Ông kia phì cười: “Có chừng đó mà bày đặt…”. Lội vào chợ mới biết, 1kg sâm có khi giá gấp 4 lần 1kg vàng.
10 gian hàng của các công ty và hai xã Trà Linh, Trà Cang, giăng bạt bán, công an lớp trong lớp ngoài. Ồn ào trước gian hàng của Công ty Huỳnh Sâm là một nhóm người Hàn Quốc. Họ là khách mời, đến đây ngó cho biết xứ này cũng có sâm chứ không phải là của riêng xứ nào.
Thông dịch nói: “Ổng muốn mua củ sâm 200 đô, chị cho xem đi”. Cô bán hàng nhón tay rút một củ bằng ngón tay cái kèm theo lá, đưa cao lên. Những tiếng ồ nối nhau rồi cười, bàn tán, nhăn nhó. “Họ nói đắt quá”. “Không đâu chị, củ này hơn 5 năm tuổi rồi, 1 lạng đó, không đắt đâu”.
Chủ tịch Nam Trà My Hồ Quang Bửu nói: “Ở họ rẻ hơn mình”. Chuyện này sẽ nói sau. Tôi hỏi người bán: “Hôm qua đến giờ bán được bao nhiêu?”. “Dạ hơn 500 triệu”. “Khách từ đâu đến?”. “Sài Gòn, Đà Nẵng, nhưng chủ yếu là Hà Nội anh à”.
Ngợp. Đó không còn là cảm giác. Quầy của Trung tâm Sâm Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My, sâm bày trên đĩa, như rau, kèm theo câu khuyến cáo “không sờ vào sâm”. Trên mỗi đĩa, có bảng giá.
Tôi để ý, ba lượt khách đến chỉ ngó, không ai mua. Chưa đĩa nào giá dưới 5 triệu. Những củ sâm đen, vàng, sần sùi những đốt, nốt, tua tủa rễ như râu bạch tuộc. Củ to nhất nằm trên một đĩa như “tiên chỉ” ở làng, giá 19,2 triệu. Không, có củ 19,6 triệu. “Hơn 10 tuổi đó, 1 lạng 19 triệu, cứ vậy mà tính”, bà bán nói. Mỗi tuổi là một năm. Càng cao, càng đắt. Khách liên tục nhún vai, le lưỡi. Huyện ước tính bốn ngày khai hội, sẽ bán được chừng 5 tỷ đồng.
|
Sâm củ tươi và đã chế biến, giá đắt hơn vàng. |
Sâm Ngọc Linh quý, nhưng người mua lâu nay chán ngán vì sợ sâm giả. Giả tràn lan. Giới có tiền cần đồ thật, nên lên tận đây mua. Quy định cấm đưa sâm giả vào. Thế mà hôm khai mạc, có người suýt khóc vì tin đồn.
Bà Hồ Thị Mười ở xã Trà Mai bày bán, bị la làng sâm giả. Bà nói: “Tôi mua lại của bà con trên Trà Linh xuống, 4kg chứ ít đâu, sao giả được”. Công an, quản lý thị trường vào cuộc ngay. Họ truy tận nơi người bán. Ông kia dẫn ra vườn sâm chỉ. Nhà chức trách “tối mắt”, sâm nào cũng sâm, làm sao biết, bèn quay về cầu viện ông Hồ Văn Du, vốn là trạm phó dược liệu sâm Ngọc Linh trên đỉnh Ngọc Linh, lão luyện với nghề. Ông này bẻ củ sâm, nhai, nhíu trán, khoát tay: “Không giả đâu”.
Được lời như cởi tấm lòng, bà Mười mừng hết lớn. Nhưng sao nói giả? Ông cán bộ ngành y tế khá rành cây này nói: “Đúng là sâm Ngọc Linh, nhưng di thực chỗ khác, về đây khí hậu hơi khác, nên lá mau rũ, chứ không phải giả đâu”.
Thiên hạ sợ là đúng. Cách đây ba năm, ông Hồ Văn Ni chủ tịch huyện nói với tôi: “Tau cũng bị lừa, bà vợ đau, mua 3 lạng để uống, được một lần, thế là ngứa nổi toàn thân, cấp cứu không kịp, vì nó là củ ráy, ngán lắm”. Chỉ có dân rành mới biết, chỗ quen mới dám đặt mua, y như mật ong rừng vậy.
|
Sâm Ngọc Linh giả tràn lan nên nhiều người sợ mua lầm. |
Sâm tươi kèm rễ để trong 10 cái xô, thuộc quầy xã Trà Linh. Anh Hồ Văn Thái cùng mấy người canh kỹ, nói chừng đó là 1 tỷ đồng, không bớt một xu, toàn thứ cây 7-10 năm tuổi. Tôi chỉ hai củ như hai ngón tay “bao nhiêu?”. “9 triệu”. Một người đứng bên lắc đầu: “Đắt”. “Mua vàng có chê đắt không?”. Người kia trố mắt nhìn, cứng miệng. Đắt hơn vàng đấy.
Chị Nam Thương, chủ quầy xã Trà Cang, giãi bày: “Đắt lắm anh, giờ nói sâm Ngọc Linh bao nhiêu một ký là không được, vì căn cứ độ tuổi, nhưng chắc chắn từ 40 triệu/kg trở xuống là sâm non rồi, còn phổ biến là 50 đến 80 triệu, trên nữa cũng có”.
Sâm mọc dưới tán lá rừng, của riêng hộ gia đình, tuổi bao nhiêu, chỉ có họ biết, nhưng ồ ạt bán, tận diệt mua, đã khiến sâm già không còn nhiều, và đó cũng chỉ là… phỏng đoán, bởi của nhà họ, sao mình biết được. Bà con bây giờ biết giá trị của nó rồi, hơn nữa sợ mất cắp, nên họ giấu tịt.
“Vì sao giá quá cao?”. Một cán bộ huyện nói: “Do thông tin quy hoạch, sâm được công nhận sản phẩm quốc gia, người ta đổ đến mua, rồi báo chí, mạng, cứ đưa tin củ sâm giá 400 triệu, tôi nói thiệt, dễ gì có, đôi khi nói đại lên, nên sâm giờ đắt hơn vàng, 200 triệu/kg cũng có”. Người chen kẻ lấn, ngó và ngó. Giá sâm củ cao, đẩy giá sâm lá vọt theo. Cách đây ba năm, 1kg lá khô là 600 ngàn, nay là… 20 triệu!
Lễ hội sâm là để quảng bá tiềm năng, kích thích mua để khuyến khích bà con, doanh nghiệp trồng sâm. Chính phủ đồng ý đề án 9 ngàn tỷ để quy hoạch vùng sâm, cốt là để bảo tồn, phát triển nguồn sâm quý, xóa đói giảm nghèo, đưa sâm thành hàng hóa đặc biệt để từ đó chế biến thành sản phẩm tiêu dùng.
Thông tin từ huyện là giờ đã có 420ha sâm do dân và Nhà nước trồng; 6 doanh nghiệp lớn được giao 1.500ha để làm dưới tán lá rừng. Giấc mơ sâm Việt đang mở ra, nhưng giấc mơ đó, với giá đó, đành rằng tiền nào của nấy, chỉ vươn đến một nhóm người có tiền.
Câu hỏi là tại sao Hàn Quốc, cái gì cũng có sâm chiết xuất trong đó, từ dầu gội đến mì gói, thuốc chữa bệnh, cả kẹo bánh, rượu bia, phổ cập tràn lan? Ông Hồ Quang Bửu nói rằng, tôi qua đó rồi, xứ họ khí hậu khác mình, họ đi từ công nghệ nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm, nhân giống đại trà, chứ sâm Ngọc Linh là đặc thù, chỉ có vùng Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Nam Trà My (Quảng Nam) là thích hợp, đi nơi khác là không xong. Ngay cả sâm Hàn Quốc, trồng trên núi thì giá 20 triệu/kg, chứ ở đồng bằng chỉ 2 triệu mà thôi.
Sâm Ngọc Linh, dù doanh nghiệp đầu tư cỡ nào, thì cũng phải trồng theo kiểu truyền thống, không phân bón, không tưới nước, nó sinh trưởng và phát triển dưới tán lá rừng, trong điều kiện rất ẩm, tác động khoa học từ phòng thí nghiệm khó thành…
Chuyện này người viết cũng biết. Dù cố gắng rất nhiều, nhưng một công trình nghiên cứu của cán bộ tại sở KHCN Quảng Nam đưa ra sâm con, đem đi lên núi trồng, đã thất bại vì nấm. Hiện tại huyện có một trung tâm nghiên cứu. Cây đã được một năm, nhưng chưa dám nói điều gì, bởi hàm lượng chất bổ sau 5 năm mới đánh giá được là bằng hay không bằng cây tự nhiên.
|
Sâm Ngọc Linh quý vì hiếm. |
Khó mà phổ biến, đại trà. Thôi đành, của quý là của hiếm. “Kệ đi, đại gia có tiền cứ mua cho bà con nhờ”.
Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ I năm 2017 với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh” được tổ chức tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, từ ngày 10-13/6, với 10 gian hàng của cá nhân, đơn vị tại Quảng Nam và Kon Tum dự, quảng bá và bán sâm.
Ngoài 420ha do huyện và dân tại 7 xã trồng, thì nay đã có 6 doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư, phát triển sâm. Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện, thì sâm Ngọc Linh đến nay vẫn chưa xuất khẩu; việc mua bán diễn ra tự phát, nhỏ lẻ của các hộ cá nhân, công ty; giá sâm do thị trường điều phối.
Trung Việt