Dì Lê Thị Nhã vừa xuống xe đã thẫn thờ nhìn quanh, rồi cười buồn: “Bưng Láng Sấu giờ đông đúc, giống cái ấp chiến lược hồi xưa quá hè?”. Nói tới ngay cái chữ “đông vui”, giọng dì ngập ngừng. Nước mắt lăn dài trên gương mặt già nua như đang nhăn nheo và khắc khổ hơn trước cơn nắng chói chang giữa trưa tháng Sáu. Dì Lê Thị Khuynh đang lặng người đứng đó, cũng cất tiếng: “Nhìn vầy mà biểu kể chuyện xưa… Người ta nghe chắc tưởng mình xạo”.
Nói rồi, dì quay sang lớp trẻ đang đứng đó, chỉ khắp một khoảng rộng trước mặt: “Hết khu này hồi đó là bưng Láng Sấu đó con. Nói bây không tin chớ hồi đó cái “khu tử địa” này vắng tanh. 32 nữ dân công đang được thờ ngoài miễu là hy sinh chỗ này. Bữa đó, nếu không có pháo sáng chói trời, súng nổ điếc tai thì người chết trôi bưng mấy ngày cũng không ai biết”.
|
Bà Lê Thị Nhã (bìa trái) vội vã quay đi khi trót nhắc một chi tiết cũ khiến bà Khỏi rơi nước mắt |
“Chuyện đùa” năm xưa
Câu chuyện thỉnh thoảng lại tiếp tục bằng cái câu “nói bây không tin”, vì “chuyện kinh khủng quá”, mà bưng Láng Sấu thì giờ đã khác rồi. Từ chỗ cái bưng hiện tại, đi vòng qua mấy khu dân cư mới đến “miễu thờ 32 nữ dân công”. Mà ngay cả cái tên “miễu thờ” giờ cũng đã cũ. Từ sau ngày giải phóng, cái miễu thờ lụp xụp được thành phố xây thành khu di tích, rộng rãi, khang trang. Khu di tích Nữ Dân Công Hỏa Tuyến bây giờ là “dấu mốc” chỉ cái mép bưng cũ. Còn con đường mang tên Nữ Dân Công chính là con đường trâu sụp xưa kia, nối bưng Láng Sấu tử địa với đường ấp chiến lược.
Tên tuổi, đường sá, bưng biền… đổi khác, nhập nhằng. Nhưng chuyện cũ vẫn còn y nguyên trong lòng người sống.
Đêm đó, theo phân công, bà Lê Thị Nhã đi cùng hai cô hàng xóm, nhập đoàn dân công hơn 50 người đi tải thương từ ngã tư Tân Hoà (xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh) vượt cánh đồng dứa, bưng Láng Sấu (xã Vĩnh Lộc) xuống Đức Hòa (Long An) và tải súng, đạn về lại. Đi ngang đường trâu sụp, thấy máy bay lượn dưới giồng, cả đoàn được lệnh dừng lại. Đoàn máy bay lượn đi. Đoàn người di chuyển tiếp đến bưng Láng Sấu thì máy bay bất ngờ lượn ngược xuống, chao đảo trên đầu.
Cả đoàn dân công thả thương binh trên ghe, lấy rơm che lại, rồi đồng loạt hụp xuống nước, bám lấy bụi dứa để giữ mình khỏi nổi. Đèn trực thăng sáng chói. Ở mấy chỗ không người, nước trong veo dưới ánh đèn, đến con cá cũng thấy. Còn quanh bụi dứa, người chạy đạn quẫy nước đục ngầu. Đạn cứ thế mà vãi xuống. Hết một loạt đạn, tiếng người ú ớ, la hét thất thanh. Người còn sống ôm nhau, chụp lấy bụi dứa, nhấn mình sâu hơn vào giữa lùm gai lá. Đạn vãi xuống một đợt nữa. Người lại quẫy đạp, nổi lên.
Trong tiếng kêu la hoảng loạn, thấy Châu - cô em họ - đang quờ quạng tìm chỗ nấp, dì Nhã gọi: “Lên bờ, chạy về đi Châu”. Chưa kịp cầm lấy tay Châu, Nhã đã nghe đạn rải xuống như mưa. Cả vùng bưng im lìm. Người đang ôm nhau cũng rời ra, rồi chìm mất. Một vài bóng người loạng choạng chạy đi trên mé bưng. Đạn cứ thế dội xuống thêm bao nhiêu lần không thể đếm nổi. Cho đến khi sự im lặng đã chồng chất nhiều tầng trên bưng sau từng loạt đạn, mấy chiếc trực thăng mới gào rú bỏ đi. Bà Nhã lội lên bờ, chạy về ấp chiến lược. Sau lưng là cái bưng lênh láng máu, cùng mấy tiếng vẫy vùng vô vọng.
Bà về đến điểm tập trung thì trời đã gần sáng. Thấy thương binh đã được tập kết sẵn, bà Nhã chạy thẳng về nhà. Vừa thay bộ quần áo đặng kịp ra ruộng mà che mắt lính gác, bà Nhã đã nghe dì ruột hỏi: “Con Châu đâu?”. Bà Nhã lắc đầu. Hai chị em bạn dì cùng đi làm nữ dân công mấy tháng trời vừa lạc nhau ở bưng Láng Sấu. Đến sáng, khi người ta chở người chết từ ngoài bưng về, để đầy ngoài cổng ấp chiến lược, cả Nhã cùng người dì ruột mới biết: Châu đã hy sinh.
Nghe đâu, trong mấy mươi xác người được đưa về ấp, còn thiếu mấy người cùng “mất tích” đêm 15/6, nhưng không thấy xác. Những người biết bà Nhã có đi làm dân công cứ kín đáo hỏi chuyện, bà chỉ lắc đầu. Đến khi bị truy hỏi ráo riết, bà bàng hoàng bật khóc. Đôi tai gần như bị điếc sau cái đêm kinh hoàng càng khiến bà sống lặng lẽ. Kể ra thì sợ địch truy bắt, sợ người thân “không tin”, đến khi giải phóng, đồng đội cũ không phải giấu giếm thân phận mà cùng nhắc lại chuyện cũ, bà mới thoát khỏi trầm uất, đôi tai cũng “hết bệnh” theo.
Nỗi nhớ không nguôi
|
Con đường Nữ Dân Công lận đận qua bao lần sữa chữa |
Vừa đến ngồi cùng bà Ba Trang (mật danh của bà Lê Thị Khuynh) và bà Nhã, bà Nguyễn Thị Khỏi đã khẩn khoản nói: “Con Vui chết rồi, bà biết chưa?”. Hai nữ đồng đội sững sờ. Bà Ba Trang chậc lưỡi: “Mấy năm nay năm nào cũng có đứa chết. Riết rồi, đám mình chỉ còn trong… cái di tích, với trong cái tên của con đường trâu sụp hồi xưa”.
“Cái miễu” đầu tiên thờ 32 nữ liệt sĩ được lén xây ngay trong những ngày tang thương ngút trời ấy. Hồi đó, không ai dám nhận mình là người thân của các dân công vừa hy sinh. Mọi cuộc mai táng đều diễn ra âm thầm. Cái miễu đầu tiên được người thân của các liệt sĩ âm thầm xây lên trong ấp chiến lược, rồi đưa ra ngay sát mé bưng, kín đáo dựng bên trong lùm cây. Mỗi ngày, người còn lại lén lút đến hương khói, rồi cứ giáp năm lại kín đáo giỗ chạp.
Đám giỗ “công khai” đầu tiên diễn ra 7 năm sau đó, ngay sau ngày giải phóng. Lặng lẽ viếng bạn mỗi ngày, rồi âm thầm tề tựu cúng giỗ mỗi năm, đến ngày đất nước thống nhất, được đại diện thành phố báo tin sẽ làm con đường trâu sụp khang trang, xây dựng di tích để tưởng nhớ các nữ dân công hỏa tuyến, bà Khỏi cùng đồng đội mới thở phào.
Nhưng, con đường đất dẫn vào khu di tích hồi đó quanh co, ổ voi loang lổ. Thuở còn chiến tranh, trong bưng không có người ở, con đường hầu như chỉ dành để dắt trâu, bò vào ruộng. Sau giải phóng, dân cư chuyển đến ở rải rác hai bên đường, tạo nên một khu dân cư suốt trục đường trâu sụp. Dự án đường Nữ Dân Công vì vướng nhà dân nên không thể triển khai.
Dân không chịu nhường đất. Khu di tích đã xây mới khang trang mà đường vào gập ghềnh, trắc trở. Tình thế cấp bách, con đường Nữ Dân Công được xây lên trong quỹ đất hạn hẹp, không đủ làm cống thoát nước. Được vài năm, con đường lại nổi tiếng khắp mặt báo vì “ổ gà, ổ voi chi chít”. Cứ đến giờ thủy triều lên, nước ngập lênh láng, con đường bị hư hại từng ngày.
Đạp xe vào hương khói cho đồng đội mỗi ngày, nếm trải hết cái cách biệt nọ, bà Khỏi cùng các đồng đội còn sống đích thân nhận nhiệm vụ vận động người dân nhường đất để làm hệ thống thoát nước cho con đường. Từ đó, suốt ba tháng trời, người nữ đồng đội ấy lại đi từng nhà, đem ký ức kinh hoàng của con đường lẫn cái bưng Láng Sấu ở cuối đường kể cho dân nghe. Người dân động lòng, nhường đất. Dân “chịu” tới đâu, đường được làm lại đến đó.
Xe ngang qua một đoạn đường gập ghềnh gần khu tưởng niệm Dân Công Hỏa Tuyến, bà Khỏi lay lay tay bà Ba Trang: “Hồi xưa chỗ này là cái mương, nhớ không? Giờ thấy đường xấu thì chê chớ hồi đó đâu có được đi trên đường. Cứ kênh mương mà lội, cứ bụi rậm mà bươn”. Bà ba Trang lắc đầu: “Giờ chỗ nào cũng khác, chuyện hồi đó cái nhớ, cái quên. Riết rồi kể chuyện ở Vĩnh Lộc mà như ở đâu đâu…”.
Câu chuyện nhớ nhớ quên quên đó tạm dừng khi xe đi đến cuối con đường, dừng trước khu di tích. Khu di tích rộng rãi đang rộn ràng những người trẻ tất bật chuẩn bị cho đêm giao lưu nghệ thuật tối 2/7 và lễ tưởng niệm các nữ dân công hỏa tuyến sáng 3/7. Bên góc trái của chiếc sân rộng, có một tấm phông lớn đã dựng lên, ghi nội dung của buổi giao lưu “Ngày ấy trong tuyến lửa”.
Bước qua cánh cổng vào khu di tích, ba nữ dân công chợt lanh lẹ, vui vẻ giữa sự chào hỏi thân mật của những người trẻ. Ký ức nhập nhoạng giữa quên và nhớ trong tâm trí những người đàn bà đã đi qua bom đạn đó như chợt sống lại trước những ánh mắt người trẻ đang nhiệt thành lắng nghe.
Thiên Di