Lễ cưới 40 cặp đôi khuyết tật 2015: Lấp lánh hạnh phúc

21/10/2015 - 16:11

PNO - 18g ngày 20/10, cô dâu cuối cùng ngơ ngác nắm chặt tay bàn tay tình nguyện viên, bước ra khỏi phòng trang điểm.

Ngoài sảnh, dưới ánh đèn vàng, 40 tấm ảnh lớn xếp thành hai hàng, chạy dọc theo lối vào đến trước phòng tiệc, xen kẽ giữa những cặp đôi đang rạng ngời trong bộ áo cưới. Phía hai bên sảnh là hàng trăm người thân háo hức, rôm rả, xúm xít bên tình nguyện viên vội vã lại qua, một nhóm người khuyết tật đang ngồi cuối phòng, rộn ràng trò chuyện bằng thủ ngữ.

Le cuoi 40 cap doi khuyet tat 2015: Lap lanh hanh phuc

Giấc mơ có thật

Ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có những con đường mà anh Nguyễn Văn Hải rất ngại đi. Không phải do lầy lội, ổ gà ổ voi thách đố đôi mắt chỉ còn 30% thị lực của anh, mà vì con đường ấy có nhiều nhà hàng tiệc cưới và điểm chụp hình ngoại cảnh.

Mỗi lần qua, chị Nguyễn Thị Nguyệt, vợ anh lại thúc nhẹ vào lưng: “Ngừng lại anh ơi, cho em coi cô dâu xíu”. Những lúc đang bận nấu cơm, đút cho con ăn, Nguyệt cũng cuống cuồng chạy ra xem đám cưới đi qua ngõ để rồi đêm về, hình ảnh cô dâu với búi tóc cài hoa, gương mặt rạng ngời, chiếc váy cưới trắng muốt theo Nguyệt vào giấc mơ, theo Hải vào tiếng thở dài…

Tối hôm qua, 20/10, một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời Hải - Nguyệt khi họ cùng 39 cặp uyên ương sánh bước trong tiếng nhạc rộn rã giữa không gian sang trọng, diễm lệ của Trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Với thông điệp “Thắp sáng yêu thương - vẹn tròn hạnh phúc”, lễ cưới tập thể người khuyết tật được Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM và nhiều đơn vị, cá nhân chung tay góp sức tổ chức.

Cũng như những chú rể khác, Hải xoắn xuýt bên cô dâu của mình. Dù mắt không nhìn ngắm hết từng đường nét trên gương mặt người vợ trẻ, nhưng anh vẫn cảm nhận vợ lung linh, nổi bật.

Đã lùi xa câu nói quen thuộc nhưng nhói lòng của vợ “biết chừng nào mình được lên xe hoa, được mặc áo cưới giống người ta” và lời an ủi đầy “bất lực” của Hải “ráng làm kiếm tiền, vợ chồng mình mới hai mươi mấy tuổi, chừng nào có điều kiện thì tổ chức cũng chưa muộn. Mà, miễn sao vợ chồng êm ấm, con khỏe, ngoan là được rồi…”.

Bất lực vì đồng lương làm thuê khiêm tốn ở xưởng mộc của Hải phải gồng gánh cả gia đình với khoản tiền thuê trọ, nuôi cậu nhóc chưa tròn ba tuổi và cô vợ chân yếu, nay ốm mai đau.

Cặp đôi Lê Văn Mý - Trần Ngọc Thuận (sinh năm 1964 và 1951, thuê phòng trọ ở Q.Bình Thạnh) có “thâm niên” gần 30 chung sống cùng nhau, có đăng ký kết hôn. Vì hoàn cảnh, chưa một lần họ nghĩ đến lễ cưới.

Khát khao ấy chìm khuất dưới đáy lòng, không dám len vào giấc mơ của cả hai người. Một ngày, nghe được thông tin về lễ cưới tập thể, cuộn trào trong bà ước mơ làm cô dâu ở tuổi U70. Bà thuyết phục chồng “làm đám cưới, được chụp hình, để lại con cháu coi cho vui”, ông gật đầu cái rụp: “Miễn bà vui”.

Ngày mong chờ đến, bà bỏ cây nạng vì sợ vướng chiếc váy cưới xúng xính. Bà được trang điểm duyên dáng và đằm thắm trên chiếc xe lăn ông đẩy. Vào những năm 80, trên một chuyến xe lam, bà lỡ tay trật cây nạng, vấp ngã, may mắn được ông đỡ kịp, rồi ngồi cạnh ghế nhau, làm quen, rồi mến thương, nhung nhớ tiếng cười, giọng nói.

Biết được cả hai cùng cảnh đổ vỡ một lần đò và đều có con riêng, ông tình nguyện về làm đôi chân, làm điểm tựa tinh thần cho bà . Đã lên chức bà ngoại, giờ lại khoác áo cô dâu, bà tự tin, tự hào về hạnh phúc ngọt ngào, bền vững của mình.

Trong căn phòng trọ ọp ẹp, nơi bà làm nghề giữ trẻ để mưu sinh, nơi bà đợi ông về sau những tháng ngày đi làm thuê tận Tây Ninh, từ nay sẽ được treo bức ảnh cưới trang trọng với những dòng lưu niệm được bà nắn nót. Nghe thông tin từ ban tổ chức rằng có quá nhiều cặp đôi muốn tham gia nhưng chỉ ưu tiên cho 40 cặp đăng ký trước, bà Thuận cứ bồn chồn hỏi: “Bao giờ tổ chức đám cưới đợt sau để các bạn kia toại nguyện?”.

Yêu thương

Tiếng cười thân ái, ánh mắt ấm áp mau chóng đưa các cô dâu chú rể ra khỏi cảm giác choáng ngợp ở nơi tưởng chỉ "nhà giàu mới được đặt chân đến". Như những người thân lâu ngày mới gặp, các thành viên ban tổ chức, tình nguyện viên đón chào cô dâu chú rể và thân nhân từ cổng, tay bắt mặt mừng, xúm lại dìu đỡ; người xách hộ cây nạng, giỏ đồ, người đẩy xe lăn.

Mọi khoảng cách xóa nhòa, chỉ còn lại ngập tràn niềm xuyến xao trong lồng ngực. Dù là cô dâu ngồi xe lăn, nước da sạm đen dọc đường nắng gió hay là cô dâu khiếm thị không nhìn thấy mình trong gương, tất cả đều được những bàn tay vàng nâng niu, chăm chút để tỏa sáng rạng ngời trong ngày trọng đại.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI