Lễ hội Áo dài và hoa: Vang vọng những dư âm

10/03/2014 - 11:24

PNO - PN - Lễ hội Áo dài và hoa (ngày 8-9/3) lần đầu tiên được TP.HCM tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen đã qua, nhưng dư âm của lễ hội chắc chắn sẽ kéo dài. Qua lễ hội, nhiều bạn trẻ nhận thức được rằng: áo dài không chỉ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Le hoi Ao dai va hoa: Vang vong nhung du am

Rộn ràng lễ hội

Tuy thời tiết nắng nóng nhưng trong hai ngày 8 và 9/3, rất đông du khách đến với lễ hội trong trang phục áo dài. Điều đặc biệt, không chỉ những cô gái trẻ xúng xính áo dài để chụp những tấm ảnh đẹp mà cả trẻ em, các bà, cô và các… lão ông cũng đến lễ hội với niềm tự hào khi mặc áo dài truyền thống. Cụ Hồ Văn Hồng (65 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) vui vẻ: “Hai ngày diễn ra lễ hội, tôi đều đưa con cháu trong trang phục áo dài đến tham gia. Áo dài thường xuyên đồng hành cùng gia đình tôi, từ hội họp, cưới xin, ma chay… hay những ngày lễ Tết. Hôm nay, nhìn các em thanh thiếu niên mặc trang phục áo dài, tôi rất mừng và tin tưởng rằng thế hệ trẻ sẽ luôn gìn giữ nét đẹp này”.

Tại khu vực tiền sảnh, các em thiếu nhi hăng say thể hiện sự sáng tạo của mình với cuộc thi vẽ áo dài trên giấy. Em Nguyễn Hải Nam (lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) khoe: “Con rất thích vẽ, đặc biệt là vẽ áo dài. Vì vậy, lúc biết về chương trình này, ba mẹ đã đăng ký cho con tham gia. Con mong áo dài có nhiều kiểu dáng hơn, có mặt ở mọi nơi, dù là đi làm hay đi chơi, đi tiệc…”.

Lễ hội còn diễn ra với nhiều hoạt động khác như triển lãm chuyên đề và tọa đàm “Áo dài Việt Nam qua khói lửa chiến tranh”, “Áo dài Việt Nam xưa và nay”, “Triết học âm dương trong áo dài Việt Nam” và tư vấn "Trang phục áo dài đẹp"…

Le hoi Ao dai va hoa: Vang vong nhung du am

Áo dài tiếp thị văn hóa

Điểm nhấn của lễ hội chính là cuộc thi Duyên dáng áo dài, thu hút đông đảo bạn gái trẻ đăng ký. Để chuẩn bị cho phần thi thật hoàn hảo, những ngày qua, nhiều nơi đã khẩn trương tập luyện đi đứng, tập trình diễn áo dài, lựa chọn trang phục… Chị Trần Thị Ngọc Hân - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết: “Vì biết mục đích, ý nghĩa của chương trình nên chị em rất nhiệt tình tham gia. Không chỉ thuê thầy hướng dẫn tập luyện, Huyện Hội còn bố trí xe đưa đón cả cổ động viên. Cả nam lẫn nữ - dù không dự thi nhưng đều chọn áo dài khi đến với lễ hội”.

Từng tiết mục của thí sinh đều được chuẩn bị tỉ mỉ, từ âm nhạc, bối cảnh, minh họa… Những tràng pháo tay không ngớt của khán giả khi thí sinh xuất hiện trong tà áo dài truyền thống, với khăn đóng, nón lá, hoa sen… Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh (Trường Mầm non Rạng Đông 9, Q.6, TP.HCM) chia sẻ: “Các bạn lần đầu tiên dự thi nhưng trông rất chuyên nghiệp, tự tin. Đặc biệt là phần trả lời câu hỏi của ban giám khảo chứng tỏ các bạn có nhiều kiến thức về lịch sử áo dài”.

Tại lễ hội, nhà thiết kế Sỹ Hoàng chia sẻ: “Cần thiết kế nhiều kiểu dáng áo dài khác nhau cho nhiều xu hướng văn hóa khác nhau, nhưng vẫn giữ được tính cách giá trị nhất của nó là nữ tính, dịu dàng. Phải tôn vinh áo dài lên tầm của một biểu tượng văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần là một loại trang phục đẹp để mặc”.

Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM Đinh Thị Bạch Mai nhận định: “Tà áo dài tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, do đó cần có những lễ hội để phụ nữ Việt Nam có thể mặc và tự tin khoe sắc với áo dài truyền thống; nhìn tà áo dài người ta biết đó là người Việt Nam. Ban tổ chức mong muốn lễ hội Áo dài sẽ trở thành sự kiện thường niên, một sản phẩm du lịch mang nét riêng của TP, góp phần đưa hình ảnh tà áo dài Việt Nam trở nên thân thuộc với bạn bè quốc tế”.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, lễ hội Áo dài cũng như các hoạt động phong phú tại lễ hội là những nét chấm phá duyên dáng cho bức tranh đẹp về chiếc áo dài Việt Nam nói riêng và người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ nói chung. Hiệu ứng lan tỏa từ lễ hội còn góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá tinh hoa văn hóa Việt. Qua lễ hội, du khách đến với TP.HCM cảm nhận được rõ nét hơn về một TP.HCM trẻ trung, năng động, hội nhập mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế, nhưng vẫn nổi bật với nét văn hóa riêng của mình.

 Lê Uyên Phương 

Lễ hội Áo dài và hoa do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM, Hội LHPN TP.HCM, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, Thành Đoàn TP.HCM và Công ty Du lịch Phú Thọ phối hợp tổ chức.

Lễ hội thu hút hơn 50.000 lượt người tham gia, hơn 2.000 người đến với lễ hội trong trang phục áo dài.

Giải nhất tập thể thuộc về khối Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, giải nhì: Công viên văn hóa Đầm Sen.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI