Lễ giỗ Tổ sân khấu: Nét đẹp văn hóa cần giữ gìn và phát huy

08/09/2022 - 19:36

PNO - Lễ giỗ Tổ sân khấu làm nức lòng giới làm nghề, cổ vũ công cuộc xây dựng nền văn hóa - nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Giới nghệ sĩ thành tâm hướng về Tổ nghiệp, nhớ về các bậc tiền bối góp công xây dựng nền sân khấu trong ngày giỗ Tổ.
Giới nghệ sĩ thành tâm hướng về Tổ nghiệp, nhớ về các bậc tiền bối góp công xây dựng nền sân khấu trong ngày giỗ Tổ

Hướng đến ngày hội văn hóa cộng đồng

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, những năm qua, TP rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng những giá trị tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân, phục vụ tốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Trong đó, nghệ thuật sân khấu đã thể hiện diện mạo đa dạng và sức sống mạnh mẽ kể cả trong điều kiện có nhiều thử thách, khó khăn nhất. Lễ giỗ Tổ và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam cũng nhằm tri ân các nghệ sĩ cao niên có nhiều đóng góp và động viên các nghệ sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, bày tỏ sự quan tâm, sẻ chia của các cấp lãnh đạo và các cơ quan, ban ngành đối với sự cống hiến của các văn nghệ sĩ.

Trên tinh thần đó, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM mong muốn duy trì hoạt động kỷ niệm và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc từ lễ hội ý nghĩa này.

Không chỉ có các nghệ sĩ cải lương, hát bội, những năm qua, các diễn viên kịch, ca sĩ, người mẫu, MC... cũng hào hứng đón giỗ Tổ sân khấu.
Không chỉ có các nghệ sĩ cải lương, hát bội, những năm qua, các diễn viên kịch, ca sĩ, người mẫu, MC... cũng hào hứng đón giỗ Tổ sân khấu

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, từ năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày giỗ Tổ sân khấu là Ngày Sân khấu Việt Nam thì đây đã trở thành ngày hội chung của toàn ngành nghệ thuật biểu diễn. Không còn là tập tục mang tính chất tâm linh, tổ chức nội bộ ở các đoàn hát truyền thống như hát bội, cải lương nữa mà lan rộng ra cả kịch sĩ, diễn viên điện ảnh, xiếc, ảo thuật, ca sĩ, người mẫu… Lần này, việc các cơ quan quản lý cùng chính quyền TP chính thức tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam là vinh dự và niềm vui lớn với người làm nghề, khẳng định các giá trị sâu sắc của ngày giỗ Tổ trong đời sống văn hóa - nghệ thuật nước nhà.

Với việc tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam 2022, lãnh đạo TPHCM thể hiện sự quan tâm cụ thể đối với người nghệ sĩ và đời sống văn hóa nghệ thuật TP.
Với việc tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam 2022 và tôn vinh các nghệ sĩ nhiều cống hiến, lãnh đạo TPHCM thể hiện sự quan tâm cụ thể đối với người nghệ sĩ và đời sống văn hóa nghệ thuật TP

NSƯT Lê Thiện cũng đánh giá cao việc TPHCM tổ chức lễ giỗ Tổ chung cho giới nghệ thuật TP. “Lần đầu tổ chức nhưng chương trình với đầy đủ nghi thức trang trọng, lại nhớ đến và tôn vinh những nghệ sĩ lão thành, có nhiều cống hiến thực sự làm tôi xúc động. Việc có một chương trình kỷ niệm tụ hội, tôn vinh đầy đủ các loại hình nghệ thuật biểu diễn từ truyền thống đến đương đại như thế này thì thật ý nghĩa”, NSƯT Lê Thiện chia sẻ.

TPHCM tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và giỗ Tổ sân khấu với đầy đủ nghi thức trang trọng.
TPHCM tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam 2022 và giỗ Tổ sân khấu với đầy đủ nghi thức trang trọng

Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết, anh từng đề xuất việc phát triển lễ giỗ Tổ sân khấu tại TPHCM thành lễ hội văn hóa đặc trưng của TPHCM tại một hội thảo của ngành văn hóa.

“Thực tế, giỗ Tổ sân khấu hàng năm tại TPHCM đã trở thành nét văn hóa rất đặc sắc. Đâu chỉ có người làm nghề đi cúng Tổ mà cả khán giả, người dân cũng đến các nhà hát đốt nhang, chung vui cùng nghệ sĩ, hoặc chỉ đơn thuần là muốn gặp mặt nghệ sĩ. Những ngày này, trụ sở các đơn vị nghệ thuật đều tấp nập, kể cả tư nhân lẫn công lập. TPHCM là nơi có nhiều đơn vị nghệ thuật hoạt động nhất, lượng khán giả xem nghệ thuật cũng nhiều nhất nước, lễ giỗ Tổ sân khấu là dịp để tri ân, kết nối khán giả, để khán giả đến gần và hiểu thêm giá trị nghệ thuật, từ đó tiếp tục mua vé nuôi sân khấu”, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.

Lan tỏa giá trị tích cực

Theo NSƯT Quế Trân, Ngày giỗ Tổ sân khấu đã được Nhà nước công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam, việc quảng bá để thêm nhiều người biết, cùng chia sẻ niềm vui chung với người nghệ sĩ là điều cần thiết và ý nghĩa đối với việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.

“Tham gia chương trình kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam, thấy ai cũng xiêm áo chỉnh tề một lòng thành kính hướng về Tổ nghiệp, nhớ về các bậc tiền bối đã góp công gầy dựng nền sân khấu, tôi cảm thấy thiêng liêng và trân trọng lắm. Càng ý nghĩa hơn khi chương trình tổ chức tri ân các thế hệ nghệ sĩ lão thành, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc”, NSƯT Quế Trân nói. 

Tri ân các thế hệ nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp là nét đẹp cần phát huy ở ngày giỗ Tổ sân khấu.
Tri ân các thế hệ nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp là nét đẹp cần phát huy ở ngày giỗ Tổ sân khấu

Ca sĩ Quốc Đại cho rằng, giỗ Tổ là dịp để thế hệ trẻ soi chiếu lại chính mình: “Cùng nhìn lại xem mình đã làm đúng những gì thế hệ đi trước truyền lại chưa, phát huy được các giá trị mà những người mở đường gửi gắm lại chưa…”. Theo ca sĩ Quốc Đại, tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn vẫn là những giá trị cốt lõi cần phát huy và lan tỏa từ lễ giỗ Tổ sân khấu.

NSƯT Ca Lê Hồng và đạo diễn Hoàng Duẩn cho rằng lan tỏa giá trị văn hóa của lễ giỗ Tổ sân khấu đến công chúng là phương thức hiệu quả để giữ gìn bản sắc cũng như phát huy sức mạnh văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới. Cụ thể, thông qua lễ giỗ Tổ có thể đẩy mạnh quảng bá, tôn vinh các loại hình nghệ thuật cũng như các giá trị thẩm mỹ phù hợp.

Thông qua lễ giỗ Tổ có thể đẩy mạnh quảng bá
Thông qua lễ giỗ Tổ có thể đẩy mạnh quảng bá các loại hình nghệ thuật dân tộc và định hướng các giá trị thẩm mỹ tiến bộ

“Đặc biệt, cần lan tỏa thông điệp nghệ thuật phải được phát triển mạnh mẽ và chân chính. Người nghệ sĩ phải được tôn trọng, trước hết là phát huy tinh thần tôn sư trọng đạo. Đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn kết nghệ sĩ - khán giả. Khán giả tôn trọng sáng tạo của nghệ sĩ và nghệ sĩ tôn trọng khán giả, trân quý đóng góp của khán giả”, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ về giá trị giao thoa, kết nối giữa nghệ sĩ với công chúng, những người “nuôi” nghệ thuật.

Đây chính là giá trị cốt lõi và được lưu giữ bao thế hệ qua lễ giỗ Tổ sân khấu, như khẳng định của NSND Trần Ngọc Giàu: “Thờ Tam vị Thánh Tổ theo huyền tích là thờ khán giả, sân khấu không tồn tại nếu không có khán giả!”.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI