Lễ tình nhân online của dì

14/02/2025 - 11:17

PNO - Đó cũng là lần 2 người vượt qua mặc cảm tuổi tác để thực hiện cuộc gọi video “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao” .

Điện thoại có cuộc gọi nhỡ. Là số của mẹ. Bình thường có chuyện gì mẹ thường nhắn tin chứ ít khi gọi điện, có lẽ có việc gì gấp lắm. Tôi bấm số gọi lại, giọng mẹ gấp gáp: “Dì Hai có nói gì với con không? Thôi chết, có khi dì bị bỏ bùa rồi”.

Tôi cố trấn an rồi dần dần hỏi chuyện mới biết nỗi lo lắng của mẹ bắt nguồn từ việc gần đây, dì nối lại liên lạc với một người đàn ông vốn là bạn học của cậu tôi ngày xưa, hiện góa vợ, sống một mình.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Dì tôi cả đời độc thân. Nghe mẹ kể, dì cũng từng yêu, từng sắp làm đám cưới thì vị hôn phu bị tai nạn qua đời. Sau đó, không thấy dì nói yêu thương ai nữa. Cuộc sống của người con gái lớn trong nhà: hết lo cho các em, rồi đến các cháu, xong lại tới lúc chăm sóc ba mẹ già. Năm rồi, ông ngoại tôi về miền mây trắng, dì Hai thực sự có những ngày tháng sống cho riêng mình. Lúc đó, dì đã ngoài 70 tuổi.

Những “bằng chứng” cho thấy dì Hai bị “bỏ bùa”, theo mẹ tôi, là những chuyện rất lạ lùng, rất “động trời”, trước giờ chưa từng có: tết năm nay không thấy dì quần quật làm bánh trái, nấu món này món kia cúng kiếng; qua tết không thấy đùm đề dưa kiệu dưa hành, bánh bò, bánh chuối cho mấy đứa cháu đem lên thành phố. Trước kia dì hay càm ràm giận hờn, la rầy em cháu nếu giỗ quải không về, nay thì như người ngoài cuộc - không gọi điện nhắc, không giận không hờn.

Mẹ thắc mắc, qua nhà dì… rình coi sao thì thấy dì hay hẹn giờ để gọi điện thoại tâm sự với ông bạn phương xa (người này đang ở nước ngoài). “Trong nhà dì thương con nhất. Con thử tìm hiểu, coi chừng dì bị gạt hết tiền vàng dưỡng già thì khổ” - giọng mẹ tôi đầy lo lắng.

Tôi tranh thủ ngày cuối tuần chạy xuống nhà dì. Khi tôi đến, đúng lúc dì có điện thoại. Có lẽ là điện thoại của người ấy. Nằm võng ở phòng khách, tôi cố lắng tai nghe. Dì xưng em, gọi người kia là anh. Dì kể cho người kia nghe những chuyện rất đỗi bình thường như hôm nay đi chợ mua gì, nấu món gì, bộ phim truyền hình đang chiếu tới tập mấy, chậu vạn thọ, cúc vàng mua hồi tết đã tàn chưa, giàn bầu trước sân ra được mấy trái non…

Giọng dì dịu dàng, mềm mỏng, có phần nhu mì. Cuối cuộc điện thoại kéo dài đâu gần 30 phút, họ dặn nhau nhớ bớt ăn mặn, nhớ thở cho sâu, nhớ đi ngủ sớm, hẹn mai “gặp lại”. Nói là “gặp”, chứ tôi để ý thấy dì không bật camera.

Thấy tôi nhìn cười cười, dì cũng tủm tỉm: “Bạn già, gọi hỏi thăm nhau đỡ buồn thôi con”. Tôi hỏi sao dì với bác kia không mở camera, dì nói: “Nghe giọng được rồi, nhìn nhau chi. Dì giờ già, xấu, chắc ổng cũng vậy”. Rồi dì hỏi: “Hình như sắp tới lễ tình nhân gì đó phải hông con? Nghe ổng hỏi dì thích quà gì để ổng tặng… online. Trời ơi, cả đời dì có biết mấy cái đó đâu”. Ánh mắt dì bối rối, giọng cũng ngập ngừng.

Hôm đó, dì kể cho tôi nghe nhiều về ông bạn phương xa, về những điều thầm kín bấy lâu dì chưa từng kể. Câu chuyện với dì khiến tôi trút bỏ gánh nặng âu lo về một vụ lừa đảo nhắm vào người già mà báo chí vẫn đăng nhan nhản.

Dì giới thiệu để tôi kết bạn với người kia. Qua trò chuyện, tôi hiểu ông thực sự quan tâm và xem dì như tri kỷ để an ủi, sưởi ấm cõi lòng nhau, dù xa xôi cách trở, trong chặng cuối của cuộc đời.

Trở lên thành phố, tôi nhận được cuộc gọi của dì khoe về lễ tình nhân online đặc biệt đầu tiên trong đời dì: đó cũng là lần 2 người vượt qua mặc cảm tuổi tác để thực hiện cuộc gọi video “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao” sau gần 50 năm xa cách. Qua camera điện thoại, ông cũng “tặng” dì bó hoa thật đẹp do chính tay ông hái trong vườn nhà, dì khoe chiếc khăn quàng cổ đang đan dở để tặng ông. Họ hẹn nhau một ngày không xa sẽ hội ngộ khi ông về nước.

Nghe dì tâm sự, tôi mừng cho dì đã tìm thấy niềm vui tuổi xế chiều. Ai bảo già rồi không được yêu thương và rung động? Hãy cứ yêu thương khi con tim còn khao khát thương yêu.

Thiếu Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI