edf40wrjww2tblPage:Content
Không như nhiều ca sĩ khác thời đó, Lệ Thu không gắn cố định với sáng tác của một nhạc sĩ nào. Nhưng, những bài hát đã được bà thể hiện thì không ca sĩ nào tự tin có thể vượt qua, như Thu hát cho người, Thuyền viễn xứ, Hương xưa, Mùa thu chết… Trong những năm 1968 đến 1971, tại Sài Gòn, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz.
Như bao ca sĩ ngày đó, bà chọn một nghệ danh thay cho cái tên thật Bùi Thị Oanh của mình, và hai chữ Lệ Thu sau đó đi vào lòng không biết bao nhiêu thế hệ khán giả. Cuộc đời riêng của bà, đến nay vẫn còn là một góc khuất. Bà muốn giữ riêng cho mình điều duy nhất còn lại ấy, nên chưa bao giờ chia sẻ với truyền thông. Người ta chỉ biết rằng bà đã trải qua hai cuộc hôn nhân và một người tình gắn bó sâu đậm.
Ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, đôi lần nhìn lại những gập ghềnh trong cuộc đời mình, bà có cảm giác an nhiên: “Cuộc đời tôi như một tờ giấy trắng, rồi được tạo hóa vẽ lên đó những đường nét rõ ràng và tôi chưa một lần đi ngược lại quy luật tự nhiên”. Có lẽ, đó là lý do giúp nữ danh ca giữ được vẻ trẻ trung và giọng hát trầm ấm, truyền cảm như thời con gái. “Tôi được tạo hóa ban cho một chút nhan sắc, một chút tài năng để làm người nghệ sĩ nên cũng lấy lại của tôi niềm hạnh phúc với hôn nhân”, bà nói gọn buồn về những cuộc tình đi qua trong đời mình.
“Giọng hát của tôi như cây được trồng trên đất tốt”
* Âm nhạc đến với bà như thế nào để rồi bà gắn bó với sân khấu suốt hơn 50 năm?
- Tôi được gia đình cho theo học piano từ khi lên năm, cộng với niềm đam mê âm nhạc sẵn có trong con người mình. Hai điều này phát triển hòa hợp tự nhiên, tạo ra một tình yêu trong tôi dành cho âm nhạc. Mặc nhiên đến mức tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể khác đi.
* Có vẻ đó là một tuổi thơ trọn vẹn với những điều bà yêu thích?
- Tuổi thơ tôi trôi qua trong yên bình. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả. Bên nội, bên ngoại đều có điều kiện kinh tế. Mẹ tôi trải qua tám lần sinh nở nhưng các anh chị của tôi không được hưởng phúc phận, chỉ có tôi là đứa con duy nhất nhận được toàn bộ tình thương, chăm sóc của cả gia đình. Tôi có một cuộc sống đầy đủ trong căn nhà đúng kiểu làng quê Bắc bộ ngày đó. Một căn nhà ba gian, có ao thả cá, có vườn cây hoa trái rộng bát ngát…
Tôi hầu như không biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, đi học ở đình làng gần nhà, sau đó chuyển từ Hà Đông lên Hà Nội học. Năm 10 tuổi, tôi và mẹ chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tôi tiếp tục đi học và tham gia hát trong ca đoàn, chuyên hát thánh ca trong các buổi lễ ở nhà thờ. Đây chính là cơ hội để giọng hát của tôi được rèn luyện. Tôi thường ví von, giọng hát của mình như một cái cây được trồng nơi đất tốt vậy.
* Tại sao bà lại chọn học piano mà không phải học ca hát?
- Thời đó, không có một trường đào tạo chuyên về thanh nhạc nào cả. Gia đình thấy tôi có năng khiếu về âm nhạc nên cho đi học đàn. Nhưng nghĩ, con gái mà học guitar sợ “ngổ ngáo” quá nên bố mẹ cho tôi học piano để tăng phần nữ tính. Khi chuyển vào sống ở Sài Gòn, cạnh nhà tôi có một ông thầy dạy nhạc. Tôi thường nghe tiếng nhạc phát ra từ nhà ông và hát theo. Rồi tôi được bạn bè trong xóm, trong lớp khen hát hay, đàn giỏi, nhưng kỳ lạ họ không khuyến khích tôi tham gia các cuộc thi hát do đài phát thanh tổ chức. Họ dọa tôi rằng, ở đài phát thanh có một phòng kín, trong đó đặt một tấm kính cho mình nhìn vào và hát. Với trí óc non nớt, tôi nghĩ rằng đó là tấm gương để soi làm tôi rất sợ. Tôi chưa từng đến phòng thu, làm sao có thể hát trước một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình trong một căn phòng kín như thế, nên tôi không dám đi thi.
Đến khi 18-19 tuổi, tôi tình cờ lên hát chúc mừng sinh nhật một người bạn tại phòng trà Bồng Lai và giọng hát của tôi “lọt tai” chủ phòng trà đó. Ông đã ngỏ lời mời và trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy. Thế là tối tối, tôi giấu trang phục diễn vào người rồi nói dối mẹ là đến nhà bạn học bài. Tôi hát ở phòng trà mỗi đêm một giờ và lấy nghệ danh Lệ Thu.
* Tại sao bà phải giấu mẹ để đi hát, trong khi chính gia đình phát hiện và tạo điều kiện cho bà theo đuổi âm nhạc?
- Bố mẹ sợ tôi phải khổ vì quan niệm “xướng ca vô loài”. Tôi là con gái duy nhất trong gia đình nên được quan tâm, tôi có cơ hội học hỏi những thứ mình thích. Nhưng, vì “xướng ca vô loài” nên sự yêu thích âm nhạc của tôi chỉ được hồi đáp bằng việc học piano. Sau này, mẹ biết nên cấm tôi hát, ông chủ phòng trà phải đến tận nhà năn nỉ và cam kết là ca hát bây giờ không giống như ngày xưa. Ông đưa mẹ tôi đến tận phòng trà mục sở thị, sau đó mẹ mới không phản đối nữa, nhưng mỗi khi tôi đi hát thì mẹ theo cùng.
* Nhưng sao lại là Lệ Thu, một cái tên buồn thế?
- Thực ra, Lệ Thu là cái tên không có chủ ý. Khi chủ phòng trà hỏi, tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết, chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu lý do tại sao cái tên này lại được bật lên một cách tự nhiên như thế.
* Người xưa vẫn cho rằng, cái tên vận vào cuộc đời. Có phải vì thế mà bà toàn chọn hát những tình khúc buồn?
- Thực ra, các ca sĩ thế hệ tôi ngày đó không có nhiều lựa chọn, bởi nhạc miền Nam khi đó đa số buồn. Ngày mới đi hát ở phòng trà, tôi là một cô học trò còn vô tư, hoàn toàn không cảm nhận được ca từ mang đầy tâm sự của các nhạc sĩ. Tôi hồn nhiên chọn bài và hát. Thậm chí, bạn bè kêu tôi lên hát mừng sinh nhật một người bạn, tôi tự nhiên chọn ca khúc… cũng rất buồn, bài Dang dở.
Nhiều người cho rằng, cái tên và những bài tôi hát đồng cảm với cuộc đời tôi. Và tôi cũng không hiểu vì sao những điều đó cứ vận vào mình. Ở tuổi này, sự trải nghiệm và hiểu biết cho tôi nhận ra rằng, tạo hóa vốn công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng nhưng phải lấy lại một cái nào đó. Và người lấy của tôi hạnh phúc trong cuộc sống riêng.
* Nếu có lần nhìn lại những cuộc hôn nhân của mình, bà có muốn được thay đổi điều gì đó không?
- Hoàn toàn không. Tôi nghiệm ra rằng, hôn nhân chỉ là nợ hoặc duyên mà thôi. Nếu hai người có duyên nợ với nhau, sẽ cùng nhau đi hết một đoạn đường dài. Duyên nợ của tôi với “người cũ” có lẽ chỉ đến đó, và chúng tôi đã trả cho nhau xong rồi. Định mệnh mà, có được làm lại cũng sẽ không thể thay đổi.
“Tôi luôn bằng lòng với hiện tại”
* Bà cho rằng, trời cho mình điều này ắt lấy đi của mình cái khác. Có lúc nào bà buồn vì những “đánh đổi” ấy không?
- Đôi khi tôi nghĩ rằng, nếu bây giờ cho tôi là một người phụ nữ, chỉ cần chăm sóc gia đình, làm nội trợ, liệu mình có chấp nhận được không? Rồi tôi tự trả lời ngay: Không! Tôi hiểu được tính cách của mình, không điều gì buộc được chân mình. Tôi trở thành một ca sĩ bởi tôi biết khả năng của mình và tôi yêu thích việc này. Hơn nữa, những điều tôi làm vẫn ở trong vòng lễ giáo, quy tắc của gia đình đã dạy tôi từ bé.
Tôi rất thích một câu nói mà người Mỹ hay dùng là “Born to be that way” (Sinh ra để được như vậy). Có những người sinh ra để làm hoàng hậu hưởng phú quý và quyền lực, có người sinh ra có số phận khổ sở… còn tôi sinh ra để làm một nghệ sĩ. Chuyện trở thành một ca sĩ là điều tất yếu và nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn làm như vậy.
* Và bà bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình...
- Có một câu nói tôi được nghe ở đâu đó rằng, hạnh phúc ở trong tầm tay mình và hiện hữu ở hiện tại. Tôi quan niệm, quá khứ là một gia sản của mỗi người, những gì có được ở hiện tại, dù có người cho đó là không may mắn nhưng tôi luôn bằng lòng với nó. Tôi không nhọc lòng lo lắng những thứ mình chưa biết, chưa trải qua ở tương lai.
* Một quy luật rất đặc trưng của người Việt, càng có tuổi càng muốn sống cạnh con cháu hoặc trở về quê hương bản xứ. Vì sao bà lại chọn sống một mình ở Mỹ?
- Tôi là người có tính cách khá mạnh mẽ, thích gì làm nấy và độc lập trong cuộc sống riêng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục của mẹ nên tôi cũng dạy các con mình tạo lập cuộc sống độc lập ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, nghề nghiệp khiến tôi hay đi đây đó, cộng với cá tính mạnh, thích sự tự do tự tại đôi khi cũng gây ảnh hưởng tới con cháu nên tôi nghĩ, mình cần có căn nhà và sống cuộc sống của riêng mình. Tôi thích sống một mình nhưng chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ xa con cháu để trở về hẳn Việt Nam. Tôi rất yêu thương chúng. Vả lại, các con tôi trưởng thành và xây dựng cuộc sống riêng ở đâu thì đó là nơi chúng phải gắn bó dài lâu. Với tôi, nơi nào được gần những người mình yêu thương, nơi đó chính là nhà.
* Xin cám ơn những chia sẻ của bà!
Nguyên Vĩnh (thực hiện)