PNO - PN - Lần đầu tiên TP.HCM tổ chức lễ hội áo dài, diễn ra trong hai ngày, 8 và 9/3 tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Lễ hội thu hút sự quan tâm của người dân TP, đặc biệt là phụ nữ.
edf40wrjww2tblPage:Content
Sôi nổi các cấp Hội
Khi kế hoạch của Hội LHPN TP vừa phổ biến đến các quận, huyện Hội, từng cơ sở Hội đã bắt tay ngay vào việc tổ chức đội hình. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các “thí sinh” của Hội LHPN Q.3 đã khẩn trương tập trung tại trường ĐH Sân khấu điện ảnh, tập đi đứng, cách tạo dáng nhằm tôn vẻ đẹp của trang phục áo dài. Riêng đội hình thi tập thể thì khẩn trương tập hát, múa để minh họa cho phần thi. Nét phấn khởi, hào hứng hiện rõ trên khuôn mặt từng chị em. Chị Đặng Thị Bích Trâm (26 tuổi, HV PN P.7) với chiều cao 1m71, thật duyên dáng trong chiếc áo dài công sở, bộc bạch: “Trang phục tôi thích nhất là áo dài. Áo dài giúp tôi quyến rũ hơn, đằm thắm hơn nhưng đồng thời cũng làm bật lên sự năng động, bản lĩnh của người PN hiện đại. Tôi mong áo dài sẽ luôn là trang phục lựa chọn ưu tiên của các bạn gái trong mọi trường hợp, chứ không chỉ “có mặt” trong các buổi họp cơ quan hay những dịp lễ tết trang trọng”.
Tại Hội LHPN Q.Tân Bình, mấy ngày qua, chủ đề sôi nổi nhất của chị em HV PN đều xoay quanh ngày hội áo dài. Chị Phạm Thị Thành - Phó chủ tịch Hội LHPN quận cởi mở: “Vừa nhận được chỉ đạo của Thành Hội, Quận Hội đã lên danh sách thí sinh dự thi, chọn trang phục, kịch bản; chọn đạo diễn tập luyện cho chị em. 15 phường đều có HV tham gia thi. Theo tôi, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thu hút sự quan tâm của chị em”.
Sở dĩ Hội PN cơ sở có ngay đội hình hưởng ứng ngày hội vì năm nào trong hệ thống Hội cũng tổ chức ngày hội duyên dáng HV PN. Trong đó, phần trình diễn áo dài đóng vai trò chủ đạo. Các dịp tổ chức thường tập trung vào ngày 8/3, 20/10, Tết Nguyên đán… Chị Nguyễn Thị Thanh Loan - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.3 tâm tình: “Tôi nghĩ, nếu Thành Hội không phát động phong trào ở các cấp Hội cơ sở thì từng cơ sở Hội cũng sẽ chủ động kêu gọi chị em HV PN trên địa bàn hưởng ứng ngày hội tôn vinh áo dài”.
Không khí tập luyện sôi nổi ở các vùng ngoại thành Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi… cũng đang tăng nhiệt. Bên cạnh đó, địa phương còn lên phương án thuê xe đưa đón thí sinh trong các ngày diễn ra lễ hội. Chị Nguyễn Thị Út - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nhà Bè bày tỏ: “Cán bộ, thường trực Hội PN, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đều tham gia ngày hội. Tuy nhiên, Huyện Hội đang gặp khó khăn về kinh phí đi lại. Nếu Hội LHPN TP và các ban ngành có thêm khoản hỗ trợ thí sinh vùng sâu, vùng xa thì có lẽ phong trào sẽ sôi động hơn, thu hút chị em tham gia đông hơn”.
Mong áo dài “bay xa”
Cô giáo trẻ Đoàn Hồng Hải Ngọc Kim Lân (22 tuổi), Trường mầm non Rạng Đông 9 (Q.6, TP.HCM) bộc bạch: “Mình rất vui khi tham gia. Mình mong sẽ góp một phần trong việc quảng bá, giới thiệu tà áo dài Việt với đông đảo bạn bè, du khách tham gia trong ngày hội”.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng - thành viên ban cố vấn nghệ thuật lễ hội áo dài chia sẻ: “Áo dài là một “tín hiệu nhận biết”, một “đặc sản” của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Ngày hội áo dài không chỉ có ý nghĩa khôi phục nét đẹp truyền thống mà còn có giá trị về giáo dục, văn hóa”.
Lễ hội áo dài TP.HCM được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của PN VN, là dịp giới thiệu đến du khách, công chúng hình ảnh áo dài VN qua từng thời kỳ theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc VN. Bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP - Phó ban tổ chức, cho biết: “Bản thân tôi rất thích mặc áo dài, chiếc áo giúp tôi cảm thấy mình tự tin hơn, nhất là trong hoạt động giao tiếp. Khi tiếp khách nước ngoài, trang phục áo dài trong mắt bạn bè quốc tế không chỉ đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa, gắn bó với hình ảnh truyền thống của dân tộc VN. Tôi hy vọng chiếc áo dài không chỉ là trang phục mặc rất đẹp đối với PN mà còn phù hợp với cả nam giới trong những sự kiện quan trọng”.
Lê Uyên Phương
Nhiều hoạt động trong lễ hội áo dài
Với chủ đề Áo dài và hoa, Ngày hội áo dài sẽ diễn ra với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm và biểu diễn thời trang áo dài, hội thi duyên dáng áo dài, bình chọn ảnh đẹp áo dài, xác lập kỷ lục số người trong trang phục áo dài tham gia lễ hội, trình diễn ca nhạc, tọa đàm chuyên đề Áo dài VN qua khói lửa chiến tranh…
Đặc biệt, khách đến với lễ hội trong trang phục áo dài sẽ được miễn phí vé vào cổng, được giảm 50% giá vé trọn gói tham gia tất cả trò chơi trong Đầm Sen, giảm 20% giá khi mua sản phẩm tại lễ hội. Khách nữ mặc áo dài được các nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp ảnh và bình chọn du khách mặc áo dài đẹp nhất; các em thiếu nhi được tham gia hội thi vẽ áo dài trên giấy, xem các vở kịch thiếu nhi yêu thích.
Nội dung thi Duyên dáng áo dài chia làm hai bảng:
Bảng A: Dành cho tập thể, không giới hạn độ tuổi. Mỗi đơn vị chọn từ 5 - 10 thí sinh, dàn dựng một tiết mục biểu diễn trang phục áo dài nữ trên sân khấu với thời lượng năm phút. Nội dung: thể hiện vẻ đẹp duyên dáng, tinh tế của tà áo dài, tôn vinh ý nghĩa truyền thống của tà áo dài VN.
Bảng B: Dành cho cá nhân, nữ từ 18 - 35 tuổi, cao từ 1m55 trở lên, biểu diễn trang phục áo dài công sở và áo dài lễ hội. Thí sinh sẽ trả lời câu hỏi từ ban giám khảo.
Giải thưởng: nhất bảng A: trị giá sáu triệu đồng, nhất bảng B: hai triệu đồng và các voucher tour du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, cuộc thi còn trao giải nhì, ba và khuyến khích cho mỗi bảng. Tổng giá trị giải thưởng cho hai bảng là 34,5 triệu đồng.
Đơn vị đăng ký dự thi gửi danh sách về Sở VH-TT-DL, Thành Đoàn, Hội LHPN TP, đến hết ngày 3/3/2014.
Cụ thể, Sở VH-TT-DL: hồ sơ dự thi gửi ông Huỳnh Văn Sơn, 140 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3; Hội LHPN TP, 32 Trần Quốc Thảo, Q.3: ĐT: 39349666 (EXT:11); Ban Công nhân lao động Thành Đoàn: phòng A8, số 1 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1.
Ban giám khảo dự kiến: bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP, bà Đặng Hồng Linh - Trưởng phòng Văn hóa gia đình (Sở VH-TT-DL), lãnh đạo Thành Đoàn TP.HCM, nhà thiết kế Sỹ Hoàng, ông Lê Nguyên Đạt - ThS Nghệ thuật - Trưởng khoa Dân tộc Trường SKĐA TP.HCM.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.