Lễ hội đầu xuân đã thôi nhốn nháo

23/02/2024 - 06:12

PNO - Năm nay, lễ hội đầu xuân được các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng cả về phần lễ và hội; các lễ hội phản cảm cũng đã bị bãi bỏ.

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, không khí lễ hội diễn ra tưng bừng trên cả nước. Năm nay, lễ hội đầu xuân được các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng cả về phần lễ và hội; các lễ hội phản cảm cũng đã bị bãi bỏ.

Đi lễ hội đã “dễ thở” hơn

Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) khai hội trong mưa nhưng du khách vẫn nườm nượp dự lễ. Từ lúc khai hội (mùng Sáu tháng Giêng) đến nay, không còn cảnh suối Yến ken đặc đò chở khách, cũng không còn cảnh du khách vạ vật xếp hàng chờ đến lượt lên thuyền như các năm trước. Quá nửa các buổi sáng, thuyền đò vẫn xếp hàng ở từng bến để chờ khách. Mấy ngày qua, du khách dễ dàng lên và xuống chùa Thiên Trù, động Hương Tích. 

Học sinh ở xã Cổ Loa tham gia lễ rước kiệu trong lễ hội Cổ Loa - Ảnh: C.L.
Học sinh ở xã Cổ Loa tham gia lễ rước kiệu trong lễ hội Cổ Loa - Ảnh: C.L.

Chị Trần Phương Thúy (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: “Tôi đi từ trạm soát vé đến động Hương Tích đều thong thả, dễ thở. Việc hành lễ ở các ban, các chùa nghiêm trang, thành kính hơn, cảm giác của mình cũng thư thái, tĩnh tại hơn các năm trước”.

Khai mạc cùng ngày với lễ hội chùa Hương, “Hội xuân Bái Đính năm Giáp Thìn 2024” (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) những ngày qua cũng không có cảnh người, xe ách tắc; ngày cuối tuần, khách hành lễ trong đại điện cũng không làm ảnh hưởng đến các phật tử tụng kinh. 

Bà Đỗ Thị Nữ (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) kể: “Hôm mùng Sáu, tôi đến chùa Bái Đính cổ dự lễ rước bài vị thần Cao Sơn (Cao Sơn đại vương), đức thánh Nguyễn (thiền sư Nguyễn Minh Không, thời Lý) và bà chúa Thượng Ngàn từ chùa cổ sang chùa mới. Hôm đó không đông khách nhưng phần hội rất vui, nhất là màn tái hiện lễ tế cờ của hoàng đế Quang Trung trên núi Đính trước lúc xung trận và lễ đăng đàn xã tắc của vua Đinh Tiên Hoàng”. 

Giữ môi trường văn hóa lành mạnh

Những lễ hội lớn đã khai hội từ mùng Năm, mùng Sáu tháng Giêng như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Gióng (TP Hà Nội) đã bám khá sát “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2023. 

Với lịch sử hơn 400 năm, hội vật làng Sình luôn đề cao tinh thần thượng võ - Ảnh: Thuận Hóa
Với lịch sử hơn 400 năm, hội vật làng Sình luôn đề cao tinh thần thượng võ - Ảnh: Thuận Hóa

Chủ đề năm 2024 của lễ hội chùa Hương là “văn minh, an toàn và thân thiện”. Hàng quán dọc đường lên đền Trình còn thiếu quy củ nhưng trong mùa lễ hội năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương đã đi vào hoạt động để việc đưa khách bằng thuyền, đò được trật tự hơn; hơn 100 xe điện thử nghiệm chạy trong khu vực lễ hội giúp cho việc đi lại của du khách an toàn, thuận tiện; các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng hoạt động thường xuyên để không xảy ra tình trạng chạy xuồng máy, đánh bạc trên thuyền như trước. UBND xã Hương Sơn và Công an xã Hương Sơn còn công khai đường dây nóng để du khách phản ảnh kịp thời những điều “chưa được”.

Lễ hội đền Đuổm (huyện Phú Lương) là lễ hội lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Sáng mùng Năm, nhiều trẻ đã theo ông bà, cha mẹ đến giếng Dổi dự lễ xin nước, xin đất để rước về đền. Chị Đinh Thị Trâm (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) cảm nhận: “Năm nay, lễ hội trật tự, an ninh tốt hơn năm ngoái. Ngoài phần lễ trang trọng, các hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, trang trí mâm lễ cúng, trình diễn trang phục truyền thống cũng rất hấp dẫn”.

Lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) khai hội ngày mùng Sáu tháng Giêng. Nhiều năm qua, lễ hội này vẫn giữ được phần lễ trang nghiêm và phần hội đậm chất văn hóa truyền thống. Trong 11 ngày diễn ra lễ hội năm nay, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc đã được tổ chức, như giải vật dân tộc, giải bắn nỏ truyền thống, thi đấu cờ người, diễn tuồng Cổ Loa thành… 

Trong nhiều lễ hội đầu xuân ở cố đô Huế mừng xuân Giáp Thìn, đáng chú ý nhất là hội vật làng Sình (xã Phú Mậu, TP Huế) được tổ chức  ngày mùng Mười tháng Giêng. Theo sử sách, đây là địa điểm để xây dựng những trại đóng tàu thuyền, trường huấn luyện thủy binh, bộ binh của Triều Nguyễn. Đến nay, hội vật làng Sình đã có lịch sử hơn 400 năm. Từ khởi thủy, người dân tổ chức hội vật để giải trí vào những ngày đầu xuân và tuyển chọn võ sĩ cho triều đình. Dù sinh sống ở đâu, những ngày đầu xuân, người dân làng Sình cũng quay về làng để dự hội vật. Đặc biệt, trong lễ hội này, các đô vật không đề cao việc thắng thua mà đề cao sự giao lưu, học hỏi.

Người dân đến dự lễ hội đền Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa
Người dân đến dự lễ hội đền Huyền Trân ở núi Ngũ Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Năm nay, lễ hội đền Huyền Trân - diễn ra ngày mùng Chín trên núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân” - thu hút hàng vạn người dự, dâng hương, vãn cảnh. Lễ hội được tổ chức đúng ngày giỗ thứ 684 của công chúa Huyền Trân để tưởng nhớ công lao góp sức mở mang bờ cõi của người con gái vua Trần Nhân Tông. Lễ hội năm nay được tổ chức thiên về phần nghi lễ, như cầu nguyện quốc thái dân an, dâng hương tại điện thờ Huyền Trân công chúa, dâng hương tại đền thờ vua Trần Nhân Tông. 

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, lễ hội đền Huyền Trân là lễ hội mang tính dân gian của xứ Huế, mang ý nghĩa tri ân người đã có công lao mở đất, mở nước để chúng ta có vùng đất Thừa Thiên - Huế tươi đẹp hôm nay. Các hoạt động năm nay được tổ chức đa dạng, kết hợp nhiều loại hình văn hóa truyền thống như ca Huế, bài chòi, trò chơi dân gian, triển lãm và trình diễn trang phục áo dài.

Xóa bỏ nghi thức phản cảm
Năm 2024, tỉnh Nghệ An có 27 lễ hội, kéo dài từ tháng Giêng đến tháng Mười âm lịch, được tổ chức hài hòa giữa phần lễ và phần hội, mang đậm dấu ấn vùng miền, thu hút đông đảo người dân tham gia. Ông Bùi Công Vinh - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An - cho biết, phần lễ ở các lễ hội hầu như được giữ nguyên, riêng phần hội được các địa phương bổ sung thêm các trò chơi dân gian để du khách và người dân địa phương tham gia, tạo thêm không khí vui tươi, sôi nổi. Tuy nhiên, trong phần lễ, một số nghi thức không còn phù hợp đã được thay đổi hoặc bỏ, chẳng hạn như bãi bỏ nghi thức chém trâu trong lễ hội đền Chín Gian. Phan Ngọc

Mạnh tay xử lý nạn chèo kéo khách, mê tín dị đoan

UBND tỉnh An Giang cho hay, trong dịp tết Giáp Thìn, toàn tỉnh thu hút hơn 610.000 lượt khách, tăng khoảng 20% so với tết trước. Chỉ tính từ mùng Một đến mùng Năm, riêng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP Châu Đốc) đón khoảng 452.700 lượt khách.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc - năm nay, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo du khách, bói toán, bán hàng rong “chặt chém” du khách. Công an TP Châu Đốc cũng chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, không để xảy ra các tệ nạn bói toán, mua bán gian lận, cò mồi, đeo bám du khách. Huỳnh Lợi

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI