|
Buổi lấy ý kiến trẻ em cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 9/3 tại Trường THCS Lương Yên |
Ngỡ là trò đùa, nhưng không, buổi lấy ý kiến trẻ em cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là có thật. Sự kiện diễn ra vào ngày 9/3 tại Hà Nội, do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) tổ chức. Đối tượng được mời lấy ý kiến là các em học sinh lớp 8, lớp 9 của trường.
Theo lý giải của ông Hà Đình Bổn - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội BVQTEVN), căn cứ Luật Trẻ em 2016, Điều 34 quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp có nêu rõ: "Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng". Bên cạnh đó, "nhân dân" - đối tượng mà dự thảo này cần lấy ý kiến, cũng bao gồm cả trẻ em.
Nói một cách khác, việc tổ chức buổi lấy ý kiến của trẻ em cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không hề sai luật.
Thế nhưng, không thể đặt ra câu hỏi rằng liệu những học sinh lớp 8, lớp 9 có thể đóng góp sáng kiến gì vào dự luật mà những diễn biến thực tiễn luôn quá sức các nhà làm luật như xưa nay? Chưa kể, một số vấn đề đưa ra tại buổi lấy ý kiến này đến người thành niên cũng không dễ để nắm thấu đáo, như "Sự cần thiết trong việc đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em khi Nhà nước thu hồi đất", "Đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ khi thu hồi đất có nên bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên từ đủ 16 đến 18 tuổi"...
Đại diện Hội BVQTEVN cho rằng, vì Luật Đất đai (sửa đổi) có những nội dung dành cho người yếu thế (trong đó có trẻ em), nên rất cần tiếng nói của đối tượng này. Hiểu như thế là máy móc. Có những lĩnh vực, điều khoản và quy định của nó phải dựa trên sự nghiên cứu đa chiều, không gây ra xung đột xã hội hay xung đột với lĩnh vực khác, và điều đó vượt tầm ước muốn, hiểu biết của trẻ em. Luật pháp phải hướng đến bảo vệ trẻ, đảm bảo quyền lợi của trẻ nhưng là qua kiến thức của những nhà nghiên cứu xã hội, tâm lý trẻ em, giáo dục trẻ em... Vì luật có tác động đến trẻ em nên phải hỏi trẻ em, đó là cách hiểu quá thô sơ!
Tại Phiên họp thứ 18 diễn ra vào ngày 13/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh một ý rất quan trọng, là việc lấy ý kiến nhân dân này cần tránh hình thức, hiệu quả thấp, đóng góp không được nhiều. Buổi lấy ý kiến trẻ em mà Hội BVQTEVN tổ chức, đúng là không sai luật, nhưng có hiệu quả không, có rơi vào trường hợp máy móc, hình thức không? Chỉ cần nhìn vào việc dư luận chỉ trích những ngày qua, xem như cũng đã có câu trả lời.
Lãng phí xã hội về tiền bạc lẫn thời gian cần phải chấm dứt, và những sự kiện như buổi lấy ý kiến trẻ em này cần xem lại.
Hạnh Phương