Lễ hội tổ chức vào ngày mùng 2/2 Âm lịch và được phục dựng lại từ năm 2001, sau 60 năm thất truyền.
Theo tích xưa, tại đất này, có người con gái tên Lê Hoa, còn gọi là Ả Lự. Khi xưa, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc phương Bắc, nàng Hoa không chịu lấy chồng mà quyết theo Hai Bà đánh giặc. Bà trở thành nữ tướng đắc lực của Hai Bà Trưng, được phong là Nữ sử anh phong.
Sau khởi nghĩa thắng lợi, nữ tướng Lê Hoa được Hai Bà Trưng phong làm tri huyện huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Khi đất nước thanh bình, nữ tướng Lê Hoa tổ chức kén rể tìm đức lang quân. Lễ hội kén rể ra đời từ đó.
Người dân háo hức tham gia lễ hội.
Nguyễn Diệp Trúc, 20 tuổi, là thiếu nữ trong thôn được lựa chọn để hóa thân thành nữ tướng Lê Hoa. Cô gái trẻ cho biết đã phải luyện tập trước cả tháng để chuẩn bị.
Theo hương ước làng, việc tuyển chọn người tham gia lễ hội được lựa chọn kỹ lưỡng. Người đóng vai mẹ của nữ tướng Lê Hoa phải là người phụ nữ song toàn, gia đình ổn định, văn hóa và hạnh phúc. Cô gái đóng vai nữ tướng Lê Hoa và 2 chàng rể phải là trai thanh gái lịch, chưa có gia đình, phẩm chất đạo đức tốt.
Lễ kén rể chia làm 2 phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ chính là đám rước trọng thể đưa thần hoàng làng từ đền về đình tế lễ. Phần 2 gồm nhiều trò chơi dân gian của vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ở phần thi kén rể sẽ tái hiện 3 trò chơi để thử tài các chàng rể.
Phần thi để 2 chàng rể so tài cũng là những trò chơi mang đậm nét dân gian, văn hóa lúa nước. Điển hình là trò chơi trâu cày ruộng cạn, câu ếch và chõng chó.
Phần thi trâu cày ruộng cạn thu hút đông đảo người xem. Đây là phần thi khó, đòi hỏi những người chơi phải phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.
Những người tham gia hội kén rể là các bạn trẻ.
Phần thi bắt chạch trong chum với những khoảnh khắc vui vẻ, hài hước tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở.
Sau 3 phần thi, các chàng rể bước vào phần đối đáp với nữ tướng Lê Hoa. Chàng rể được chọn sau cùng được ban áo gấm, lụa là để vinh quy bái tổ cùng nữ tướng Lê Hoa.