Lê Hòa và ước mơ lan tỏa tình yêu với ẩm thực Việt

06/07/2024 - 19:35

PNO - Anh Lê Hòa nhớ mãi những gương mặt ửng hồng, đẫm mồ hôi của đoàn khách quốc tế sau khi đi chợ truyền thống tại TPHCM. Mặc trời nóng bức, tất cả đều thích thú vì được trải nghiệm thực tế, hiểu hơn về văn hóa, ẩm thực của người Việt

Tình yêu với ẩm thực Việt

Từ Phú Yên, Lê Hòa (sinh năm 1988) xuôi về phương Nam học tập, lập nghiệp. Trong thời gian theo học ngành thiết kế nội thất tại Trường đại học Văn Lang, anh đi làm thêm để có tiền trang trải.

Vốn thích công việc bếp núc, Lê Hòa xin vào làm ở bếp nấu tiệc cưới của nhà thờ. Gắn bó trong vài năm, anh càng thấy ngành ẩm thực cho anh cảm giác được sống là chính mình. Sau khi tốt nghiệp, ban đầu, anh Lê Hòa vẫn làm việc theo đúng ngành học rồi kinh doanh thêm những món ngon từ quê nhà Phú Yên. Khi có thời gian, anh tham gia những chuyến từ thiện.

Anh Lê Hòa  và nghệ nhân  Đỗ Thị Phương Nhi  ở lớp bánh dân gian  xứ Huế - Ảnh do  nhân vật cung cấp
Anh Lê Hòa và nghệ nhân Đỗ Thị Phương Nhi ở lớp bánh dân gian xứ Huế - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Trong những chuyến thiện nguyện ấy, có một số người nước ngoài cùng tham gia. Khi thấy tôi nấu ăn, thường là nấu món chay, họ đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi. Chẳng hạn vì sao người Việt lại có nhiều loại xúp đến vậy, vì sao lại ăn đa dạng rau, phải kết hợp những nguyên liệu đó lại với nhau trong cùng một món? Sau khi nghe tôi giải thích đầy đủ, họ cảm thấy rất tâm đắc với ẩm thực Việt. Tôi chợt nghĩ, à thì ra, người nước ngoài có nhu cầu học hỏi, tìm tòi những món ăn ngon và các câu chuyện liên quan đến văn hóa” - Lê Hòa chia sẻ.

Một thời gian sau, anh đã thành lập M.O.M Cooking Class với ước mơ lan tỏa ẩm thực Việt. Để trang bị kiến thức, ngoài việc tìm đọc nhiều sách, Lê Hòa tham gia các lớp dạy nấu ăn cả trong và ngoài nước. Khi bản thân đủ lực, anh tìm kiếm thêm những cộng sự trẻ và tiếp tục đào tạo họ trở thành các “đại sứ” vững kiến thức về ẩm thực Việt, yêu văn hóa Việt và muốn cùng anh lan tỏa tình yêu ấy.

M.O.M Cooking Class của anh không chỉ hướng dẫn du khách nấu ăn, kể những câu chuyện trên bàn ăn mà còn đưa du khách đến các chợ truyền thống, trải nghiệm tự mua rau, củ và các nguyên liệu tươi ngon. “Nhiều khách nói họ thích cảm giác đi chợ Việt, thích nghe tiếng còi xe, âm thanh của phố phường. Không khí đời sống náo nhiệt cho họ những trải nghiệm tươi mới, ấn tượng hơn khi đến Việt Nam du lịch” - Lê Hòa nói.

Vững tin vào lựa chọn

M.O.M Cooking Class đi vào hoạt động từ năm 2017. Khi mô hình bắt đầu vận hành nhịp nhàng thì dịch COVID-19 ập đến. Lê Hòa và các cộng sự đối mặt nhiều khó khăn vì công việc bị ngưng trệ, hoàn toàn không có khách du lịch. Loay hoay tìm cách thích nghi, anh đẩy mạnh mô hình bán những món ngon nhà làm, từ nguyên liệu cho đến thành phẩm. Dịch bệnh là lúc nhiều cá nhân, doanh nghiệp gặp khó. Giai đoạn này thách thức khả năng “sinh tồn”, ứng biến linh hoạt trước những thay đổi khắc nghiệt. Tuy nhiên, Lê Hòa không xem đây là giai đoạn khó khăn nhất mà đến khi dịch qua đi, thử thách mới thật sự bắt đầu.

Khách du lịch trải nghiệm thưởng thức món ngon tại chợ Việt. Ảnh: NVCC.
Khách du lịch trải nghiệm thưởng thức món ngon tại chợ Việt. Ảnh: NVCC.

“Trong dịch, mô hình bán những món ngon quê nhà của tôi khá ổn. Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng khi dịch qua đi, tôi không biết mình sẽ tiếp tục mở lớp dạy nấu ăn hay mở rộng hơn mô hình. Tôi ấp ủ nhiều dự định với ẩm thực nên suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Nếu mở rộng thì đội ngũ nhân sự, kinh phí, ý tưởng, chất lượng dịch vụ đều phải được đảm bảo. Còn nếu chỉ mở lớp như cũ, sẽ an toàn nhưng không nhiều mới mẻ. Sau cùng, tôi quyết định giữ mô hình dạy nấu ăn cho khách quốc tế và phát triển thêm mô hình hướng dẫn những lớp làm bánh Nhật cho người Việt. Từng bước sẽ tiếp tục mở rộng chủ đề lớp dạy” - Lê Hòa chia sẻ.

Hiện đội ngũ đứng lớp đều là những người trẻ, được đào tạo trong hơn 2 năm. Họ được học từ các chuyên gia ẩm thực, những nghệ nhân với hàng chục năm nghiên cứu, tìm tòi cách lưu giữ hương vị món ngon. Lê Hòa cũng tham gia những lớp học quốc tế để liên tục trau dồi trình độ. Tháng 5/2024, M.O.M Cooking Class được chọn đồng hành cùng Trung tâm Xúc tiến du lịch TPHCM trong chương trình Roadshow 2024 tại Sydney và Melbourne, Úc. Trong chuyến đi, những câu chuyện về ẩm thực Việt đã được gửi tới bạn bè quốc tế cùng một số món ăn truyền thống của Việt Nam.

Từ chuyến đi này, Lê Hòa có thêm niềm tin vào mô hình mà mình đang vận hành. Anh tin ẩm thực sẽ là cầu nối để mọi người hiểu thêm về văn hóa, truyền thống của các quốc gia. Những vị khách người Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines, Mỹ và các nước châu Âu sau khi tham gia lớp hướng dẫn món Việt đã hiểu vì sao người Việt ăn nhiều cơm, nhiều rau, vì sao phải đủ món mặn, món canh trong bữa cơm nhà... Cũng từ những lớp học này, các món bánh dân gian hay món ngon gần như chỉ còn lưu dấu trong ký ức của mọi người đã dần được khôi phục, lan tỏa bởi những người trẻ yêu ẩm thực, văn hóa Việt Nam.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI