Lẽ công bằng?

17/03/2013 - 15:24

PNO - PNCN - Nhiều TAND quận, huyện đang thụ lý các vụ tranh chấp đất với nguyên đơn lẫn bị đơn là anh chị em ruột, thậm chí là cha mẹ và con cái. Nguyên nhân sâu xa của các vụ tranh kiện này phần lớn do nỗi ấm ức của những đứa con...

GIÀU ÚT ĂN, KHÓ ÚT CHỊU?

Đó là quan điểm của ông bà Khuyên, ở Q.12, TP.HCM. Nên dù có đến 11 người con, ngay khi còn minh mẫn, ông bà đã cương quyết làm di chúc cho người con trai út thừa hưởng trọn vẹn ba căn nhà tọa lạc trên 3.000m2 đất. Sau khi bà Khuyên qua đời, ông vẫn giữ nguyên di chúc của hai vợ chồng. Từ đó, ông hợp thức toàn bộ giấy tờ đất cho con trai. Hiện ông Khuyên vẫn còn sống, khỏe mạnh và sáng suốt.

Những người con còn lại của ông bà Khuyên không thể chấp nhận sự bất công này, nên cùng khiếu kiện, đề nghị cha chia lại tài sản. Vì ngoài các anh chị em đã lập gia đình, còn ba người con gái độc thân vẫn ở chung nhà cha mẹ ruột. Trong đó, có một người bệnh tật, không có khả năng lao động.

Để có tiền làm giấy tờ nhà đất và lo cho con trai út cất nhà, ông Khuyên đã mượn của người con gái thứ tư 20 cây vàng, nay chị đòi, cha cũng không trả. Chị đề nghị cha giải quyết cho ba người con gái đang ở nhờ trên đất của ông mỗi người một nền nhà, nhưng ông không đồng ý .

Vì vậy, từ giữa năm 2012, các người con gái của ông Khuyên đã gửi đơn lên Ban Tư pháp phường để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Tại phiên tòa xét xử vụ tranh chấp đất đai, tiền bạc giữa ông Khuyên và các con gái, người cha già ấy thủng thẳng trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử. Ông nói: “Tôi thương ai, tôi cho người ấy. Tôi nợ ai, tôi trả người ấy”. Và ông đồng ý cắt nhà chia cho ba con gái, trả nợ cho chị Tư 20 cây vàng. Nhưng ông cũng tuyên bố: “Tôi nói vậy, nhưng để thằng Út nó phân chia tài sản, nó lo trả nợ, vì nó mới đứng tên mọi thứ, chớ tôi giờ đâu còn có chủ quyền gì với đất đai, nhà cửa”. Tới lúc này, phía “nguyên đơn” nhìn nhau chưng hửng, bất lực.

Phiên tòa khép lại trong nỗi ngậm ngùi, bởi có xử cũng như không! Người đồng ý chia nhà đất và trả nợ thì không đứng tên chủ quyền nhà đất, không đứng tên mượn nợ. Vì thế, các con gái dẫn nhau ra về trong nước mắt. Tuy vẫn ở chung ngôi nhà tam đại đồng đường, nhưng tình cảm cha con, chị em đã hoàn toàn rạn nứt. Họ phải chịu đựng ánh nhìn ghẻ lạnh, thái độ thách thức của cậu em trai: “Có giỏi thì kiện nữa đi”.

Le cong bang?

NƯỚC CHẢY CHỖ TRŨNG…

Câu chuyện tranh giành di sản thừa kế đang xảy ra ở Củ Chi (TP.HCM) lại là một trường hợp đau lòng khác. Nhà ông bà Sáu có sáu người con, thì năm người chí thú làm ăn, duy có người con trai thứ năm suốt ngày rượu chè be bét.

Cách đây 15 năm, Nam là đứa con đầu tiên trong nhà đậu đại học, vì vậy anh được ông bà Sáu đặt nhiều kỳ vọng. Nam ra trường, ông bà xin cho con vào làm ở một trạm vật tư nông nghiệp lớn trên địa bàn huyện. Nam đòi cưới vợ, ông bà cũng đi cưới dâu ngay. Nhưng từ lúc đi làm, Nam bắt đầu biết hưởng thụ. Anh ta móc nối để kiếm hoa hồng nên công ty phát hiện và sa thải. Bất đắc chí, Nam sinh tật nhậu nhẹt, bỏ bê làm ăn. Khuyên chồng không được, vợ Nam bỏ về nhà cha mẹ ruột. Nam sống chìm trong men rượu cho đến ngày ông Sáu qua đời…

Hết 49 ngày, con cháu họp lại, đề nghị bà Sáu mang giấy tờ ra để các anh chị lo hoàn tất thủ tục nhà đất. Vì trước giờ, các con của ông bà Sáu, ai cũng cất nhà trên phần đất cha mẹ cho, nhưng chưa tách sổ hồng, sổ đỏ. Nào ngờ đến lúc này, cả nhà mới bật ngửa khi bà Sáu nói: “Mẹ không có giấy tờ nhà gì cả. 5 năm trước, ba các con đã để hết nhà cửa, ruộng vườn cho thằng Nam đứng tên rồi. Thôi, tụi con đứa nào cũng hạnh phúc đề huề, để phần cho em nó đi. Nó là thằng làm ăn cả đời thất bại mà!”. Hay chuyện, các con bà Sáu kêu trời: “Má nói nghe thì có tình, nhưng thiếu hẳn sự công bằng với tụi con rồi. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của tụi con mới nên nhà cửa, giờ má giao hết cho nó, tụi con biết làm sao?”.

Hay tin mấy anh chị biết chuyện mình đã được sang tên hết tài sản chung, Nam vác dao đứng giữa nhà thách thức: “Nhà cửa, đất đai này tao đứng tên chủ quyền. Đố thằng nào, con nào dám lấy tài sản của tao!”.

Từ đó đến nay gần hai năm, các anh chị của Nam người nào cũng phải chạy lo giấy tờ để chứng minh đóng góp của mình vào tài sản chung, vào căn nhà tự tay mình tạo dựng để cùng kiện đứa em trai, còn bà Sáu, chỉ biết than khóc kêu trời khi các con ghẻ lạnh, xa lánh mẹ. Tuổi 70, ngày ngày bà Sáu thui thủi lo cơm nước, phục vụ “thằng thất bại”. Tìm đến Báo Phụ Nữ, bà nói: “Tôi muốn làm lại di chúc phần tôi cho mấy đứa kia mà tôi sợ thằng Nam nổi giận. Nó hay rượu chè, nó mà lên cơn, chắc giết tôi chết mất…”.

Nghi Anh
 

KHÔNG THỂ “CẦM TAY CHA MẸ GHI DI CHÚC”

Di chúc (theo điều 646 Bộ luật Dân sự) là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do vậy, không ai có quyền yêu cầu người để lại di chúc phải thay đổi di chúc theo ý kiến của họ.

Trong trường hợp vợ chồng ông Khuyên và vợ chồng bà Sáu cùng lập di chúc để lại tài sản cho con trai út theo điều 668 Bộ luật Dân sự thì hiệu lực pháp luật của di chúc là từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Do đó, di chúc của vợ chồng ông Khuyên chỉ có hiệu lực sau ngày ông Khuyên chết. Còn với vợ chồng bà Sáu, di chúc chỉ có hiệu lực sau khi bà Sáu qua đời. Nhưng hiện nay người con trai út của ông Khuyên và anh Nam (con bà Sáu) đã đứng tên chủ quyền nhà và đất nên cần xem xét cụ thể giấy tờ chứng nhận chủ quyền này mới xác định được quyền của ông Khuyên và bà Sáu.

Tất cả tài sản của vợ chồng ông Khuyên tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng ông. Do đó, ông Khuyên và vợ đều có quyền đối với tài sản của mình theo nguyên tắc chung mỗi người 50%. Mặc dù ông Khuyên đã lập di chúc nhưng hiện nay ông Khuyên vẫn còn sống nên ông Khuyên có đầy đủ quyền đối với phần tài sản của mình: quyền hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và thay thế di chúc (bà Sáu cũng vậy).

Các con của ông Khuyên, cụ thể là các con gái không có quyền khiếu nại. Các con của bà Sáu cũng không thể ép mẹ làm lại di chúc, trừ trường hợp tự bà có nguyện vọng. Di chúc này không cần sự đồng ý của anh Nam.

Trường hợp người con gái cho cha mượn 20 cây vàng mà ông Khuyên không trả lại, thì chị có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân quận, huyện nơi ông Khuyên có hộ khẩu thường trú.

Theo điều 669 Bộ luật Dân sự, các đối tượng bao gồm con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp họ không được lập di chúc chỉ hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng di sản ít hơn 2/3 suất đó. Như vậy, người con gái không có khả năng lao động vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật, là 2/3 của 1/11 phần trong tổng tài sản của vợ chồng ông Khuyên để lại (sau khi ông Khuyên chết).

Luật sư Trịnh Thị Bích
 (Đoàn luật sư TP.HCM)

Từ khóa Lẽ công bằng
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI