Lấy sự hy sinh làm niềm vui suốt đời

28/03/2017 - 10:19

PNO - Có phải vì vậy nên ông không nhận ra cái gánh quá nặng trên đôi vai già yếu của mình, dù mọi người quanh ông đều xót xa?

Lay su hy sinh lam niem vui suot doi
 

Má tôi kể, các con ông Ba đều tương đối thành đạt, trừ chú Út. Người vợ đầu chịu không nổi sự khốn khó nên đã bỏ đi, để lại đứa con trai. Chú Út tái hôn, sinh thêm hai con nữa. Sợ con dâu ngại cảnh mẹ ghẻ con chồng nên ông Ba nói rõ sẽ lo hết cho đứa cháu nội lớn. Trồng rau, chăn gà, cộng với tiền lãi gửi tiết kiệm, mỗi tháng ông cũng kiếm được gần hai triệu đồng.

Thu nhập khiêm tốn nên ông phải nhịn ăn nhịn mặc mới có thể lo cho cháu ăn học. Tuy là con nhà nông nhưng đứa cháu ông Ba không phải vất vả ngoài đồng, còn được ông lo không thiếu thứ gì, luôn dặn dò phải gắng học thành tài để mai sau không khổ cực như cha. Thằng Trung, cháu ông, học không giỏi nhưng rất chịu khó, giờ đã sắp tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

Mấy tháng trước, khi má tôi hỏi học xong sẽ làm gì, Trung hồn nhiên bảo sẽ xin ông nội và ba mẹ cho về sống với người dì. “Nhà dì cháu rất rộng, lại ở nội thành, đường sá thuận tiện. Dì giàu lắm, chỉ có một người con gái nên thương cháu như con”.

Vừa rồi, tôi về quê mới biết Trung đã khăn gói lên nhà dì từ lâu. Vợ chồng chú Út đầu tắt mặt tối ngoài đồng. Ông Ba ở nhà trông hai đứa cháu nhỏ. Gần chín mươi tuổi, tay chân run rẩy nên ông đi đứng khó khăn trông rất tội.

Má tôi nhiều lần khuyên ông gọi thằng Trung về, nhưng ông không chịu. Má bức xúc bảo, ai đời thân già dành dụm nuôi nó cực khổ bao năm, đến lúc sắp báo hiếu được thì nó thản nhiên bỏ đi. Tháng lương đầu tiên, Trung đem về biếu ông hai hộp sữa. Rồi từ đó đến nay đã hơn nửa năm chẳng thấy bóng dáng nó đâu. Nói một lúc, má tôi kết luận: “Thân già còn phải xúc tép nuôi cò”.

Tôi mang sang biếu ông Ba ít trái cây và cân thịt bò. Lần nào về quê tôi cũng mua quà cho ông. Chúng tôi chẳng bà con gì nhưng cái nghĩa xóm giềng đã ăn sâu vào cách sống. Thời thế thay đổi, cái xóm nhỏ ngoại thành của chúng tôi giờ không còn mấy người qua lại thân thiết như xưa.

Dù vậy, má tôi vẫn nhắc con cái giữ nếp cũ. Riết rồi nhiều lúc tôi cứ ngỡ ông Ba là người trong nhà. Đến tuổi ông mà vẫn chưa được an nhàn tấm thân vì mãi lo cho con cháu. Trận bệnh vừa rồi làm tiền tiết kiệm của ông hết sạch.

Lay su hy sinh lam niem vui suot doi
 

Nhiều người khuyên ông bán phần tài sản còn lại là mảnh đất vợ chồng chú Út đang canh tác nhưng ông khăng khăng không nghe. Ông nói, có chết cũng giữ đất lại cho con. “Mấy đứa kia nghề gì cũng sống được, riêng thằng Út khù khờ, chỉ biết làm ruộng. Bán hết đất nó lấy gì mà sống?”.

Nhà nước khởi công xây hệ thống đê bao ngăn lũ khu B, xã Bình Lợi, dự án chạy ngang một phần đất của ông. Sắp có bảy chục triệu tiền đền bù, ông Ba nghĩ ngay đến chuyện sửa sang nhà cửa. Má tôi lại than: “Chú già rồi, để dành đó thích món gì thì mua ăn, trái gió trở trời còn có mà lo thuốc thang”. Ông cười hiền: “Làm cái nhà kiên cố để lại cho thằng Út là ước mơ lớn nhất đời tôi. Sửa nhà xong rồi chết tôi cũng vui. Vợ chồng nó làm chỉ đủ ăn, biết chừng nào mới có dư mà lo nhà cửa”.

Dù qua lời má kể hay trực tiếp nói chuyện, tôi đều nhận ra ở ông một sự lạc quan vô bờ bến. Nước mắt chảy xuôi, ông Ba đã lấy sự hy sinh làm niềm vui suốt cuộc đời mình. Có phải vì vậy nên ông không nhận ra cái gánh quá nặng trên đôi vai già yếu của mình, dù mọi người quanh ông đều xót xa?

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI