Lễ hội điện Huệ Nam được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

12/12/2024 - 17:23

PNO - Lễ hội điện Huệ Nam ở xã Hương Thọ, TP Huế vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Ngày 12/12, ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh văn phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết quyết định công nhận được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký ngày 10/12, theo đề xuất của UBND tỉnh và Cục Di sản văn hóa.

Lễ hội điện Huệ Nam (loại hình lễ hội truyền thống) tại xã Hương Thọ, TP Huế được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội truyền thống này góp phần gìn giữ, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Lễ hội truyền thống này góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam.

Lễ hội thường tổ chức vào dịp tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, được xem là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh mẫu Thiên Y A Na.

Hoạt động của lễ hội thu hút đông đảo tín đồ của tín ngưỡng Thờ Mẫu với hàng vạn lượt người từ các tỉnh, thành về tham dự. Đây cũng được xem là một lễ hội văn hóa dân gian truyền thống mang tính cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.

Các hoạt động của lễ hội phần lớn được tổ chức tại di tích điện Huệ Nam, hay còn gọi là điện Hòn Chén, nằm ở ven thượng nguồn sông Hương qua địa bàn xã Hương Thọ, TP Huế.

Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người.
Lễ hội điện Hòn Chén

Trong khuôn khổ lễ hội có đám rước Thánh mẫu trên sông Hương và hát thờ, lên đồng, hầu bóng diễn ra suốt đêm.

Theo quan niệm của người theo Thánh mẫu, thế giới có 3 cõi là Thượng thiên, Thượng ngàn và Thủy phủ. Mỗi cõi do một vị Thánh mẫu đứng đầu. Dưới mỗi mẫu lại có các thánh bà hầu hạ, thường gọi là Đức Chầu. Dưới quyền sai phái của mẫu còn có năm vị quan lớn, 10 ông hoàng, 12 tiên cô, các cậu quận và những vong linh chết non hiển linh thường được gọi là các cô bé hay cậu.

 Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm.
Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm.

Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng có quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL về công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống nổi tiếng, được hình thành cách đây gần 400 năm. Hiện nay, nghề này có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất, cung ứng cho người tiêu dùng và mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân.

Đoàn rước Thánh Mẫu nhìn từ trên cao xuống.
Đoàn rước Thánh Mẫu nhìn từ trên cao xuống

Trước đó, vào tháng 8/2024, Bộ trưỏng Bộ VHTTDL cũng đã có quyết định ghi danh “Tri thức may và mặc áo dài Huế” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam; Ca Huế; Nghề dệt Dèng; Lễ hội Aza Koonh; Tri thức may và mặc áo dài Huế; Lễ hội điện Huệ Nam; Nghề làm bún Vân Cù.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI