PNO - Trên đường cô gái Ê Đê đi rước rể về nhà càng gặp nhiều thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân sẽ ngày càng hạnh phúc, làm ăn giàu sang.
Theo phong tục của người Ê Đê, phụ nữ không chỉ đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình, mà còn chịu trách nhiệm về hôn nhân. Sau khi tìm được người con trai “ưng cái bụng”, cô gái Ê Đê bàn bạc với gia đình chuẩn bị các lễ vật để đi hỏi cưới chồng. |
Lễ cưới chồng của người con gái Ê Đê phải trải qua 4 bước gồm: lễ hỏi chồng, lễ thỏa thuận, lễ rước rể và lễ lại mặt. |
Lễ rước rể diễn ra khi đã hết thời gian thỏa thuận ở dâu bên nhà trai từ 1-3 năm, nhà gái đã giao đủ khoản thách cưới như được ấn định lúc hôn ước và hai bên gia đình chấp nhận cho đôi vợ chồng về nhà cha mẹ vợ. Đôi vợ chồng sẽ về bên nhà gái để thực hiện nghi thức rước rể. |
Đoàn rước rể từ nhà trai trên đường di chuyển về nhà gái. Trên đường, đoàn rước rể thường bị các tốp thanh niên (bạn bè, anh chị em nhà gái) trêu chọc, chặn lại. Muốn vượt qua những chướng ngại cản trở đó, chú rể phải trao cho họ 1 chiếc vòng đồng. |
Người Ê Đê quan niệm, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn, từ đó cuộc sống ngày càng bền vững, hạnh phúc, sinh đẻ được nhiều con cái. Chiếc vòng đồng được coi như là lời cam kết thủy chung. |
Trước khi về đến nhà gái, đoàn rước rể gặp một tốp nam nữ gồm anh, chị, em họ cô dâu đứng trước nhà dài tiếp tục trêu chọc và đòi quà của chú rể. Chú rể trao cho anh, chị, em của cô dâu 1 chiếc vòng đồng mới được bước lên cầu thang nhà dài. |
Vượt qua nhiều cản trở, thử thách, đoàn rước rể đã về đến nhà gái. |
Khi đoàn rước rể về đến nhà gái, già làng thay mặt hai họ giới thiệu ông cậu (dăm dei), bố, mẹ, các chị em nhà trai, nhà gái và họ hàng hai bên. |
Ông cậu thay mặt nhà gái nói chuyện với gia đình nhà trai, nhắc lại các khoản thách cưới, món nào đã đưa đủ, món nào còn thiếu thì nhà gái sẽ trả đầy đủ. |
Đôi trẻ sẽ trao vòng đồng cho nhau và từ đây chính thức gọi nhau là vợ là chồng, luôn yêu thương nhau không được đổi thay, cùng nhau siêng năng làm rẫy, nuôi dưỡng con cái. Chiếc vòng đồng được đeo vào tay đôi vợ chồng trẻ với ý nhắc nhở sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái trong cuộc hôn nhân này sẽ phải bồi thường lại đầy đủ sính lễ của lễ cưới. |
Kết thúc nghi lễ trao vòng, đôi vợ chồng trẻ cầm mỗi người 1 cần rượu, uống đổi cần cho nhau với ý nghĩa cuộc đời vợ chồng kéo dài mãi. Họ cùng nhau ăn chung 1 miếng cơm, 1 miếng gan heo để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nguyện từ nay về sau dù no hay đói đều luôn có nhau. |
Để chúc mừng hạnh phúc của đôi trẻ, gia đình họ hàng, bạn bè trao các món quà cưới cho cô dâu và chú rể. |
Đôi vợ chồng trẻ cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên bên nhà gái. |
Ông bà, cha mẹ, họ hàng hai bên đang cùng nhau uống rượu, ăn cơm để chúc mừng hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Lúc này, già làng thay mặt cho hai họ, đôi vợ chồng trẻ bày tỏ lòng cảm ơn và báo cho mọi người biết việc cưới xin đã xong xuôi tốt đẹp. |
Văn Nguyên
Chia sẻ bài viết: |