Lấy sự chân tình để cảm hóa người lầm lỗi

18/11/2022 - 09:36

PNO - Ở tuổi 53, cô Đặng Thị Ngọc Phượng vừa là Hiệu phó Trường tiểu học Đặng Thị Rành (thành phố Thủ Đức, TPHCM), vừa là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường Linh Tây, thành phố Thủ Đức.

 Điều đặc biệt ở người nữ giáo viên - chi hội trưởng phụ nữ này là cô đã và đang tiếp sức cho những phụ nữ một thời lầm lỡ, giúp họ vượt qua mặc cảm để tự tin hòa nhập vào cuộc sống. 

Dù công tác chuyên môn bận rộn, cô Đặng Thị Ngọc Phượng vẫn đang tận sức cho các hoạt động Hội địa phương
Dù công tác chuyên môn bận rộn, cô Đặng Thị Ngọc Phượng vẫn đang tận sức cho các hoạt động Hội địa phương

Sau mấy lần hẹn tôi mới gặp được cô Phượng vào giờ trưa. Trong thời gian này, ngoài công tác chuyên môn, cô còn tỉ mẩn kết hoa giấy, làm các sản phẩm tái chế từ rác để giới thiệu cho hội viên. Trên những tấm bảng đen ở trường, tự tay cô nắn nót viết, vẽ từng dòng hướng dẫn học sinh phân loại rác sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi và biết yêu cây xanh. Việc nhiều, thành ra lúc nào cô cũng tất bật, nhưng nụ cười thì luôn hiện hữu trên môi. Hỏi về công tác Hội, cô nói có hai việc mà cô đã dồn tâm sức từng ngày để giờ nhìn lại thấy không lăn tăn hối tiếc, đó là tiếp sức phụ nữ hồi gia và thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường. 

Làm chi hội trưởng phụ nữ từ năm 2011, song cô Phượng đã gắn bó với công tác Hội từ năm 1997 trong vai trò Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 20, khu phố 2, phường Linh Tây. 25 năm qua, trong tổ dân phố, khu phố có chị em nào mới thụ án tù về địa phương, cô đều biết rõ. Hiểu những con người từng lầm lỗi ấy sẽ khó tránh khỏi cảm giác chạnh lòng, xấu hổ vì quá khứ, cô Phượng tìm cách xích lại gần, khơi gợi sở thích lành mạnh nơi họ, để từ đó hướng họ đến cuộc sống tốt hơn.

Như trường hợp chị N., từng thụ án 10 tháng tù về tội đánh bạc hơn 10 năm trước. Ra tù, trở về địa phương, chị N. luôn tỏ thái độ bất cần, thường xuyên mắng chửi bất cứ ai có ý hỏi thăm chị. “Hồi mới về, N. ngang lắm, chúng tôi tới nhà tặng quà cũng chửi, mà gửi phiếu mời ra phường lãnh quà, nhưng chờ lâu cũng chửi. Biết N. có tài nấu nướng, tôi kiên trì rủ tham gia gói bánh chưng, bánh tét tặng bà con nghèo dịp tết và để cô ấy trực tiếp quán xuyến bữa ăn nhẹ cho lực lượng gói bánh. Ban đầu, N. từ chối, nhưng mình tới lôi kéo riết, cô ấy cũng xuôi lòng. Tham gia được một vài lần thì cô ấy thích luôn, không cần rủ nữa” - cô Phượng nhớ lại. 

Khi chị N. dần cởi mở, cô Phượng đã chủ động gợi ý cách làm ăn, kết nối cho chị vay 30 triệu đồng từ ngân hàng làm vốn mở quán ăn sáng. Món ăn thay đổi liên tục, khi phở, bún riêu, khi bún bò, hủ tíu, bánh canh. Hồi đầu, chị N. chỉ sắm chiếc tủ thấp, kê thêm vài bộ bàn ghế ngay trước cửa nhà. Vì chị chủ giỏi nấu nướng nên món nào cũng đậm đà hương vị, cộng với nhiệt tình quảng cáo của cô Phượng mà khách tới quán ngày càng đông. Chẳng những luôn trả vốn lẫn lãi đúng hạn, chị N. còn tích cóp để sắm tủ kính, sửa sang quán khang trang. 

Từ một người “đụng đâu cũng chửi”, giờ đây chị N. là hội viên phụ nữ luôn hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng. Những đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, tuyến hẻm hay các chương trình an sinh của Hội luôn có mặt chị N. Và mừng hơn hết là chị đang buôn bán rất hiệu quả, có cuộc sống no ấm. Mỗi khi nhắc chuyện xưa, chị lại trầm ngâm nói biết ơn cô Phượng, bởi sự nhẫn nại của cô đã “cởi trói” tinh thần, giúp chị vượt qua mặc cảm “ở trại ra” để làm lại cuộc đời. 

Một trường hợp khác được cô Phượng hết lòng hỗ trợ là chị V., 1 người từng thụ án tù 2 năm vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong 2 năm chị V. thi hành án, cô Phượng thường xuyên chăm lo mẹ già và 2 con của chị, tặng thẻ bảo hiểm y tế, học bổng đến thực phẩm, tập, sách. Ngày trở về địa phương, chị V. tìm gặp cô Phượng để bày tỏ lòng biết ơn và chia sẻ nguyện vọng muốn được học nghề. Tháng 5/2017, cô Phượng giới thiệu cho chị V. học lớp nấu ăn miễn phí do Hội tổ chức.

Sau khi chị V. hoàn thành khóa học, cô lại làm cầu nối giúp vay 15 triệu đồng vốn ngân hàng để chị sắm xe đẩy đi bán nước giải khát và thức ăn vặt. Cô Phượng xúc động: “Sau dịch COVID-19, buôn bán không còn tốt như trước nên vợ chồng chị V. xin vào công ty làm tạp vụ, thu nhập khá ổn. Tôi vẫn đề xuất Hội tặng học bổng cho các con chị V., cô ấy đã trả hết nợ ngân hàng và chưa có nhu cầu vay lại. Riêng N. sẽ đáo hạn vay vào cuối năm nay. Nhìn V. và N. bây giờ, tôi thật sự hạnh phúc, cả hai đều cư xử nhẹ nhàng, vui vẻ, chí thú làm ăn, đặc biệt là tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường do Hội phát động”. 

Chị em ở khu phố 2, phường Linh Tây, ai cũng thương quý cô Phượng. Với họ, cô như “đại sứ tình thương”, luôn lấy sự chân tình để cảm hóa người lầm lỗi. 31 năm gắn bó với nghiệp trồng người, hơn 25 năm tham gia công tác Hội, trong đó có 11 năm làm chi hội trưởng, cô chưa ngơi nghỉ ngày nào. Chồng cô làm công nhân trong khu công nghiệp Sóng Thần, con trai đang học đại học. 2 người đàn ông ấy chẳng những chu toàn việc nhà để cô an tâm công tác mà còn luôn kề cận, đồng hành cùng cô trong nhiều việc Hội. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI