Lẽ nào cả cuộc đời dài chịu đựng chỉ vì con?

18/05/2017 - 06:30

PNO - Tôi lớn lên trong một cuộc hôn nhân tan vỡ. Tuổi thơ tôi là những tuần chia thành hai nửa, từ thứ Hai đến thứ Sáu tôi chỉ có mẹ, Chủ nhật tôi lại chỉ có cha.

Tôi lớn lên trong một cuộc hôn nhân tan vỡ. Tuổi thơ tôi là những tuần chia thành hai nửa, từ thứ Hai đến thứ Sáu tôi chỉ có mẹ, Chủ nhật tôi lại chỉ có cha.

Le nao ca cuoc doi dai chiu dung chi vi con?
Ảnh minh họa

Những sáng Chủ nhật mẹ thường gọi tôi dậy sớm. Ăn sáng xong, mẹ cho tôi mặc đầm, chải tóc hai sừng và mang giày búp bê. Tôi có riêng cái ba lô màu hồng hình con thỏ cho ngày Chủ nhật, đựng cái mũ vải, khăn mặt, chai nước lọc, xấp giấy mềm và cả cái áo mưa với đôi dép hình con mèo.

Khi cha đến, mẹ dặn dò: “Trời nắng nhớ đội mũ cho con. Đừng cho con uống nước ngọt. Đừng xài khăn sẵn ở quán, không sạch đâu. Mang giày cả ngày bí lắm, nhắm chừng mà thay dép cho con”. Vậy đó, mẹ luôn chuẩn bị cho tôi mọi thứ thật tươm tất, trong khi cha chỉ có việc dắt tôi đi. Một tay cha nắm tay tôi, tay kia cha xách cái ba lô con thỏ.

Cha thường tới sớm. Bà nội giải thích, vì cha muốn có thêm thời gian của ngày. Mẹ lắc đầu, trách đúng là đàn ông chẳng biết nghĩ sâu xa, mỗi tuần chỉ có được ngày chủ nhật mà lại bắt con bé phải dậy sớm. Nhưng rồi cũng ổn thôi, vì cứ tối thứ Bảy là mẹ bắt tôi phải đi ngủ sớm.

Dì tôi nói, mẹ là người vợ cũ tốt tính, cha cũng là ông chồng cũ biết điều. Buổi chiều khi tôi trở về với mẹ, hai sừng tóc bị sụp xuống là dấu tích của việc có đội mũ. Đợi cha đi khuất, mẹ mở ba lô kiểm tra thấy chai nước lọc đã cạn, cái khăn đã nhàu nhò chứng tỏ từng được sử dụng, đôi dép lấm lem…

Tất cả cho thấy cha đã làm đúng những gì mẹ dặn. Lại thêm một phong bì đựng tờ tiền có dòng chữ: “Anh chẳng biết mua quà gì cho con, sợ không vừa ý em. Nhờ em mua giùm”. Mẹ lại nhún vai, lẩm bẩm: “Nếu trước kia mà xử sự được vậy thì…”.

Le nao ca cuoc doi dai chiu dung chi vi con?

Nhưng, đó chỉ là những hôm đi chơi công viên mới như vậy thôi, chứ Chủ nhật nào mà tôi về nhà nội thì rất khác. “Cháu ăn sáng với mẹ rồi hả?” - nội hỏi mà không cần nghe tôi trả lời - ”Ờ, ăn sáng rồi thì giờ mình ăn vặt cho vui miệng". Rồi bánh bông lan, đông sương, chè đậu đỏ... cô út ép tôi ăn hết món này đến món khác, mà món nào cũng ngọt lịm.

Bữa trưa cô út bày ra nấu hủ tíu Nam Vang, lẩu miền Tây, có bữa là mì Quảng hoặc món gì đó mà cái tên luôn có cái đuôi địa danh, đòi hỏi gia vị phải đúng kiểu đến nỗi cô cứ phải nhờ cha chạy xe mấy vòng mua thêm thứ gì đó mà sáng đi chợ cô quên.

Cả nhà như rộn ràng hẳn lên. Bà nội nói cô út lười bếp núc lắm, vì có tôi cô mới chịu nấu, tôi phải ăn hết một tô bự để không phụ công của cô. Cứ vậy, Chủ nhật nào đi chơi nhà nội về tôi cũng ưỡn bụng cho mẹ thấy tôi đã no căng.

Tôi còn lúc lắc đầu khoe hai sừng tóc đã được thắt lại thành mấy cái bím, cài thêm mấy cái nơ. Tôi còn giang hai tay cho mẹ nhìn hai túi quà tú ụ bánh kẹo và đồ chơi, có hôm lại giơ chân đang mang đôi giày mới...

Tôi thích cha dẫn về nhà nội chơi hơn là đi công viên, không phải vì được có nhiều quà, mà quan trọng là vì Chủ nhật nào tôi đi chơi nhà nội về thì bà hàng xóm cũng cười cười với mẹ: “Chia tay rồi mà cha con bà cháu vẫn thương nhau như vậy, còn chờ gì nữa mà không hàn gắn lại?”.

Những lúc ấy, tôi chỉ muốn cho bà hàng xóm tất cả bánh kẹo mình đang có để được nghe bà lặp lại thêm nhiều lần nữa câu ấy. Mong biết mấy. Nhưng rồi một hôm, trong bếp không chỉ có mỗi cô út như thường lệ mà còn có thêm một người phụ nữ khác.

Bà nội kéo tôi vào phòng, thì thầm: “Cháu ngoan với cô ấy cho cha vui nghe”. Vậy là, bánh bông lan, đông sương và chè đậu đỏ đã không còn ngọt ngào nữa, món bún bò Huế bữa trưa tôi được nấu riêng một tô không ớt mà nước mắt vẫn chực trào ra. 

Giờ đây, khi một hai mối tình đã trôi qua, tôi nghĩ mình sẽ sống độc thân suốt đời. Nỗi hụt hẫng thời thơ ấu như vẫn tiếp tục lớn lên trong tôi. Càng ngày tôi càng thấy sợ. Tôi không dám tin. Tôi lo mình lầm lẫn. Tôi ám ảnh cái viễn cảnh mình sẽ làm người ta thất vọng...

Le nao ca cuoc doi dai chiu dung chi vi con?

Nhưng, tôi chẳng thể nào trốn tránh được quy luật tự nhiên. Anh xuất hiện, kéo tôi ra khỏi vỏ ốc đang trú ẩn. Anh giúp tôi nở lại nụ cười nhìn tới tương lai có một người cùng mình xây đắp mái ấm. 

Có một dạo, anh đi làm rất thất thường, có khi suốt từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Lại có hôm ôm cái laptop nằm nhà cả ngày. Tôi hỏi, anh gắt: “Công việc đòi hỏi phải vậy, em không thông cảm được thì tùy”. Tiếng “tùy” như lưỡi dao cứa ngang trái tim, tôi chỉ biết im lặng.

Tìm hiểu qua đồng nghiệp của anh, biết tình hình công ty rất căng vì có mấy hợp đồng liên tục bị chậm trễ, tôi hiểu hơn nỗi lo và cơn cáu kỉnh của anh, nhưng vẫn không sao quên được tiếng “tùy” anh đã gằn giọng để chặn những câu hỏi của tôi. 

Cuộc sống gia đình không tránh khỏi những lúc bất hòa. Anh nhanh chóng nhận ra điểm yếu của tôi là sợ ly hôn! Anh biết, chỉ cần anh nói “tùy em” hoặc thẳng thừng “thôi mình chia tay đi” là tôi nín lặng ngay.

Nín lặng mà lòng tôi nổi sóng, chỉ muốn chụp lấy giấy bút viết ngay tờ đơn anh đang thách thức. Tôi ước gì mình chưa có con với anh! Một lần, hai lần, đến lần thứ ba anh lặp lại câu nói đó thì tôi hiểu không phải anh lỡ lời. 

Tôi biết anh yêu vợ con. Nhưng, nhìn người đàn ông của mình ngủ say sau lời giải thích thản nhiên ấy, tôi không khỏi dấy lên câu hỏi, anh thật lòng yêu sao lại không thấy khi anh nói vậy, nỗi tổn thương trong tôi là rất lớn? Tôi rùng mình với câu hỏi chồng mình vô tư hay vô cảm?

Ai đó nói, có bao nhiêu trái tim thì có bấy nhiêu cách yêu, vậy trái tim anh bằng gỗ đá sao? Nhiều đêm tôi nhìn chồng trong giấc ngủ, vò xé với những suy nghĩ tiêu cực đó. Ký ức lại trỗi dậy, tôi nhớ hình ảnh cha tôi xách cái ba lô con thỏ. Hồi đó, khi đưa tôi đi học mẹ luôn để tôi tự đeo ba lô, là cách mẹ dạy tôi tự lập.

Nhưng, Chủ nhật thì mẹ im lặng để cha xách ba lô cho tôi. Rồi hình ảnh người đàn ông cao lớn xách cái ba lô màu hồng nhỏ xíu, hai cái tai thỏ rung rinh nhòe đi, thay vào đó là chồng tôi...

Không. Con tôi sẽ không phải lặp lại cái hành trình tuổi thơ mỗi tuần chia đôi như tôi ngày trước. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra. Nhưng lẽ nào cả cuộc đời dài chịu đựng chỉ vì con?

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI