài một tháng để leo núi khiến chị đứng trước nguy cơ phải sống vô gia cư. Bù lại, con cái, người thân và bạn bè luôn hết lòng ủng hộ, khuyến khích chị đừng bao giờ bỏ cuộc.
Những thành tựu ban đầu của Lhakpa không thu hút được sự chú ý của giới truyền thông và các nhà tài trợ. Trong nhiều năm, chị không được công nhận và phải làm việc với mức lương tối thiểu cho các công việc: chăm sóc người già, dọn dẹp nhà cửa và rửa chén để có tiền leo núi.
Mãi đến khi chị thay đổi, học nói tiếng Anh tốt hơn để tự tin trả lời phỏng vấn truyền thông hay phát biểu tại các sự kiện, chị mới dần nhận được nhiều sự hỗ trợ tài chính để tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh núi huyền thoại.
Lhakpa nói: “Từ nhỏ, tôi đã mơ ước một ngày sẽ chinh phục được đỉnh núi cao nhất thế giới. Giấc mơ thời thơ ấu vẫn luôn cháy bỏng trong tôi. Tôi muốn truyền cảm hứng cho những ông bố, bà mẹ đơn thân khác”.
“Lễ tốt nghiệp” của chính mình
|
Lhakpa Sherpa gây ấn tượng với kỷ lục mười lần chinh phục đỉnh núi Everest - Ảnh: CNN |
Từ năm 2019, Lhakpa đã ấp ủ giấc mơ chinh phục đỉnh Everest lần thứ mười. Kế hoạch đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19. Cuối cùng, vào tháng 5/2022, chuyến đi đến Everest đã trở nên khả thi.
“Tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi này trong nhiều năm nhưng COVID-19 đã trì hoãn mọi thứ. Những năm qua thật khó khăn. Tôi đã làm việc trong một cửa hàng tạp hóa suốt thời gian xảy ra đại dịch. Cha tôi đã qua đời và cha của con tôi cũng qua đời…” - bà mẹ ba con tâm sự.
Với Lhakpa, việc chinh phục đỉnh Everest lần thứ mười cũng chính là lễ tốt nghiệp của chính mình: “Tôi cảm thấy Everest là nơi học tập của mình và lần chạm đỉnh thứ mười cũng giống như lễ tốt nghiệp của tôi. Những ngọn núi khiến tôi hạnh phúc và thư thái. Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi muốn những phụ nữ trẻ cũng đừng bỏ cuộc”.
Dù đã ở tuổi trung niên và sức khỏe có phần giảm sút, Lhakpa không muốn ngừng khát vọng chinh phục của mình. Sau Everest, Lhakpa cũng để mắt đến K2, đỉnh núi cao thứ hai thế giới, được nhận định có địa hình khó và nguy hiểm hơn Everest.
“Tôi muốn chứng tỏ rằng phụ nữ có thể làm được. Nhiều phụ nữ đến gặp tôi và nói rằng tôi đã truyền cảm hứng cho họ. Tôi thấy ngày càng nhiều phụ nữ leo núi hơn, điều đó khiến tôi hạnh phúc. Thông điệp của tôi gửi đến phái đẹp đơn giản chỉ là họ cứ tiếp tục làm những gì họ muốn và đừng bỏ cuộc. Tôi đang cố gắng giúp các con gái của mình kiên định đi theo ước mơ của chúng”.
Chung Thu Hương