Lê la trong “ngôi đền ẩm thực đường phố”

02/07/2020 - 11:38

PNO - Nhiều người xứ khác hay ngạc nhiên vì sao dân Hà Nội thích lê la hàng quán, thích “ăn quà”, đàn ông cũng như đàn bà, người lớn cũng như trẻ nhỏ.

Ẩm thực đường phố có biết bao chuyện hay ho để nói và riêng cái sự ân cần bán - mua của người dưng tặng cho người dưng ấy đã mở cánh cửa văn hóa theo một cách thật thú vị.

Món ăn cứu đói, cứu buồn

Tờ Le Figaro của Pháp mới đây đã vinh danh các món ngon Hà Nội như phở, bún riêu, bánh cuốn, bánh mì, nem, bánh gối, cà phê trứng… và gọi xứ này là “Ngôi đền của ẩm thực đường phố”. Nhiều người xứ khác hay ngạc nhiên vì sao dân Hà Nội thích lê la hàng quán, thích “ăn quà”, đàn ông cũng như đàn bà, người lớn cũng như trẻ nhỏ.

Ăn quà là đi ăn rong các món ăn vặt, ăn chủ yếu ngoài lán chợ, ngoài vỉa hè, quán cóc, chứ không bao gồm các điểm sang chảnh. Ăn quà Hà Nội là chui vào xó cầu thang, là giành nhau từng chỗ ngồi, từng cái ghế, là hít khói bếp lò…

Thú ăn hàng qua thời gian được phát triển, được cổ vũ không ngừng. Buồn chân thì đi ăn quà, buồn lòng cũng đi ăn quà, không buồn cũng ăn. Vui thì càng phải ăn. Ăn uống thành phép giải tỏa tâm lý hữu dụng, là sự đổi gió hoan hỉ của khẩu vị. Ăn để giao lưu với thế giới, để “buôn chuyện”. 

Cô bạn tôi, một người Hà Nội, sống trong nội thành, làm việc ngay quận Hoàn Kiếm. Cuối tuần đẹp trời nọ, khi tan sở, cô và bạn hứng chí đặt phòng khách sạn ngay phố cổ rồi kéo va li tới làm dân du lịch 2 ngày. Ngỡ cô là khách Sài Gòn, cậu lễ tân đã nhiệt tình chỉ những nơi ăn chơi độc đáo. Cô bạn viết trên Facebook rằng, không ngờ cái xứ gắn bó mấy chục năm cuộc đời, tưởng mọi ngõ ngách đã biết hết, mà dưới góc nhìn khác, chiều kích khác, bỗng thấy lạ đến bất ngờ.

Bắt chước bạn, hôm trước Tết, chúng tôi ra Hà Nội không báo cho người thân hay bạn bè mà quyết định đặt phòng ở ngõ Huyện, một con hẻm toàn khách sạn, nhà nghỉ cho Tây balô. Anh lễ tân ngỡ chúng tôi là Việt kiều, đã chào đón với lời chúc mừng tới thủ phủ của thế giới ăn uống. Anh nói, chỉ cần đi bộ trong vòng bán kính 1-2km, chúng tôi sẽ trải nghiệm hầu hết tinh hoa ẩm thực thủ đô.

6g sáng ngày đầu tiên, tôi vừa bước chân ra khỏi cửa khách sạn, đã nghe tiếng phụ nữ lanh lảnh: “Này, cái gót giày của em chắc bền lắm nhỉ?”. Trời đất còn lem nhem mà ai nói rổn rảng vậy, tôi nhìn quanh, chỉ có tôi và một phụ nữ đang xách lỉnh kỉnh đồ ăn. 

Tôi nhanh nhảu: “Dạ, bằng nhựa đúc nên bền lắm”. Thế là câu chuyện giữa hai người không quen biết nổ như bắp rang quanh cái gót giày: nặng hay nhẹ, lội cát biển, lội chợ có ổn không? Và tôi, cứ vừa nói chuyện vừa cười ngoác miệng với suy nghĩ: “Mình đã thật sự về tới thủ đô rồi. Tự nhiên như người Hà Nội chính xác là thế này này”. 

Một lát sau, đoàn của tôi rẽ vào hàng cháo sườn nổi tiếng được “review” trên mạng, thì ra chị bán cháo chính là người vừa nãy “nổ bắp rang” với tôi.

Hàng cháo sườn này đại diện cho kiểu buôn bán rất “phố nhỏ nhà tôi”. Một bên ngõ (hẻm) là bức tường nhỏ, chị bán cháo gá cái bàn dài, đặt chiếc lò, để lên nồi cháo sườn sôi ùng ục. Bên cạnh là chảo quẩy nóng, cái bàn nhỏ bày thịt băm, hành, ngò, xì dầu, tương ớt…

Khách ngồi la liệt phía bên kia ngõ, Tây ta Nhật Hàn đủ cả, chân dài, chân ngắn duỗi ra mặt đường. Mỗi người bưng một tô. Khi vắng khách thì được kê bàn. Bàn chính là chiếc ghế nhựa có lỗ, tức lúc thì nó là ghế, thoắt cái lại thành bàn. Lúc khách đông, toàn bộ ghế đều huy động cho việc ngồi, tô ai nấy giữ, mỏi tay quá đặt tạm đâu đó. Khách vừa ăn vừa nhìn nhau trìu mến. Nhiều bạn trẻ tranh thủ selfie trên nền tường vàng. Một tấm hình trình làng là đủ thấy rất Hà Nội rồi, không cần giới thiệu gì cả.

Cháo sườn là món đơn giản, chỉ là gạo xay ra thành bột và nấu lên với nước hầm sườn heo, khi ăn nhúng hoặc cắt món quẩy rất đặc trưng Hà Nội vào cháo, thêm chút xì dầu và tương ớt Bắc. Cháo sườn Hà Nội sệt như hồ, vị thanh, rất dễ ăn, ăn nhiều không ngán. Đoàn của tôi ai cũng ăn mỗi lần hai tô và ngày nào cũng ăn ít nhất một lần. Cháo không hề có trong danh sách “must have” phải thử ở Hà Nội, bỗng nhiên thành món chủ lực, gắn bó suốt năm ngày tour khám phá Hà Nội của chúng tôi. 

Một quán cháo nhỏ xíu, món ăn đơn giản, tại sao lại hút khách đến vậy? Tôi tự hỏi rồi tự lý giải, không dừng ở chỗ nó là món ưa miệng, việc người ăn giao tiếp vui vẻ với chủ quán, giao tiếp với người qua lại và người ngồi ghế bên, ghế đối diện, tạo ra cái lao xao ẩm thực hè phố rất đặc biệt. Có lẽ, mọi món ăn hè phố Hà Nội đều hấp dẫn ở cái chỗ lao xao tấp nập đó.

Cứ nhớ tới tiếng kể chuyện của cô chủ quán vào những buổi tối vắng khách khi cô nói về con dâu, về chị bán chè bên cạnh, về cô ả ham chơi nào đó trong phố… tôi vẫn không nhịn được cười. Thật tình, những bà tám xứ nào cũng giông giống nhau nhưng cái giọng người Hà Nội khi trào lộng nghe thôi đủ hết buồn.
Nó cũng trào lộng hệt như mỗi lần tôi nhớ về hàng bún chửi ngõ Tô Hoàng. 0g đi ăn với bạn, sẵn bụng đói nên tô bún ngan với cái nước dùng “trong leo lẻo” của quán ngon ơi là ngon. Vừa ăn vừa nghe tiếng chặt gà vịt chan chát trên thớt cùng tiếng khách và chủ văng tục với nhau, tôi cứ cười ngặt nghẽo. 

Người nơi khác hẳn sẽ ớn những tiếng văng tục đã góp phần thành danh “bún chửi”. Nhưng nếu sống làm việc cùng người miền Bắc, người thân, bạn thân là những người Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, nơi tiếng đệm tục tằn chỉ đơn giản là chữ nhấn nhá, bạn sẽ hiểu những tiếng chửi ấy là một cách giao tiếp, chứ không phải cách tỏ thái độ trầm trọng gì. 

Vị của ký ức

Tôi thấy rằng, với người miền Trung quen ăn mặn, người miền Nam quen ăn ngọt, mới thử món Hà Nội lần đầu sẽ chưa thấy ngon, mà là thấy hay thấy lạ, thấy phần kỳ thú nhiều hơn. Nhưng ăn vài lần, ăn lâu hay nếu sống và làm việc lâu ở đất kinh kỳ rồi ăn riết tự khắc sẽ ghiền. Dần dà, mỗi món ăn có một giá trị, một linh hồn hẳn hoi, chứ không chỉ là vật chất cụ thể với vài trăm calories mỗi bữa hay định lượng các chất dinh dưỡng.

Món Hà Nội hay bất cứ món ngon vùng miền nào khác, nó sẽ càng ngon hơn khi có dư vị ký ức. Như tôi đây, mỗi lần ra Hà Nội được bạn bè cho trải nghiệm một quán bún chả nổi tiếng nhưng tô bún chả ngon nhất lại là trong lán chợ Kim Giang, với giá rẻ bèo, tôi ăn ở tuổi 20 với người bạn đang thất nghiệp. 
Rồi cái hàng bún chả “ngon kinh khủng” của tôi cũng không phải bún chả Hồ Xuân Hương hay bún chả Obama nổi tiếng, mà là cái quán ngày xưa gần nơi tôi tập sự, trên đường Hàng Trống, nơi có mấy chị đơn thân buổi trưa ế khách vừa quạt chả vừa tụ bạ nói xấu đàn ông. Tôi cứ vừa ngồi ăn vừa dỏng tai hóng chuyện.

Quanh đó, khu Bờ Hồ là cả một thế giới ăn rong. Những gánh bún riêu với cà chua nổi lên đỏ rực, những gánh miến lươn rau cần xanh ngắt, những ông gánh tào phớ rất gầy, rất già với đôi thùng gỗ đặc trưng. Chị bán cơm nắm, bánh dầy luôn giấu cả thế giới bí mật dưới chiếc vỉ buồm màu cốm mới…

Trước nhà thờ có bánh gối, vòng qua hông nhà thờ có nem nướng, đi xa tận phía Tràng Tiền, sang phía Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo là thủ phủ của xôi và bánh mì… Tôi trải nghiệm những buổi trưa đói meo, rảo bộ khỏi nơi làm việc, tìm cái ăn một mình. Sà vào những hàng ấy, thế rồi tôi được lấp đầy nỗi cô đơn, nỗi lo “biết ra sao ngày sau” bằng những cuộc trò chuyện ấm lòng của người bán, quen với những triết lý sống giản đơn của cuộc đời buôn gánh bán bưng đầy màu sắc…

Bây giờ, hàng rong kiểu ấy rõ là khó kiếm. Vỉa hè khu trung tâm tấc đất tấc vàng đã chuyển hầu hết thành cửa hàng lưu niệm, shop thời trang, quán cà phê sang. Những người bán ngày xưa đi đâu nhỉ? Tôi có niềm tin rằng họ không nghỉ bán. Họ chỉ sẽ rút dần, rút sâu vào các ngõ nhỏ để đỡ tốn tiền mặt bằng. Và khách nếu trót yêu thì khó mấy cũng tìm ra.

Và nếu rủi tìm không nổi, thì ngay cái ký ức khiến mình ăn món này mà nhớ da diết món kia hay làm mình vừa ăn vừa cười, xem ra đủ ấm áp rồi. 


Minh Lê

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI