Lễ Thanh minh đang dần thay đổi

05/04/2023 - 06:24

PNO - Bước vào mùa lễ Thanh minh, những gia đình Á Đông đến thăm các nghĩa trang để dọn dẹp mồ mả tổ tiên và tưởng nhớ người đã khuất. Dù vậy, dường như không khí buổi tảo mộ ngày nay đã thay đổi ít nhiều.

 

Cô Cherry Tang đang bày một mâm cúng nhỏ cho bà của mình tại nhà tưởng niệm ở Hồng Kông (Trung Quốc) - ẢNH: NEW YORK TIMES
Cô Cherry Tang đang bày một mâm cúng nhỏ cho bà của mình tại nhà tưởng niệm ở Hồng Kông (Trung Quốc) - Ảnh: New York Times

Dịp tụ họp gia đình

Lễ Thanh minh là lúc các đại gia đình quần tụ để tưởng nhớ người thân đã khuất, quét dọn mồ mả tổ tiên và cúng theo tập tục có từ 2.500 năm trước. Năm nay, lễ Thanh minh chính rơi vào ngày 5/4, vì vậy từ đầu tháng Tư, nhiều gia đình tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… đã đến nghĩa trang, đền chùa để viếng người thân quá cố.

Dịch COVID-19 từng khiến nhiều người sống xa quê không thể trở về tảo mộ cùng gia đình, nên lễ Thanh minh năm nay trở thành cuộc đoàn tụ đầy mong đợi. Giáo viên đã nghỉ hưu Tan Lean Sen (56 tuổi) ở Kuala Lumpur (Malaysia) không có cơ hội về quê thường xuyên nên dịp này, cô mang theo món ăn yêu thích của cha mẹ mình để tưởng nhớ họ. Cô nói: “Cha tôi qua đời năm 1997 và mẹ tôi mất năm 2021. Cà ri gà là món mẹ tôi thích nhất, còn cha là món bánh bao xá xíu. Chúng tôi cũng mua thêm nhiều loại thực phẩm và đồ cầu nguyện để làm lễ vật trong chuyến đi đến nghĩa trang tại quê  nhà Penang”.

Tương tự, dù lớn lên ở Hồng Kông (Trung Quốc), Cherry Tang thường cùng các cô chú trong nhà đi sang Trung Quốc đại lục để viếng khu mộ tổ tiên. Theo Tang, buổi tảo mộ trở thành dịp sum họp gia đình.

Truyền thống đang dần thay đổi

Dù gắn liền với nhiều kỷ niệm và ý nghĩa, lễ Thanh minh đang dần thay đổi khi những ngôi mộ đang bị loại bỏ dần. Những thập niên gần đây, các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á đã thúc đẩy việc hỏa táng thay cho chôn cất. Nhiều nghĩa trang được giải tỏa, nhường chỗ cho các khu đô thị.

Sự thay đổi đặc biệt phổ biến ở các hòn đảo đông dân cư và các thành phố ven biển, nơi đất chôn cất khan hiếm. Hầu hết các gia đình hiện nay chọn cách hỏa táng người thân qua đời và lưu giữ tro cốt ở đền, chùa hoặc các khu nhà tưởng niệm và tụ tập vào ngày Thanh minh để cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Những mâm cúng nấu tại nhà dành cho người quá cố dần được thay thế bằng những bữa ăn nhỏ hơn và đồ ăn nhẹ mua ở cửa hàng.

Những nơi để tro cốt thực tế là không có đủ chỗ cho gia đình bày cúng đầy đủ các món theo truyền thống. Wu Bo-Wei (30 tuổi) - nhà hoạt động di sản người Đài Loan (Trung Quốc) - chuyên vận động bảo tồn mộ cổ - cho biết: “Ở khu vực thành thị, nhiều người trẻ tuổi hoàn toàn không biết đến các ngôi mộ. Họ không quen thuộc với truyền thống tảo mộ và chỉ đến nhà tưởng niệm để cúng đơn giản cho tổ tiên”.

Bên cạnh đó, việc thu xếp công việc để có thời gian về quê vào dịp Thanh minh cũng là khó khăn không nhỏ. Mới đây, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một nhân viên tại Hồng Kông (Trung Quốc) xin nghỉ 12 ngày để về quê tỏ lòng thành kính với tổ tiên nhưng bị cấp trên bắt chụp ảnh mồ mả tổ tiên để chứng minh. Sự khó khăn về di chuyển và sắp xếp công việc cũng buộc nhiều người phải lựa chọn cách tảo mộ “online”.

Một số nghĩa trang cung cấp dịch vụ tảo mộ trực tuyến, nơi người dùng có thể nhấp chuột chọn đồ cúng như trái cây, hoa, nhang đèn... Sau đó, nhân viên nghĩa trang sẽ thực hiện những nghi thức tảo mộ thật theo yêu cầu với chi phí đi kèm. Vào lễ Thanh minh năm 2022, Bộ Nội vụ Trung Quốc (MCA) ước tính có đến 6,95 triệu lượt tảo mộ trực tuyến. 

Ở khía cạnh khác, lễ Thanh minh dần được xem như một kỳ nghỉ du lịch. 9 trường cao đẳng ở Trung Quốc do - Tập đoàn Giáo dục Fan Mei điều hành - công bố vào tháng Ba rằng sinh viên và giáo viên được tự do “tìm kiếm tình yêu” từ ngày 1 - 7/4, như một phần mở rộng của ngày nghỉ lễ Thanh minh, giữa lúc quốc gia đang tìm mọi cách nâng cao tỉ lệ kết hôn và sinh con.

Liang Guohui - Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề hàng không Mianyang - cho biết: “Nhà trường triển khai kỳ nghỉ xuân vào dịp lễ Thanh minh với hy vọng sinh viên có thể học cách yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và tận hưởng tình yêu đôi lứa. Điều này không chỉ mở rộng tầm nhìn của sinh viên và vun đắp tình cảm cá nhân của họ mà còn làm phong phú và sâu sắc hơn nội dung giảng dạy trong lớp học”. 

Linh La (theo NY Times, SCMP, The Star, Yahoo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI