Lễ hội Áo dài TPHCM: Lan tỏa ý nghĩa lớn từ những điều nhỏ

04/03/2024 - 07:10

PNO - Sau 9 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài TPHCM đã trở thành một trong những thương hiệu văn hóa, tiêu điểm của thành phố vào tháng Ba hằng năm với sức lan tỏa ngày càng lớn.

Tuổi lên 10

Quy mô lễ hội năm nay được mở rộng với các hoạt động diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Lam Sơn, công viên 23/9, các di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch nổi tiếng… Chuỗi hoạt động tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ kéo dài đến 10 ngày, từ 7-17/3, thay vì chỉ 3 ngày như trước đây.

Có 3 đêm truyền hình trực tiếp trong nước và quốc tế đưa sự kiện đến với đông đảo công chúng. 30 nhà thiết kế (NTK) sẽ giới thiệu 800 thiết kế mới tại lễ hội và 24 đại sứ đồng hành. Đó là những con số ấn tượng nhất trong 10 năm qua.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy giới thiệu bộ sưu tập mới tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy giới thiệu bộ sưu tập mới tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - ẢNH: NGUYỄN QUANG

Ứng dụng công nghệ số đang là một trong những điểm sáng trong quá trình phát triển của TPHCM. Lễ hội áo dài cũng không nằm ngoài xu hướng. Ban tổ chức (BTC) tiếp tục kết hợp với TikTok để lan tỏa hình ảnh các hoạt động. Nền tảng này cũng hướng dẫn, hỗ trợ cho các NTK, thương hiệu live stream, bán hàng. Các nhà sáng tạo nội dung cũng trực tiếp đến showroom, cửa hàng của các NTK, thương hiệu để quảng bá hình ảnh.

Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam - nói: “Tôi tâm đắc với hướng phát triển này. Sẽ có rất nhiều người trẻ quan tâm, tiếp cận được. Chính họ là đối tượng tiếp tục giữ gìn và phát triển lễ hội trong tương lai. Tôi hy vọng những tương tác số này có thể giúp mang họ đến với những giá trị gốc”.

Mỗi người dân là một kênh quảng bá

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết: Thời gian qua, thành phố luôn nỗ lực giới thiệu hình ảnh áo dài, lễ hội đến bạn bè quốc tế. Lễ hội đang phát triển về chiều rộng nhưng BTC cũng đề cao sự phát triển về chiều sâu. Trong đó, việc thụ hưởng, tham gia của người dân là một trong những yếu tố cốt lõi. Những hoạt động không dừng lại ở việc vui chơi, giải trí mà còn có tính nhân văn, hướng đến sự phát triển bền vững.

Mô hình “áo dài 0 đồng” xuất hiện ở nhiều nơi tại TPHCM, mang áo dài đến cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn - ẢNH: MẪN NHI
Mô hình “áo dài 0 đồng” xuất hiện ở nhiều nơi tại TPHCM, mang áo dài đến cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn - ẢNH: MẪN NHI

BTC đã quan sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để đưa vào lễ hội. Chẳng hạn lần này sẽ có không gian trải nghiệm mặc áo dài miễn phí dành cho người dân, du khách. Phố đi bộ Nguyễn Huệ được thiết kế nhiều tiểu cảnh và sàn diễn thời trang đặt tại công viên Lam Sơn… để công chúng có nhiều trải nghiệm hơn ở lễ hội.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động như: chương trình trình diễn áo dài, thi vẽ trên áo dài dành cho trẻ em, tọa đàm về Nét đẹp áo dài Việt và hội nhập quốc tế, cuộc thi Duyên dáng áo dài… và các không gian để du khách tìm hiểu, tương tác.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - chia sẻ: “Áo dài cần được lan tỏa đến mọi người, mọi lứa tuổi, không khoanh vùng. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng, càng lan tỏa nhiều càng tốt”. Qua nhiều mùa tổ chức, hội xác định hoạt động truyền thông là rất quan trọng, lễ hội phải có tính chất cộng đồng, ý nghĩa thiết thực để có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng. Với vai trò đồng tham mưu với Sở Du lịch TPHCM, Hội LHPN TPHCM xác định nữ giới là lực lượng chính. Sức mạnh mềm từ vẻ đẹp của phụ nữ trong tà áo dài sẽ góp phần đưa hình ảnh duyên dáng, nhiều ý nghĩa này đi xa hơn. Thời gian qua, hội đã có nhiều thông tin chia sẻ trên website, mạng xã hội để gửi đến hội viên, người dân cũng như tổ chức các chương trình, hoạt động, các cuộc thi trong khuôn khổ lễ hội để lan tỏa vẻ đẹp, ý nghĩa của áo dài.

Hiện Hội LHPN TPHCM có trên 1 triệu hội viên. Nhiều chị em hội viên hiện nay không chỉ mặc áo dài trong những ngày lễ, tết mà cả khi đi uống cà phê, gặp mặt cũng rủ nhau mặc áo dài chụp hình, chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người ban đầu còn e ngại, nhưng đến nay đã tự tin hơn khi khoe hình ảnh mình trong tà áo dài, mạnh dạn đăng ký tham gia các cuộc thi áo dài online do các cấp hội tổ chức.

Việc may, mua áo dài cho các thành viên trong gia đình vào những dịp tết, lễ hội cho thấy áo dài đang được gìn giữ, truyền qua các thế hệ. Cách đây 2 năm, cuộc thi ảnh áo dài trong các gia đình do hội tổ chức đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Chiếc áo dài cũng gắn với những hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng. Không chỉ riêng trong tháng Ba này - tháng của lễ hội áo dài - việc phát động quyên góp và tặng áo dài, vải may áo dài dành cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nữ công nhân khó khăn mới được thực hiện mà đây đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp hội.

Đặc biệt, từ năm 2023, nhiều chuyến đưa áo dài về vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre đã được thực hiện. Nhiều gian hàng “áo dài 0 đồng” xuất hiện ở các cấp hội, không chỉ dành cho phụ nữ ở TPHCM mà cả ở nhiều tỉnh, thành khác. Mô hình cho thấy việc tận dụng nguồn lực của hội đã phát huy được sức mạnh.

Việc đưa áo dài gắn liền với những câu chuyện nhỏ, đời sống dân sinh đã tạo gốc rễ vững chắc cho lễ hội, tạo sự phát triển tốt hơn trong tương lai. 

Trung Sơn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI