Kiệt sức chốn văn phòng

Lê Phan - Host của chương trình Việt Guru: Dù không thể cân bằng nhưng có thể trọn vẹn

29/09/2024 - 18:49

PNO - Năm 1974, nhà tâm lý học người Mỹ - Herbert Freudenberger có nhắc đến cụm từ “burn out” trong một luận án của mình. Mãi đến năm 2019, “burn out” mới chính thức được Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa trong ICD (Phân loại quốc tế về bệnh tật) - là “một hội chứng phát sinh do căng thẳng tại nơi làm việc trong thời gian dài mà không được điều chỉnh”. Đến thời điểm này, kiệt sức nơi công sở không còn là vấn đề mới lạ mà đã trở thành một vấn đề không của riêng ai. Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện cùng anh Lê Phan - host của chương trình Việt Guru - xung quanh vấn đề này.

Tôi không lạc quan cũng không bi quan

Phóng viên: Chào anh, là giám đốc một công ty tư vấn dịch vụ khách hàng với tất tần tật các khâu, từ tư vấn tiếp thị, lên kế hoạch dựa trên yêu cầu khách hàng, sáng tạo truyền thông, bán concept tạo nên câu chuyện truyền thông cho đến sản xuất, có thể nói anh đang là một trong những… siêu burn out?

Anh Lê Phan: Công việc này đúng là siêu burn out. Với mỗi kế hoạch như bạn thấy, thông thường chúng tôi có 2 tuần để làm xong và nếu trúng thầu, sẽ có chừng 1 tháng để sản xuất, nghĩa là biến cả xấp giấy thành sự thật. Và không chỉ 1, cao điểm tôi phải chạy 8-10 chương trình cùng lúc.

* Chỉ 1 cái nghe đã muốn ngộp thở, huống chi chạy chục cái cùng lúc?

- Về chuyên môn thì không khó, vẫn có những điều thú vị riêng. Tuy nhiên, về hiệu quả kinh doanh thì… có khi đấu thầu 10 cái chỉ thắng 2 nhưng thực tế bạn vẫn làm 10. Đó là trước dịch. Sau dịch, chưa kịp vuốt mặt thì gặp suy thoái, ví dụ như tôi mất 80% khách hàng sau dịch. Nghĩa là khách hàng còn đó, chỉ có tiền là không còn. Chúng tôi phải làm nhiều hơn, đấu thầu nhiều hơn với tỉ lệ thắng ít hơn rất nhiều, vì thế ngày càng stress.

* Dẫu vậy tôi vẫn thấy anh có thì giờ đi dạy, làm kênh Tiktok, làm kênh Việt Guru, thậm chí còn gặp anh trong các lớp học, huấn luyện cho nhiều đối tượng. Anh và các nhân viên của anh vẫn tiếp tục trụ lại với công việc. Nghĩa là hẳn anh vẫn có thể tìm thấy sự cân bằng hoặc một ý nghĩa nào đó trong công việc của mình?

- Nói thật, cân bằng gần như là điều bất khả với lượng công việc như vậy. Thực ra thì chế độ lương thưởng khá tốt. Ví dụ có những dự án thưởng bằng 4-5 tháng lương… Những người trụ lại được thường là những người năng động, giỏi và chịu “cày”, có thể học được gì đó, tích lũy gì đó và đến một độ tuổi nhất định, họ có thể… chuyển qua nghề khác.

Thông thường, xong dự án, có người sẽ nghỉ phép chừng 7 ngày đi chơi rồi về làm tiếp. Nếu 1 dự án thắng thầu, thường chỉ chừng 1-2 nhân viên chủ lực chạy. 1 người lo khách hàng, 1 người lo dự án. Tuy nhiên, trong bức tranh đó, mọi thứ đều tạm bợ. Có người làm như trâu, làm xong đi ăn nhậu, ngủ, mát xa, mua sắm… - nói chung là xả hơi ngắn hạn. Mọi biện pháp xoa dịu chỉ là cách… chữa cho bớt đau nhức. Hiện tại, có những người còn không có ngày nghỉ. Nhiều người đang phải làm gấp đôi, kết quả nhận được chỉ bằng một nửa. Nhưng nếu không làm, có cả… một trường đại học sẵn sàng thay thế. Vậy thì chúng tôi còn sự lựa chọn nào khác ngoài… tiếp tục làm việc cho đến khi chịu hết nổi.

Host Lê Phan, An Đặng và khách mời Vinh Phạm (bìa trái) - một nhà hoạch định chiến lược
Host Lê Phan, An Đặng và khách mời Vinh Phạm (bìa trái) - một nhà hoạch định chiến lược

* Cách anh nhìn vấn đề có vẻ không mấy lạc quan?

- Tôi không lạc quan cũng không bi quan, tôi chỉ nhìn và mô tả tình trạng công việc và con người theo kiểu đúng người đúng việc, đúng như nó đang là.

* Tôi có cảm giác cân bằng chỉ là câu chuyện… trong mơ?

- Nếu bạn vẫn quyết liệt tìm sự cân bằng, để tôi thử nhé. Nói đến cân bằng, bạn nghĩ đến hình ảnh gì? Một người đi trên dây phải không? Nếu anh ta khỏe, trẻ, có thể lực, luyện tập mỗi ngày, có sự tập trung…, anh ta có thể đi được trên dây thêm một thời gian nữa. Nhưng bản chất của việc đi trên dây là gì, thể nào cũng có ngày anh ta lộn nhào. Đi trên mặt đất, người ta còn vấp ngã nói gì đi trên dây mỗi ngày. Vì vậy, theo tôi, cân bằng, nếu có, chỉ là khái niệm dành cho những người có đầy đủ điều kiện tốt lành, có thể đi làm trong tình trạng khỏe mạnh (cả về thể chất lẫn tâm thần). Nhưng đó là bối cảnh ngày xưa. Bây giờ, ngay cả ở những nước phát triển, nạn thất nghiệp cũng cao, sinh viên ra trường không có việc làm, người đang làm chỉ cần mất việc có thể sẽ trở thành vô gia cư ngay lập tức.

* Thành thực mà nói đây có vẻ là một bức tranh tối và dường như dành cho những người không còn sự lựa chọn nào khác?

- Bạn thử quan sát xung quanh sẽ thấy có rất nhiều người không có gì nhiều để chọn. Sáng mở mắt ra là thấy cả chục khoản tiền phải chi (trong tình hình lạm phát, giá cả vẫn tăng mỗi ngày). Họ đi làm vì không có sự lựa chọn. Cũng có người chọn không đi làm, làm tự do, khởi nghiệp… Có người không những chọn làm công nhân mà còn là công nhân 2 công việc… Họ không đặt ra mục tiêu cân bằng. Họ chọn lao về phía trước. Cùng bối cảnh đó, giới trẻ Trung Quốc lại ứng phó bằng trào lưu nằm thẳng. Họ không thể tính nổi bài toán nhà cửa, chi phí gia đình… Họ không phấn đấu nữa. Họ làm đủ ăn trong 3 ngày chẳng hạn, để rồi khi nào xài hết, họ đi làm lại…

Tôi nghĩ số người đặt chuyện cân bằng lên hàng đầu chắc chỉ là con số nhỏ. Họ là những người tìm thấy ý nghĩa trong công việc mình làm. Có khi ý nghĩa ấy mâu thuẫn với thu nhập, kinh tế…

Một số nhỏ khác tương đối ổn định (có nhà cửa, xe cộ, gia đình…) lại mang cảm giác đã đến lúc đi chậm lại. không cần bền bỉ chạy deadline, đua KPI nữa.

Huấn luyện viên chạy bộ Đoàn Duy Khanh
Huấn luyện viên chạy bộ Đoàn Duy Khanh

Chị Hương Đỗ, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Chinan (Đài Loan, Trung Quốc)

Chị Hương Đỗ, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Chinan (Đài Loan, Trung Quốc)

Để cân bằng, phải dám bỏ hết các mục tiêu, con số

* Giới văn phòng hiện có những người hướng đến việc tự do tài chính. Họ lên kế hoạch làm việc để đến một độ tuổi nhất định có thể về hưu sớm…

- Ai chẳng muốn tự do tài chính, không bị tiền trói buộc, có nguồn thu nhập thụ động… Những ca đó, theo tôi, là những người chịu nhiều sức ép, mệt mỏi, chịu nhiều thương tổn nhất. Đơn giản, tự do có giá của tự do. Để có được cái giá đó, họ phải cày đêm cày ngày.

* Chúng ta đành chịu vậy sao? Cá nhân anh thì sao, anh vượt qua mọi việc như thế nào?

- Tôi may mắn không bị burn out, mệt mỏi thì có, nghỉ chút thì có thể hết mệt. Thời điểm tôi cày bừa, tình hình kinh tế tài chính khá đẹp. Lúc cần mua nhà thì cũng mua được nhà. Cần lấy vợ thì cũng lấy được vợ. Đi chơi cũng có tiền đi chơi… Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Như đã nói, để cân bằng, phải dám bỏ hết các thể loại mục tiêu, con số kiểu… 1 vợ 2 con 3 tấm và 4 bánh, dám đặt sự cân bằng lên hàng đầu. Mà mấy ai làm được. Đơn giản là mấy ai chịu nổi trước áp lực xung quanh: bạn bè đồng trang lứa khoe từ nhà đến lương, cha mẹ kỳ vọng, ngay cả áp lực mình tự đặt cho bản thân.

Tin vui là bạn có thể theo đuổi mọi thứ bạn muốn miễn là không để bị kẹt trong mớ bòng bong. Đó gọi là tỉnh thức.

* Khi nói về chuyện chúng ta đang bị tròng lên người quá nhiều áp lực, có một câu của anh làm tôi giật mình: “Có cha mẹ nào muốn con thong dong?”.

- Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đã có 15 triệu bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số có thể lên 20% dân số ở độ tuổi lao động. Nghĩa là 20% khác đang sắp bước vào giai đoạn trở thành… bệnh nhân (theo WHO, thời gian ủ bệnh là 10 năm). Họ không hiểu biết về sức khỏe tinh thần nói gì đến việc khai phá hết tài năng, sống đời rực rỡ… Nếu có ai đó định tỏ bày thì gặp toàn những định kiến. Đến khi phát bệnh thì thiếu cơ sở y tế… Sao mà không trầm cảm cho được! Cha mẹ họ cũng vác áp lực khủng khiếp đó đè lên con mình.

Để có hạnh phúc, hãy chọn lối sống trọn vẹn

* Có phải đây là một trong những lý do anh làm kênh Việt Guru?

- Tôi nghĩ mình nên làm gì đó, trong khả năng nho nhỏ của mình, làm việc với những người có năng lực, chuyên môn, có năng lượng đưa một vài hướng dẫn có thể giúp ai đó tiếp cận được chính mình và với thế giới theo một cách khỏe mạnh hơn.

* Trong bức tranh tối màu như vừa trò chuyện, anh có thể chia sẻ thêm một quan điểm nào đó để chúng tôi tìm thấy một vài điểm sáng?

- Bây giờ, người ta quan niệm phải đi làm, tạm gọi là (doing), có tiền (having) mới thấy hạnh phúc trọn vẹn (being). Nôm na là phải làm, có (cái gì đó) thì mới thấy hạnh phúc. Chỉ cần đảo chữ một chút: Đưa being từ cuối lên đầu. Nếu như bạn trọn vẹn hạnh phúc (being) bạn sẽ làm (doing) theo một cách khác và bạn sẽ có gì đó (having).

Nôm na, being giống như cách bạn chăm một cái cây. Nếu bạn tưới vào trưa nắng gắt, cây sẽ chết. Như vậy being nghĩa là đầu tiên bạn phải quan sát cái cây, phải tưới nước đúng lúc. Ví dụ nắng quá thì có thể mang cây vô mát một chút… Thử chăm sóc mình như chăm cái cây, cho mình điều kiện hạnh phúc hay trở nên trọn vẹn. Thế hệ của chúng ta không biết điều đó. Thế hệ sau e cũng là như vậy. Tôi có cảm giác mọi thế hệ của Việt Nam đều lấy hy sinh làm “nghề”.

Bạn có nhớ câu chuyện người cha nằm dưới cây, đứa con hái trái cây, rồi xin tán cây, rồi xin chỗ ngồi…, thế là cha mẹ chặt luôn cái cây để cho con làm cái ghế dài? Tất cả những gì người ta làm là hy sinh. Người ta không cắm rễ cây của họ xuống sinh lực của sự trọn vẹn, không biết chăm mình cả về thể chất lẫn tinh thần, làm cho mình hạnh phúc trước. Trong khi đó, chỉ cần biết trọn vẹn, hạnh phúc, thì tất cả những gì họ làm đều sẽ chất lượng và tự nhiên sẽ có. Thậm chí nếu không thành công thì ngay khi đã trọn vẹn rồi, ta cũng không hối tiếc.

Host Lê Phan và phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Đức (bên phải) - chuyên gia tâm lý trị liệu hàng đầu Việt Nam
Host Lê Phan và phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Đức (bên phải) - chuyên gia tâm lý trị liệu hàng đầu Việt Nam

* Tôi khá sốc với cách anh gọi cha mẹ Việt lấy hy sinh làm “nghề”. Trong suốt thời gian làm Việt Guru, hẳn anh vẫn còn nhiều điều muốn chia sẻ?

- Nhà Phật có một khái niệm “duyên hợp”. Ly cà phê trên bàn của bạn chẳng hạn, nó có giá 50.000 đồng nhưng 50.000 đồng không thể trả hết giá trị ly cà phê mang lại. Hay cụ thể hơn là so với tất cả những gì, những con người có liên quan đến ly cà phê này, từ cảm giác ấm cúng mà người phục vụ mang lại cho đến cảm giác ngon của bạn… Ngay cả khi dùng máy cũng không thể tính hết lượng duyên khổng lồ đã góp phần tạo ra ly cà phê trước mặt. Điều đó cũng có nghĩa là bạn nợ thế giới này.

Thế giới này đang dạy chúng ta rằng mọi điều ta có đều nhờ vào sự giỏi giang, tài năng của chính mình. Nếu có thể hiểu được rằng mọi thứ nhỏ nhoi như ly cà phê này đều đến từ vô số nhân duyên hợp lại, người này phụ thuộc người kia…, ta sẽ trở nên khiêm tốn, sẽ chậm lại, sẽ hạ cái tôi xuống, sẽ biết ơn, sẽ học cách hài hòa với thế giới. Khi có những việc xảy ra không như mong muốn, thay vì vật vã, cưỡng cầu, ta có thể thử minh triết của phương Đông, xem như hết duyên rồi chẳng hạn.

Huấn luyện viên yoga Diệu Trần
Huấn luyện viên yoga Diệu Trần

Để có thể trọn vẹn, ta cần luôn nhắc nhở mình đây là thế giới tương thuộc. Bạn cũng cần học cách cảm xúc vận hành như thế nào. Sự đau khổ bạn đang đắm chìm thực ra là cảm giác đau khổ. Hạnh phúc cũng vậy. Là hạnh phúc cảm nhận, đau khổ cảm nhận. Ngay khi không biết gì về duyên nhưng nếu biết cách cảm xúc vận hành, ta sẽ biết cách để không trở thành con mồi của cảm xúc, từ từ ta sẽ học cách bớt khổ đau. Như vậy, dù không thể cân bằng nhưng ta có thể trọn vẹn.

Và dù không hy vọng mấy, tôi vẫn mong muốn giới thiệu với các bạn cách kiểm soát cảm xúc. Cách nhận biết cảm xúc tốt nhất là thiền. Nhận biết được cảm xúc sẽ biết cách vận hành và không để cho cảm xúc “ăn tươi nuốt sống” mình như bấy lâu. Để có thể hạnh phúc, hãy chọn lối sống trọn vẹn. Luôn chăm sóc tinh thần để có thể hiện diện trọn vẹn từng giây ở đây và bây giờ, không để âu lo kéo tới tương lai hay khổ đau giật lùi về quá khứ…

Muốn làm được tất cả điều trên, ta thực sự cần phải rèn luyện, chịu học chăm sóc bản thân, thay đổi lối sống.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Việt Guru là dự án hướng đến mục tiêu trở thành một cộng đồng chuyên về chăm sóc sức khỏe tinh thần, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho những người đang phải đối mặt với áp lực trong cuộc sống và có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhất là đối tượng trong độ tuổi lao động. Nhóm này được xác định là đối tượng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, từ công việc, tài chính… đến các mối quan hệ. Với mục đích nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần, Việt Guru hướng dẫn, cung cấp kiến thức và kỹ năng từ những “guru” - những chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau - để giúp mọi người có thể tự quản lý stress, lo âu và các vấn đề tâm lý khác bao gồm: áp lực công việc và hội chứng kiệt sức; các vấn đề trong mối quan hệ (bị phản bội, bạo lực gia đình, vấn đề với bạn bè); lo lắng về tài chính (mất khả năng thanh toán, áp lực kiếm tiền, không thể hỗ trợ gia đình); mất phương hướng trong cuộc sống và sự nghiệp; cô đơn, mệt mỏi vì trưởng thành, áp lực từ việc sử dụng mạng xã hội quá mức…

Hiện tại, Việt Guru đã xuất bản được 40 audio podcast trên Spotify với nhiều đề tài thiết thực, hỗ trợ hiệu quả cho người nghe như: Cách tha thứ cho bản thân và người khác, chấp nhận hiện tại để buông bỏ quá khứ; Kỹ thuật thở sâu, ngủ đủ giấc, tập thể dục, thiền định để giảm căng thẳng và lo âu; Cách chăm sóc bản thân, dành thời gian cho những điều mình thích, tham gia các hoạt động xã hội để giảm bớt cảm giác cô đơn; Cách tìm kiếm người cố vấn, cách tìm được động lực và định hướng trong công việc; Cách làm tốt công việc mình không thích, thích nghi và tìm thấy động lực…

Bạn có thể tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ, được truyền cảm hứng từ các guru Việt “quyền năng” như: tiến sĩ tâm lý sư phạm Trần Thị Quốc Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo TPHCM; phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Đức - chuyên gia tâm lý trị liệu hàng đầu Việt Nam; Hương Đỗ - nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Chinan, Đài Loan (Trung Quốc); Dương Nguyễn - Career Coach 10 năm kinh nghiệm tại Mỹ; Bùi Kiến Khoa - thạc sĩ tâm lý lâm sàng; Diệu Trần - huấn luyện viên yoga; Luân Nguyễn - y sĩ y học cổ truyền… Đặc biệt, bạn có thể tiếp cận lượng kiến thức chất lượng cao từ Việt Guru miễn phí.

Trần Lê Sơn Ý (thực hiện)

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI