Lễ hội sông nước TPHCM 2024

Chuyến tàu huyền thoại kể câu chuyện sông nước TPHCM

31/05/2024 - 08:41

PNO - Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" là một trong những điểm nhấn của "Lễ hội sông nước TPHCM". Mùa thứ hai mang tên gọi "Chuyến tàu huyền thoại", kể câu chuyện của dòng sông gắn với TPHCM qua những chuyến tàu lịch sử.

Không chỉ là dòng sông

Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện năm nay có cách kể chuyện đi vào chi tiết, giúp người xem dễ khái quát câu chuyện, qua 5 phần: hạ thủy, cập bến, ra khơi, dậy sóng và vươn xa, theo trình tự thời gian.
Lịch sử được tô đậm qua câu chuyện về công xưởng Ba Son, gắn liền với Chủ tịch Tôn Đức Thắng; chuyến tàu ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ; những trận đánh tàu của chiến sĩ đặc công Rừng Sác; tàu Sông Hương nối 2 miền Nam - Bắc sau khi đất nước thống nhất. Và không thể thiếu những chuyến tàu ở hiện tại mang theo hy vọng phát triển thành phố, đất nước.

Cảnh trong phần 1 - Hạ thủy của chương trình Chuyến tàu huyền thoại đêm tổng duyệt - ẢNH: THÀNH LÂM
Cảnh trong phần 1 - Hạ thủy của chương trình Chuyến tàu huyền thoại đêm tổng duyệt - ẢNH: THÀNH LÂM

Dòng sông kể chuyện năm 2023 được dàn dựng khá công phu, tái hiện bức tranh toàn cảnh về lịch sử hơn 300 năm của Gia Định - Sài Gòn - TPHCM. Nội dung phủ rộng nên việc đi vào chiều sâu còn hạn chế. Đặc tính, nếp sinh hoạt, văn hóa của người dân gắn liền với sông nước chưa được thể hiện rõ, khiến nhiều người xem tiếc nuối. Năm nay, khi chọn những câu chuyện lịch sử, liệu yếu tố sông nước có bị phai nhạt?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - thành viên Hội đồng cố vấn chương trình - cho rằng: đặc tính sông nước tại TPHCM khác nhiều so với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nơi đây có nhiều bến, đầu mối quy tụ thương mại, văn hóa… Vì thế, sông nước không chỉ dừng ở dòng sông, đặc tính thiên nhiên mà bao gồm cả sự vận động lịch sử, thể hiện được vị trí, ý nghĩa quan trọng của sông nước TPHCM.

Khai thác đề tài lịch sử không dễ. Nếu thể hiện thuần theo sự kiện, dễ tạo cảm giác khô cứng. Nhưng sáng tạo quá đà lại có thể gây tranh cãi. Vì bám sát sự kiện lịch sử nên có nhiều tư liệu để tham khảo, xây dựng. Tuy nhiên, làm sao để chúng mới mẻ lại là thách thức không nhỏ. Đây cũng là điều tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu và các thành viên của hội đồng tư vấn trăn trở khi nhận được ý tưởng từ đạo diễn Lê Hải Yến.

“Chúng tôi cố gắng cung cấp những tư liệu gốc, đảm bảo sự chính xác. Tôi cũng góp ý cho việc đặt tên các chương, làm sao để các câu chuyện liên kết chứ không phải rời rạc. Lời văn cũng phải suôn, lược bớt những câu, chữ mang tính xã luận nhưng không khiến người nghe phải băn khoăn” - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho biết.
Đạo diễn Lê Hải Yến cho rằng, trong lịch sử có những không gian về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… khá thú vị, đặc biệt có những nhân vật hay. Đây là những chất liệu hay để lịch sử trở nên sinh động hơn qua một chương trình nghệ thuật. “Tôi phải đọc 10 quyển sách mới đưa ra được 1 chi tiết, vì phải đối chiếu liên tục. Tôi cũng dành nhiều thời gian gặp các nhân chứng lịch sử cựu đặc công Rừng Sác để đảm bảo các chi tiết chính xác” - đạo diễn Lê Hải Yến nói.

Các chương được thể hiện khá gọn gàng. Trong đó, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ hay câu chuyện của những phận người khao khát hòa bình, hạnh phúc trong cuộc chiến giành tự do cho dân tộc có thể xem là điểm nhấn khá sáng khi được tô đậm.

Ngoài cảnh trí, kỹ xảo (trình chiếu 3D mapping, màn hình nước, trình diễn drone, bắn pháo hoa…) thì thử thách được đặt lên vai những diễn viên đảm nhận vai Bác Hồ thời trẻ hay Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ê kíp thực hiện đã phải mất khoảng 4 tháng để tuyển chọn được các diễn viên đóng vai này, họ cũng làm việc liên tục trong 1 tháng về mặt diễn xuất.

Âm nhạc cũng là điểm sáng với sự tham gia của nhạc sĩ Đức Trí, thể hiện được tinh thần hào hùng qua các tác phẩm Dấu chân phía trước, Thành phố trẻ… gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ, dễ tìm được sự đồng cảm.

Kỳ vọng trở thành thương hiệu

Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, việc chọn chủ đề lịch sử khai thác cũng nhằm mục tiêu tìm được sự đồng cảm, hướng đến khán giả trẻ, giúp họ hiểu sử, yêu sử.

Tối 29/5, khi tổng duyệt chương trình, nhà thiết kế Việt Hùng cho biết anh đã chuẩn bị hơn 3.000 trang phục cho chương trình biểu diễn này. Anh dự tính vào đêm trình diễn chính thức, số lượng trang phục sẽ hơn 4.000.

Trong đêm biểu diễn khai mạc vào tối 31/5, dự kiến có khoảng 9.000 khán giả xem tại sân khấu, đồng thời chương trình cũng được truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, để phục vụ được nhiều khán giả xem trực tiếp hơn, đặc biệt người trẻ, bấy nhiêu là chưa đủ. Đến sáng 30/5, nhiều người vẫn có nhu cầu sở hữu vé. Saigontourist - đơn vị cung cấp tour bao gồm xem đêm khai mạc cũng thông báo ngưng nhận khách.

Phần 3 tái hiện hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ tại bến cảng Nhà Rồng 5/6/1911 (Ảnh: Thành Lâm)
Phần 3 tái hiện hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ tại bến cảng Nhà Rồng 5/6/1911 (Ảnh: Thành Lâm)

Nhu cầu thưởng thức của khán giả đã cao từ lần đầu chương trình diễn ra vào năm ngoái. Khi đó, Sở Du lịch TPHCM kỳ vọng chương trình là sản phẩm định kỳ để thu hút du khách. Nhưng tiếc rằng sau 1 năm, điều này vẫn chưa được thực hiện.

Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Dung - một trong những diễn viên tham gia chương trình - kỳ vọng chương trình có thể biểu diễn nhiều suất nữa. Bởi theo ông, cần truyền tải những câu chuyện này để thế hệ mai sau hiểu hơn về giá trị hòa bình, hạnh phúc đang có được. Khi đặt câu hỏi về kế hoạch diễn thường kỳ phục vụ du khách, câu trả lời của đạo diễn Lê Hải Yến vẫn là kỳ vọng. Chị cho biết, nếu muốn biểu diễn dài lâu thì cần có không gian văn hóa để trình diễn, kể chuyện.

Từ thực tế, có thể thấy để một chương trình nghệ thuật phục vụ du khách dài lâu cần có nhà đầu tư. Đặc biệt khi chương trình này có quá nhiều công nghệ tân tiến được sử dụng, quy tụ lực lượng diễn viên khoảng 1.000 người…, chi phí thực hiện rất cao. Đó là điều cần có thời gian. Chỉ mong rằng thành phố sẽ tận dụng được cơ hội này để xây dựng một thương hiệu văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI