Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020: Trọng trách nhiều hơn trong mùa COVID-19

09/10/2020 - 06:30

PNO - Một trong những điểm mới của Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020 (diễn ra từ ngày 11/10 tới cuối tháng 11) là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trực tuyến trong nhiều hoạt động, tránh tụ tập đông người.

Đêm khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên HTV và phát lại trên mạng xã hội để khán giả tiện theo dõi. 
Cuộc thi Tôi yêu áo dài Việt Nam cũng sẽ được tổ chức trực tuyến vào tháng 11. Theo đó, ban tổ chức (BTC) sẽ đưa ra video mẫu, có sự xuất hiện của hoa hậu Khánh Vân và ca sĩ Kyo York giới thiệu thí sinh, trên phông nền là những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Thí sinh có quyền chọn phông nền, sau đó thực hiện video với trang phục áo dài gửi về BTC.

BTC cho rằng việc này sẽ giúp lễ hội áo dài có ý nghĩa hơn, không chỉ riêng khu vực TP.HCM mà với nhiều điểm đến khác tại Việt Nam. BTC kỳ vọng sẽ nhận được khoảng 10.000 video với đối tượng thí sinh đa dạng: người Việt Nam sinh sống, làm việc trên toàn thế giới và cả người nước ngoài.

Các đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020 (từ trái sang): ca sĩ Kyo York, hoa hậu Khánh Vân, MC Quỳnh Hoa và Phan Thanh Phong - giải nhất Duyên dáng áo dài 2019
Các đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM 2020 (từ trái sang): ca sĩ Kyo York, hoa hậu Khánh Vân, MC Quỳnh Hoa và Phan Thanh Phong - giải nhất Duyên dáng áo dài 2019

Do ảnh hưởng bởi COVID-19, lễ hội phải lùi thời gian tổ chức đến tháng Mười năm nay, thay vì tháng Ba như sáu lần trước đó. Những năm trước, đêm khai mạc và nhiều hoạt động thường được tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, thu hút hàng ngàn khán giả tham gia. Năm nay, đêm khai mạc được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM (nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, Q.1) với không gian nhỏ gọn hơn. Sẽ có 15 bộ sưu tập được trình diễn với khoảng 300 thiết kế. BTC cho biết địa điểm này được chọn nhằm kiểm soát số lượng người ra vào, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Quy mô những sự kiện năm nay của lễ hội áo dài nhìn chung sẽ nhỏ hơn những năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, BTC đang mang một kỳ vọng lớn hơn cho sự kiện này: Lễ hội Áo dài TP.HCM sẽ là sự kiện mở đầu cho chiến dịch truyền thông Hello Ho Chi Minh City để kích cầu du lịch sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: “Lễ hội Áo dài năm nay sẽ đẩy mạnh truyền thông trong nước và đánh mạnh vào truyền thông quốc tế. Thông qua đó, nhắc nhớ thương hiệu du lịch TP.HCM, sẽ đón được top đầu du khách quốc tế trở lại Việt Nam khi tình hình dịch đã kiểm soát tốt trong thời gian tới”. Cụ thể, Sở Du lịch phối hợp với Google, Le Bros, và Vietnam Airlines để quảng bá trên các chuyến bay. BBC Global cũng hỗ trợ chạy banner quảng cáo cho chiến dịch Hello Ho Chi Minh City mà lễ hội áo dài là sự kiện khởi đầu, đến với 12 thị trường trên thế giới. 

Một số hoạt động khác của lễ hội năm nay được tổ chức tại Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bưu điện thành phố... cũng được BTC kỳ vọng sẽ gắn hình ảnh áo dài với điểm đến, nhằm đẩy mạnh du lịch. Thực tế, lễ hội áo dài trong những năm qua đã đặt mục tiêu góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch tại TP.HCM với chuỗi sự kiện thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham dự và nhiều hình ảnh đẹp được quảng bá. Năm nay, lễ hội dường như đang gánh một trọng trách nặng nề hơn.

NTK Tuấn Hải

Phát triển lễ hội thông qua con đường trực tuyến kết hợp với các hoạt động trực tiếp thể hiện sự thích nghi linh hoạt của lễ hội. Tuy nhiên, đây sẽ là thử thách không nhỏ với BTC để thu hút sự chú ý của người dân giữa môi trường mạng với lượng thông tin đa dạng, phong phú.

Trong khi đó, sự kiện chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Điều này đòi hỏi lễ hội phải có hình thức bắt mắt, nội dung thú vị, và cũng cần phải hợp xu hướng. Ngoài ra, việc tổ chức hạn chế lượng người tham gia so với các năm trước cũng đòi hỏi BTC nỗ lực lan tỏa thông tin lễ hội đến với người dân.

Tất nhiên, sức sống của áo dài rõ ràng không chỉ qua một kỳ lễ hội. Ngành du lịch cũng không thể vực dậy hoặc được đánh bóng sau một sự kiện, hơn hết cần sự chung tay của nhiều đơn vị liên quan, chuẩn bị tốt giải quyết rốt ráo những vấn đề tồn đọng để hình ảnh du lịch Việt Nam thực sự thu hút du khách. Lễ hội áo dài chỉ là một trong những cầu nối để thực hiện mục tiêu đó.

Hơn nữa, kỳ vọng và thực tế luôn có khoảng cách, điều BTC cần là rút ngắn khoảng cách này. 

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI