Lê Như Đoan Uyên: Hãy làm điều mình yêu thích khi còn có thể

07/07/2016 - 09:32

PNO - Cuộc đời tôi thay đổi rất nhiều, gần như tôi được trở thành một con người khác. Từ một doanh nhân trở thành nghệ sĩ. Tôi viết văn, làm thơ, vẽ tranh...

Le Nhu Doan Uyen: Hay lam dieu minh yeu thich khi con co the
Lê Như Đoan Uyên

Năm 2000, Lê Như Đoan Uyên, Giám đốc Công ty quảng cáo Hy Chi, sau 5 năm khởi nghiệp, được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phong tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến của TP.HCM và của cả miền Đông Nam bộ. Năm 2015, giám đốc Đoan Uyên bỗng “biến thành” họa sĩ Kỳ Nam Nam Kỳ. Ngôi nhà của Uyên tại Đà Lạt đầy tranh, bà chủ nhà xinh đẹp còn đang “rèn chữ” để viết văn, làm thơ.

* Đang yên vị ở Sài gòn, có nhà cửa và công ty tại quận 7, sao chị lại lên phố núi, chạy trốn điều gì vậy?

- Trốn ư? Chắc phải nói là bỏ lại sau lưng. Tôi rất yêu Sài Gòn, nhưng Đà Lạt lại lưu trong ký ức từ thuở lên 9 - 10, rất gần với những gì Sài Gòn đã là quá khứ, lại còn có thêm thông reo, hồ vắng, núi cao. Những ngôi biệt thự Pháp gợi nhớ kiến trúc Sài Gòn xưa. Vậy, nên nói là bỏ lại sau lưng một Sài Gòn của hôm nay và tìm về không gian quá khứ. Và trong không gian quá khứ đó lại tìm thấy một cái tôi được cất giấu rất lâu.

* Có phải như thiên hạ nói “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”?

- Tôi chẳng dám nhận khôn cũng không lo mình dại, chỉ chọn cái mình thích. Năm 2015, ngày tết Tây, tôi suy nghĩ xem còn ao ước gì trong đời mà chưa thực hiện: sống ở Đà Lạt. Thế là làm ngay. Giống như năm 2002, tôi thực hiện ước mơ “căn nhà bên bờ biển”, kết quả là tạo ra resort Bờ Biển Ngà ở Mũi Né, trở thành một trong những người tiên phong xây dựng nên thành phố của những resort.

Le Nhu Doan Uyen: Hay lam dieu minh yeu thich khi con co the
Bức tranh Mùa của Lê Như Đoan Uyên

* Nhưng Sài Gòn là nơi chị khởi nghiệp và phát triển thành công doanh nghiệp, cũng là nơi chị yêu đương, lấy chồng sinh con... Giờ lên Đà Lạt, chị sắp xếp cuộc sống ra sao?

- Có lẽ vì đã là một nhà quản lý khá lâu năm nên mọi sự tôi đều có thể sắp xếp một cách hiệu quả. Đem chuông đi đánh xứ người mới vất vả chứ ở Việt Nam thì mọi nơi đều là quê hương.

* Đời có thay đổi khi chị thay đổi... không gian sống không?

- Cuộc đời tôi thay đổi rất nhiều, gần như tôi được trở thành một con người khác. Từ một doanh nhân trở thành nghệ sĩ. Tôi viết văn, làm thơ, vẽ tranh, tức là có thể làm tất cả những gì mà ngày trước không có thời gian và không gian để thả cho tâm hồn được thênh thang bay bổng. Thử nghĩ, sếp đang lên kế hoạch kinh doanh mà đầu nghĩ đến tứ thơ thì có mà... chết dở.

* Nhưng vẽ tranh, làm thơ, viết văn... tốn kém lắm, chị cũng phải làm việc để kiếm tiền nuôi con chứ?

- Kinh doanh là một quá trình “tích lũy tư bản” cả tiền bạc lẫn kiến thức. Bây giờ chỉ việc đem ra dùng dần thôi. Chả nhẽ cứ tích lũy mãi? Tri túc hà thời túc - biết đủ ắt đủ.

* Có nghĩa là chị đã dừng kinh doanh để sử dụng “tư bản tích lũy”, hay là vẫn điều khiển công việc từ xa?

- Tôi đã “về hưu” theo quyết định riêng mình, để được rong chơi, viết linh tinh, bôi màu khi thích thú. Hay nói một cách khác, tôi được sống một cuộc đời khác. Cảm giác rất thú vị khi tách bạch ra được con người của một nhà kinh doanh và một người nghệ sĩ. Hai kiểu đó trộn lẫn nhau liệ u có dở hơi? Giám đốc làm thơ và nhà thơ kinh doanh đều lạc điệu, nhỉ?

* Đúng vậy! Nhưng tách ra có phải trải qua một cơn “phẫu thuật” đớn đau không?

- Không “phẫu thuật đớn đau” gì, chỉ có một bước đệm nhỏ là tạm dừng việc để đi chơi cho thỏa ý. Nhưng mới biết mình không phải kiểu người thích ăn chơi mà phải làm một cái gì đó mới thấy cuộc đời sống động. Chẳng nhẽ lại quay lại làm doanh nhân cả đời? Mục tiêu của doanh nhân là tạo ra lợi nhuận, thặng dư, nhưng đã không còn cần thiết phải làm ra những thứ đó nữa, thế nên tôi cho phép mình làm điều mình thích mà chưa từng làm.

* Chị là một doanh nhân thành công từ lúc còn trẻ. Với nghệ thuật, chị thấy mình có thật sự là nghệ sĩ chưa?

Tính cách nghệ sĩ thì có, còn có thành nghệ sĩ hay không thì chờ thời gian trả lời.

* Nhìn lại quãng đời doanh nhân, điều gì có ý nghĩa nhất đối với chị?

- Nói một cách chân thành thì quãng đời làm doanh nhân là một chọn lựa rất nặng nề vì kèm theo là trách nhiệm rất lớn: phải tạo ra lợi nhuận để không chỉ nuôi mình mà còn phải lo cho cuộc sống của một tập thể cùng làm việc. Gọi điều đó là ý nghĩa hay là nghĩa vụ đều đúng cả. Chưa phải chậm lương, nợ lương ngày nào, bảo bọc được một cuộc sống tương đối cho nhân viên, đó chính là ý nghĩa lớn nhất của đời doanh nhân.

Tôi bắt đầu “phải” làm sếp từ năm 21 tuổi, lập công ty riêng năm 23 tuổi trong bối cảnh công ty tư nhân cò n là một hiện tượng lạ của thời “mở he hé cửa” nên phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Công ty quảng cáo Hy Chi được liệt vào “ngành nghề kinh doanh đặc biệt” nên đầy những thử thách cho một cô gái 23 tuổi. Có thể nói đó như một cuộc trường chinh để tạo ra thành công là lợi nhuận và uy tín thương trường.

Suốt từ năm 1995 đến 2010 là tròn 15 năm tôi sống đời doanh nhân với tất cả cung bậc hỉ nộ ái ố và gánh trách nhiệm lớn của một lãnh đạo và của người phụ nữ phải chu toàn cho gia đình. Tuy nhiên phải nói đó là một công việc vất vả nhưng ngập tràn hạnh phúc khi vượt qua được những thử thách của người đứng mũi chịu sào, luôn tìm cách giải quyết những vấn đề được đặt lên bàn giám đốc mỗi ngày.

Bây giờ tôi có thể thở phào đặt xuống cái gánh “doanh nhân mưu sinh”, dĩ nhiên không phải dễ dàng chấp nhận thủ tục “đóng cửa, sang nhượng”, nhưng tôi nghĩ mình đủ dũng khí để đối diện với những quyết định của mình và tôi đã hài lòng với những gì mình chọn. Dũng khí “cầm lên” để khởi nghiệp và can đảm “đặt xuống” để kết thúc đời doanh nhân chính là điều tôi mỉm cười khi nhìn lại 15 năm doanh nhân của mình. Không có gì là mãi mãi, chỉ là bạn đã trải qua như thế nào. Tôi đã may mắn có được một công việc rất thú vị để trải qua thời thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình.

* Quyết định thay đổi của chị có ảnh hưởng chuyện học hành, sinh hoạt của con cái?

- Mọi quyết định của lãnh đạo đều ảnh hưởng đến người chung quanh, chỉ nên xem ảnh hưởng đó tốt hay xấu. Nếu xấu phải tìm cách làm cho nó không xấu. Và quan trọng hơn: khái niệm tốt xấu cũng tùy thuộc rất nhiều vào góc nhìn cá nhân rồi quy chiếu vào bối cảnh xã hội. Tôi đơn cử một vấn đề nhé: Tụi nhỏ đi học. Từ những năm 1950, những gia đình có điều kiện mới gửi con đi học ở Đà Lạt. Xét về môi trường, trẻ ở đây không bị lôi cuốn vào những trào lưu vô bổ, chỉ tập trung vào học.

Le Nhu Doan Uyen: Hay lam dieu minh yeu thich khi con co the

Điều kiện học tập không thua kém gì giữa Đà Lạt và Sài Gòn. Các con tôi được sống ở một nơi yên tĩnh, khí hậu tuyệt vời. Đi học chỉ mất năm phút xe đạp. Phồn hoa đâu phải là tốt nhất, quan trọng là sống có hạnh phúc không. Tôi đã chọn cho các con một nơi rất tuyệt để chúng trải qua thời thơ mộng tuổi học trò. Hơn nữa cũng là một bài học về cách sống để dạy con: con hãy nghĩ khác đi. Hãy học cách tư duy khác biệt với số đông. Hãy làm điều mình yêu thích khi còn có thể.

* Trong một không gian sống phù hợp với những gì muốn làm, chị đã tìm thấy một nửa khác của mình chưa sau 10 năm ly hôn?

- Nào giờ tôi không tìm, chỉ chọn. Hơi tự tin để nói chính mình đã nguyên vẹn, không phải chỉ một nửa. Tình yêu là một cảm xúc rất tuyệt cho nên tôi vẫn yêu suốt đấy thôi. Nhưng yêu không nhất thiết phải trở thành bà vợ. Tôi chọn cuộc sống làm người yêu.

* Chính vì vậy mà “nữ nghệ sĩ” Kỳ Nam Nam kỳ càng thêm hấp dẫn?

- Tôi sống bằng trái tim cô gái 25, nhan sắc thiếu phụ 35, tài lực của tuổi 45 và trí lực của tuổi 65. Tôi học ngoại thương, rồi tự học viết thư pháp; khiếu vẽ, viết văn toàn nhờ… trời cho!

* Gần 45 tuổi, chị mới khám phá nghệ thuật, điều này thuận lợi hay khó khăn?

- Thuận lợi vì tôi đã đủ độ chín của trải nghiệm, đủ kiến văn, đủ tâm hồn và hơn hết là biết mình muốn gì. Tôi vẫn đang “rong chơi” trong thế giới riêng của mình, chưa có ý định chia sẻ tác phẩm với nhân gian. Với triết lý vụn: cần yêu quý ngày đang sống hơn là đi tìm thiên đường ở chốn xa xôi, tôi cứ thế mà sống!

Trường Sơn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI