Lấy sự hưng vong của xã tắc làm chân lý tu tập

13/05/2019 - 06:00

PNO - Trên con đường Trung đạo, Phật giáo Việt Nam đang tiếp tục đồng hành cùng đất nước, lấy sự hưng vong quốc gia là chân lý tu tập; nhập thế, dấn thân vì đạo pháp, vì con người.

Khi những hình ảnh đầu tiên trong phóng sự về chùa Ba Vàng được phát, tôi mới biết đến một cơ ngơi chùa chiền tráng lệ, phú quý đến như vậy.

Lần theo tiểu sử của vị trụ trì, tự nhận là đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Từ, không khỏi ngờ ngợ, lẽ nào đã nhận công ơn giáo dưỡng của bổn sư mà lại điểm trang cơ ngơi, xênh xang danh vị đến thế.

Một đặc điểm chính trong kiến trúc thiền viện thuộc hệ phái Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử (mà Hòa thượng Thích Thanh Từ là pháp chủ) là thanh thoát, trang nghiêm, không cầu kỳ mà tinh tế; lối bài trí, xếp đặt các nơi thờ tự cũng trên tinh thần trang nhã, giản dị, không phô trương.

Lay su hung vong cua xa tac lam chan ly tu tap
Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, vì sự hưng vong của xã tắc

Về sau, nghe một số bài thuyết pháp, lối biến báo, pha tạp, vay mượn từ Bắc tông qua Nam tông, ké chút Mật tông của vị trụ trì thì mới hay, đứa học trò chỉ cần cúi chào thầy là đã hăm hở đốt sách. Thế mà, có hàng trăm hàng triệu người chắp tay đảnh lễ. Họ đảnh lễ chiếc áo cà sa - biểu trưng của Đức Thế Tôn, hay con người trú thân dưới tấm vải ấy lại vọng niệm mà tưởng mình là ánh hào quang, bày trò vẽ trận, oan gia giải nghiệp…

Trong chuyến công tác Nghĩa tình biên giới cùng Hội LHPN TP.HCM lên Gia Lai, tôi có ghé thăm một ngôi chùa… giàu có. Khi đoàn đến, công trình vẫn đang dang dở, đúng hơn là chỉ có cụm công trình chánh điện đã hoàn thành, còn lại, chẳng khác nào một đại công trường đang thi công.

Ở khu vực sân, những bức tượng đá các vị La Hán sừng sững, đâu đó trong sân, ngoài đường, ngay trước cổng chùa, khi tôi bước qua phía bên kia đường, những đứa trẻ vắt vẻo trên lưng mẹ, lọt trong gùi, xanh xao, ốm đói.

Ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên, Đức Phật nói: “Này các thầy tỳ kheo, phép tu hành theo con đường ở giữa mà Như Lai đã ngộ là sự tu hành để phát triển nhãn quan, tri kiến đưa đến sự an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và niết bàn là gì? Đó là Bát Chánh Đạo”.

Bát Chánh Đạo là Con đường ở giữa ấy, tức Trung đạo, không để rơi vào hai trạng thái cực đoan hưởng thụ dục vọng để sinh ra tham vọng, sân si, thấp hèn và hành xác khổ hạnh để cằn cỗi, khổ đau.

Quán từ bài thuyết pháp đầu tiên ấy, nhìn lại thế gian Phật lịch 2563 năm, tự hỏi, giữa bao nhiêu đền chùa miếu mạo được xây to, cất nhiều ấy; giữa bao nhiêu đạo tràng được lập, bài pháp được thuyết giảng, con người đang ở đâu trên con đường Trung đạo?

Chỉ là một cội bồ đề, Đức Thế Tôn còn không để mình ngồi lại lâu mà vướng vào thói quen, tâm sinh luyến ái. Còn giờ đây, chùa to, Phật vàng, lấy bố thí chúng sanh là động cơ tu tập thì chấp hữu, chấp vô cũng là tự tánh, nào tự giác, giác tha.

Trở lại những ngày Ba Vàng, tôi có dịp trò chuyện cùng nhiều phật tử và cả các vị tăng ni, không ai không khỏi bất bình và… buồn. Họ như xem đấy là lỗi của mình. Bởi vấn đề không chỉ là niềm tin tâm linh mà còn là một phương thức thực hành tác động đến đời sống xã hội, đã bị bóp méo, lợi dụng, báng bổ. Một cá thể (như đại đức Thích trúc Thái Minh) không là đại diện nhưng cũng là một “ bản ngã” trong tăng đoàn, vốn không phải là hiếm.

Trước giờ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, Hà Nam, Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã khẳng định: “Thời kỳ Phật giáo vàng son cũng đồng thời là thời kỳ hưng vượng của quốc gia dân tộc”.

Thuở vàng son ấy, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, là tư tưởng nhập thế vì lợi ích quốc gia, tồn vong xã tắc. Khi được vua Lý Thần Tông vời vào kinh để hỏi về phép trị nước, Quốc sư Viên Thông (1080 - 1151) đã trình: “Thiên hạ cũng như một đồ vật, để nó vào nơi yên thì yên, vào nơi nguy thì nguy, cốt trông ở chỗ sở hành của nhà vua; nếu có cái đức hiếu sinh thấm vào lòng dân thì dân yêu như cha mẹ... Bậc vua chúa không làm hưng hay vong liền mà dần dần ở sự thiện hay ác. Bậc thánh vương xưa biết như thế nên mới bắt chước để yên người... Yên dân là kính kẻ dưới, hãi hùng như cưỡi ngựa nắm dây cương mục. Theo lối đó thì hưng, trái lại thì vong. Sự hưng vong là dần dần sinh ra thôi” (Việt Nam cổ văn học sử - Nguyễn Đổng Chi).

Gần 900 năm sau, trên con đường Trung đạo, Phật giáo Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng đất nước, lấy sự hưng vong quốc gia là chân lý tu tập; nhập thế, dấn thân vì đạo pháp, vì con người.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI