Lê Lựu sống một cuộc đời với 5 thân phận: một người nông dân, một nhà văn, một "con bệnh", một kẻ bất hạnh và một người nổi tiếng. Ở thân phận nào, ông cũng vẫn giữ được chất nông dân xuyên suốt. Do vậy, những trang viết của ông dù ở giai đoạn nào cũng mang nét chân chất của người nhà quê.
Mỗi trang viết của Lê Lựu đều vang lên giọng điệu của cuộc sống, giản dị mà sâu sắc. Như Lê Lựu từng viết: “Cuộc đời mà làm gì có đúng hay là sai. Như thế nào là đúng, như thế nào là sai? Chỉ biết là sống không tiếc nuối mà thôi” hay “Muốn nhẹ lòng, hãy từ bỏ những phán xét người khác và biết chấp nhận mọi điều xung quanh, ngay phút đó bình yên trong cuộc sống tràn trề…”.
Đời thực khổ hơn nhân vật
Lê Lựu sinh năm 1942 ở Tân Châu (Hưng Yên), vùng quê nghèo ven sông Hồng quanh năm lũ lụt, trong một gia đình 8 người con, 5 anh chị em mất sớm. 17 tuổi, Lê Lựu nhập ngũ và được trui rèn khả năng văn chương trong môi trường này. Ông đi khắp dọc miền đất nước, viết văn và gặt hái được nhiều thành công. Nhờ bản tính dung dị, ông được nhiều người yêu mến. Một thời, ông sáng lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân, cung cấp việc làm cho hơn 50 nhân viên, tạo địa chỉ hội ngộ cho nhiều tên tuổi lớn. Nhưng rồi bệnh tật ập đến.
Cuộc đời Lê Lựu như những trang viết của ông, bi thương và lầm lũi. Hai nỗi niềm lớn nhất của ông chính là bệnh tật và nỗi cô đơn giày vò, bám riết. Lập gia đình, rồi tan vỡ, làm lại và tiếp tục vỡ tan. Lê Lựu nhiều lần bộc bạch cay đắng: “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, thằng Sài trong Thời xa vắng khốn khổ thế mà cũng chưa bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát”.
Mặc dù là nhà văn có tiếng, không ít tác phẩm được chuyển thể thành phim nhưng Lê Lựu sống giản dị như một lão nông, gương mặt và quần áo lúc nào cũng toát lên vẻ khắc khổ, cực nhọc. Ông từng thừa nhận bản thân “quê mùa dốt nát”, “có lấy cuốc cuốc mặt ra, đắp đất màu lên cũng không ra cái con người sang trọng được”.
Trong cuốn Chân dung và đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhớ kỷ niệm khi Lê Lựu sang Nga dự hội thảo. Ông gọi điện rủ Trần Đăng Khoa sang chơi, nhờ kiếm cho ít thuốc lào rồi cảm thán: "Thế ở đây không thằng nào có thuốc lào à? Thế thì chúng mày khổ thật đấy. Không có thuốc lào thì còn gì là người. Thế mà mày ở Nga đến 6, 7 năm được thì tao phục thật". Khi Trần Đăng Khoa sang chơi, ông tặng quà quê là mấy bắp ngô luộc.
Trong văn đàn, thành công và vinh quang của Lê Lựu chính nhờ cái chất nông dân xuyên suốt ấy, với lối viết mộc mạc và trung thực. Như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Suốt đời văn, Lê Lựu chỉ viết về chất nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy”.
Nhà văn nông dân
Trong gần 60 năm cầm bút, Lê Lựu để lại dấu ấn lớn ở mảng đề tài nông thôn và chân dung người nông dân Việt Nam, dù họ bám với ruộng vườn hay ra phố lập nghiệp. Gia tài văn học của Lê Lựu là 40 đầu sách, nhiều tác phẩm trong số đó trở thành kinh điển và có sức ảnh hưởng lớn như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Chuyện làng Cuội... Đặc biệt nhất phải kể đến 2 tác phẩm từng được chuyển thể thành phim truyền hình là: Thời xa vắng - tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ văn học bắt đầu đổi mới - và Sóng ở đáy sông.
Từ năm 2010 đến năm 2013, Lê Lựu xuất bản 3 cuốn sách - Thời loạn, Ở quê ngày ấy và Gã dở hơi. Nhiều ngày bệnh không dậy nổi, ông nằm trên giường, đọc cho thư ký đánh máy. Năm 2016, ông viết dở tiểu thuyết Kẻ chạy trốn rồi bỏ cuộc vì bệnh tật hành hạ. Năm 2021, 2 tác phẩm kinh điển của ông được tái bản trong diện mạo mới với phần vẽ minh họa của họa sĩ Kim Duẩn. Đây cũng là lần hiếm hoi người yêu văn chương gặp lại Lê Lựu sau giai đoạn im ắng.
|
2 tác phẩm tiêu biểu của Lê Lựu trong diện mạo mới |
Là người tiên phong trong phong trào đổi mới tiểu thuyết, những trang viết của Lê Lựu phản ánh chân thực những mảnh đời muốn thay đổi nhưng lại bị xã hội ghì lại với những hủ tục. Nhân vật Giang Minh Sài trong tác phẩm Thời xa vắng là một điển hình. Có thể xem đây là nhân vật điển hình của văn chương Việt Nam hiện đại, sánh cùng nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Xuân tóc đỏ trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, lão Khúng trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu...
“Với Thời xa vắng, Lê Lựu viết cho ông, rút ruột ra mà kể chuyện của chính ông, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Nó là một câu chuyện dài, nhiều mảnh đời đan xen chồng chéo mà mảnh đời nào cũng được khắc họa một cách sâu sắc, đầy cảm thông. Thời đại ấy tuy đã trôi qua, tưởng như tiêu biến, nhưng trong chính xã hội hiện đại này, nó lại hiện ra theo một kiểu khác và vẫn với những ánh mắt nhìn chòng chọc vào ta, để phán xét, để đánh giá” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.
Trong khi đó, bi kịch của những nhân vật trong Sóng ở đáy sông vẫn luôn hiển hiện trước mắt chúng ta, ở ngay bên ngoài xã hội kia. Vẫn sẽ có những Núi, Hiền, Mai, Biển, Sông, Ý, những đứa bé như Uyển, Đồi, và những người cha khắc nghiệt, những người mẹ lầm lũi tảo tần, song cũng vẫn có tình người ấm áp để đánh thức thiên lương nơi họ.
“Ẩn sau cái vẻ xuề xòa, mộc mạc tưởng như nông dân ấy là những suy nghĩ rất ngấm. Hay nói rộng hơn, nhà văn Lê Lựu đã nâng những suy ngẫm của người nông dân lên thành khái quát của đời sống, khái quát của văn chương”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.
Nhã Ca
(Bài viết có sử dụng tư liệu của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Phạm Giai Quỳnh)