Lễ hội Đông Cuông thay treo trâu đến chết bằng cách... mổ thịt

09/02/2017 - 07:13

PNO - Theo Ban tổ chức lễ hội đền Đông Cuông, năm nay, nghi thức treo trâu đến chết ở nơi đây sẽ được thay thế bằng hình thức mổ trâu để trâu được chết nhẹ nhàng, không phản cảm.

Chiều ngày 8/2, theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ có mặt tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, người dân địa phương và du khách các nơi đổ về đền khá đông.

Để chuẩn bị cho nghi thức hiến tế trâu vào lúc 0h đêm nay, người dân địa phương đã chuẩn bị một con trâu trắng buộc dưới gốc cây trước cửa đền, cùng một chiếc cũi gỗ và bạt phủ.

Le hoi Dong Cuong thay treo trau den chet bang cach... mo thit
Con trâu trắng được cột tại khuôn viên đền trước giờ lễ tế.

Thay đổi nghi thức treo trâu

Ông Lê Minh Đức - phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Đông Cuông cho biết, tiền thân của đền trước đây là thờ Đông Quang công chúa, sau này thì thờ Mẫu đệ nhị thượng ngàn và những vị thần vệ quốc, những người có công giúp dân chống giặc ngoại xâm giữ nước.

“Trong các nghi lễ quan trọng của lễ hội có từ hàng trăm năm nay, có nghi lễ mổ trâu làm vật tế hiến sinh để dâng lên Mẫu và những người có công với nước. Đó là nghi thức treo trâu vào giờ Tí của ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng.

Đây là một nghi lễ quan trọng trong lễ hội. Nó thể hiện sự biết ơn của nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đối với thánh mẫu thượng ngàn, các vị thần linh, các anh hùng nghĩa sĩ đã có công che chở giúp nhân dân làm ăn phát triển kinh tế, gìn giữ đất nước như ngày hôm nay”.

Ông Đức cho biết năm 2017, lễ hội đền Đông Cuông vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, tuy nhiên trước yêu cầu đổi mới của đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và chính quyền tỉnh Yên Bái, Ban tổ chức lễ hội đền Đông Cuông không tổ chức treo trâu như những năm trước.

Tuy vậy, vật tế hiến sinh là trâu trắng vẫn được mổ để làm thành những mâm cỗ để dâng lên Mẫu và các vị thần linh.

Ông cũng nói rằng chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân về sự thay đổi này.

Le hoi Dong Cuong thay treo trau den chet bang cach... mo thit
Chiếc khung sắt dùng để nhốt trâu tế gấp rút hoàn thiện dưới gốc cây mít trước cửa đền.

Tục treo trâu không phản cảm

Có mặt tại đền Đông Cuông từ mấy hôm nay, TS Trần Hữu Sơn, phó chủ tịch Hội văn nghệ dân gian VN lên tiếng khẳng định: “Những người nói tục treo trâu là dã man thì tôi tin chắc rằng họ chưa bao giờ đến đây, chưa bao giờ ăn, nghỉ với người Tày để hiểu tại sao người ta lại treo trâu. 

Treo trâu không phản cảm vì tục treo trâu bắt nguồn từ tục của dòng họ Hà ở đây, là con cháu của Hà Chương, Hà Đẳng, Hà Bổng, Hà Khất là những thủ lĩnh chống giặc Nguyên Mông. Những thủ lĩnh này đã đánh tan quân Nguyên Mông.

Vì thế, người ta dùng lễ hiến tế trâu để mừng chiến thắng. Trong lễ hiến trâu, tất cả người Tày đều treo trâu lên để báo cáo với Mẫu, với thần linh thổ địa rằng giặc đã bị đánh tan, quy hàng”.

TS Sơn còn nói thêm, mặc dù chính quyền và người dân địa phương đã chấp thuận không tổ chức treo trâu nữa, nhưng cách quản lý lễ hội bằng những mệnh lệnh hành chính rõ ràng chưa hợp lý.  

“Chỉ nghe qua mạng xã hội và báo chí để chính quyền địa phương ra một lệnh cấm treo trâu như vậy là cách quản lý chưa khoa học.

Trước hiện tượng như thế chúng ta phải xem xét, nghiên cứu kỹ về nguồn gốc, ý nghĩa trước khi kết luận đó có phải là một hành động phản cảm hay không. Vội vàng kết luận là sai khoa học. Muốn vậy thì phải điền giã thực tế để hiểu rõ câu chuyện, phong tục, tập quán của các dân tộc ở đây.

"Dù trong thời buổi toàn cầu hoá, công nghệ thông tin này, vẫn phải tôn trọng sự đa dạng văn hoá. Điều này cũng được nhắc đến trong hiến chương của Liên hợp quốc, về việc tôn trọng sự đa dạng văn hoá của các dân tộc.

Đa dạng văn hoá các dân tộc nghĩa là không có dân tộc nào có nền văn hoá cao và không có dân tộc nào có nền văn hoá thấp. Chúng ta phải tôn trọng những nét riêng của các nền văn hoá khác nhau chứ không thể bắt tất cả các dân tộc đều phải có nền văn hoá giống nhau” - ông Sơn nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI