Lạy trời xin đừng gió

12/09/2015 - 07:05

PNO - Càng già bà càng dễ tủi thân nên chiều nào nghe tiếng còi tàu từ xa vọng lại, bà cũng rơm rớm. Lòng bà mong ngóng những đứa con phương xa.

Lay troi xin dung gio
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn Internet

Mình bà nội tôi cai quản ngôi nhà ba gian với một con chó nhỏ. Thêm bầy gà con lít nhít chạy quanh vườn. Bà hay mang ghế ra ngồi ngoài hè, ngó người đi lại ngoài đường thoắt ẩn thoắt hiện qua hàng rào um tùm cây cối.

Thỉnh thoảng đứng trên nhà ngó xuống, nhìn ánh điện vàng khè qua lỗ gió nhà bà, bao giờ tôi cũng thấy trào lên một nỗi thương cảm và buồn bã. Tôi chẳng thể hiểu sao mối quan hệ ruột thịt này lại không được gần gũi, ấm áp như nhà người ta.

Gần nhau gang tấc thôi mà muốn mở lời quan tâm cũng có cả trăm điều khúc mắc chặn lại trong cổ họng. Con cháu ở gần thôi nhưng bà lúc nào cũng thui thủi một mình. Ngày thường hay dịp lễ tết nhà bà đều im lìm, đến cả cột khói bếp cũng leo lắt mơ hồ.

Nhưng, nhiều khi muốn thương cũng không thể thương được. Con cháu đi xa về biếu đồng quà tấm bánh, bà gằn hắt trả lại cho bằng được. Gặp bà chào hỏi lễ phép thì bà bảo “không dám, chào anh/chị”.

Xuống thăm bà thì cứ chuẩn bị sẵn tinh thần phải đau đầu bởi những câu xỉa xói. Vì thế, bao năm tôi chỉ dám thương bà từ xa như thương một người dưng, hiểu nỗi cô đơn của bà mà không có cách nào chạm đến để vỗ về.

Ông mất khi bà còn rất trẻ. Một nách nuôi bốn con khôn lớn chẳng dễ dàng gì. Cũng có lẽ vì nỗi lo miếng cơm manh áo mà bà ngày càng trở lên khó tính, khó gần, ghê gớm và độc đoán.

Dân làng bảo, bà “tai quái” với cả các con thì còn mong gì tốt với người ngoài, nên cứ dần xa lánh bà. Các cô chú cũng không ở được với bà nên bỏ nhà lưu lạc khắp nơi. Rồi họ lập gia đình ở xa, ai cũng khó khăn, một năm vội vàng về thăm bà được đôi lần.

Chỉ còn mình bố mẹ tôi ở lại quê, đón bà về chăm nom lúc tuổi già sức yếu. Tình thân ít ỏi nhưng bà vẫn không biết quý trọng. Bà đòi làm nhà ở riêng, ăn riêng, đến lối đi chung bà cũng đòi chia đôi chứ nhất quyết không chung đụng.

Chẳng có chuyện gì to tát nhưng tôi từng sống nhiều tháng ngày không ngớt tiếng rủa xả của bà. Nay chuyện này, mai chuyện khác. Không có chuyện mới thì moi móc chuyện cũ ra để giày vò nhau.

Mọi thứ trở lên tồi tệ hơn khi tức nước vỡ bờ, bố mẹ tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Bà cấm cửa con cháu, đến con gà chạy qua sân nhà bà cũng đủ đau đầu. Bà tôi đã cô đơn một cách đầy khắc nghiệt.

Gần đây, bà đã thôi không chửi mắng con cháu. Có gì bà cũng để phần mấy đứa chắt nhỏ. Chiều chiều bà ra ngồi ngoài hè xem con cháu đi đâu ngang qua thì nấn ná hỏi vài ba câu. Thỉnh thoảng, bà đứng ngoài đầu nhà vẫy tôi xuống nhờ cọ lưng, bóp vai.

Cũng có khi bà mới luộc nồi khoai, mới phơi mẻ chuối gọi con cháu xuống chia đều. Cuối cùng tôi cũng có được những buổi chiều bình yên bà cháu ngồi ngoài hiên tẽ ngô, vò đỗ.

Bà mở lòng cởi bỏ nỗi cô đơn từng thắt chặt tuổi xế chiều để kể cho tôi nghe những mất mát, đau buồn; để tôi có cơ hội nhận ra ẩn sâu trong bà vẫn là sự hiền hậu của một con người từng đi qua những năm tháng rộng dài đơn độc.

Đôi khi bà rất sợ mọi người quên mình nên tìm cách “phá phách” gây chú ý. Những ngày chỉ có một mình, bà lo lúc ốm đau không người chăm. Khi bóng đêm bao trùm, bà lo không người trò chuyện.

Hiểu được điều ấy, bố mẹ tôi bỏ qua chuyện xưa, lại một lần nữa đón bà về một nhà để cùng vui vầy sớm tối.

Càng già bà càng dễ tủi thân nên chiều nào nghe tiếng còi tàu từ xa vọng lại, bà cũng rơm rớm. Lòng bà mong ngóng những đứa con phương xa đến mòn mỏi. Bà từng nói rất nhiều câu “giá như…”. Bà tôi như ngọn đèn dầu leo lắt trước gió trời. Tôi chỉ biết lạy giời xin đừng gió…

Thanh Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI