Lấy phục vụ cộng đồng làm lẽ sống

23/08/2016 - 09:10

PNO - “Sống làm sao để khi nhắm mắt xuôi tay, ta không ân hận vì đã sống hoài phí”, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”.

Đó là những câu trong văn, trong nhạc mà chị Vũ Thị Vinh, Chi hội trưởng phụ nữ (PN) KP.2, P.12, Q.Tân Bình hết sức tâm đắc. Đến giờ, chị vẫn tâm niệm lấy sự phục vụ cộng đồng làm lẽ sống của đời mình. Chị Vinh “bén duyên” với Hội từ năm 1980, một năm sau khi trở thành cô giáo tiểu học. Cái cơ duyên cũng rất… ngộ đời.

Năm đầu tiên dạy học, cô giáo Vinh gặp một cậu học trò “không bình thường”. Cô giáo hỏi: “Tiếng Việt có mấy thanh?”, cậu học trò đáp sáu; cô hỏi tiếp “gồm những thanh gì”, cậu tuôn một tràng “Thanh Nga, Thanh Thanh Tâm, Thanh Tòng, Thanh Châu, Thanh Kim Huệ…” làm cô giáo giận tím mặt. Cô liền tìm về nhà cậu học trò để định bụng gặp phụ huynh, mắng vốn. Nhưng khi về nhà học trò, mới thấy than ôi, nhà cậu bé thực ra không phải là nhà mà là bốn cái cọc, trên cột mấy tấm tôn, bốn vách bằng bao bố. Mẹ cậu học trò đang lúi húi nấu khoai mì, lúng túng nói “lần đầu mới có một cô giáo đến nhà chơi”.

Lay phuc vu cong dong lam le song
Chị Vũ Thị Vinh (trái) trao đổi công việc với một hội viên nòng cốt, đồng thời cũng là Mạnh Thường Quân trong chương trình học bổng của Chi hội

Đó là lần đầu tiên, cô giáo Vinh biết rằng ở ngay tại Sài Gòn, vẫn còn nhiều em học trò có hoàn cảnh đáng thương như vậy. Cô nghĩ, với những học trò này, không chỉ cần cho kiến thức, mà còn phải cho vật chất, tình thương. Cô liền đề xuất với nhà trường tặng nhu yếu phẩm cho gia đình cậu trò nhỏ, và trăn trở về một cách làm từ thiện bài bản, có tổ chức. Hội PN là một tổ chức mà cô giáo Vinh nghĩ đến, thế là tham gia.

Vẫn còn nhiều học trò nghèo cần được hỗ trợ vật chất để nâng bước đến trường - đó là nỗi bận tâm của cô giáo Vinh. Do vậy, từ khi Hội LHPN Q.Tân Bình phát động chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai vào năm 1990, cô Vinh đã tích cực và bền bỉ vận động các nhà hảo tâm đóng góp cho chương trình, mỗi năm từ 10 đến 20 suất học bổng. Ban đầu, mỗi suất học bổng chỉ 300.000-400.000đ, nay tăng lên 1-1,5- 2 triệu đồng/suất, nhưng các nhà hảo tâm vẫn tiếp tục gắn bó, nên số suất học bổng do Chi hội đóng góp cho quận không hề giảm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, hội viên nòng cốt, người đã gắn bó với chương trình học bổng của Hội từ năm 1993 đến nay, nhận xét: “Cô Vinh là người luôn nghĩ đến cái chung, nghĩ đến người nghèo. Cô không quản ngại gian khổ, hiến mình cho những việc có ích cho cộng đồng. Bởi vậy, ngay lần đầu cô Vinh đến vận động ủng hộ quỹ học bổng, tôi có thiện cảm ngay và tham gia từ ngày đó đến nay”.

Suốt mấy chục năm theo nghề dạy học, chị Vũ Thị Vinh vẫn miệt mài hoạt động Hội. Được phục vụ cộng đồng, được làm những điều tốt đẹp cho PN, trẻ em là niềm vui của chị. Chi hội PN nơi chị làm chi hội trưởng là chi hội điển hình, vừa được Hội LHPN TP.HCM chọn tổ chức một buổi sinh hoạt mẫu cho các chi hội khác học tập.

Ước mơ của chị Vinh là hệ thống Hội có được những đơn vị làm kinh tế, để chủ động kinh phí hoạt động, chứ không quá lệ thuộc vào vận động. Qua thực tiễn vừa dạy học vừa làm công tác Hội, chị cho rằng Trung ương Hội nên ký kết liên tịch với các bộ về việc tạo điều kiện cho Hội hoạt động. Đã có trường hợp cán bộ Hội ra trung ương dự đại hội đại biểu PN toàn quốc một tuần, nhà trường cắt thi đua, gây thiệt thòi cho cán bộ Hội.

Bà Vũ Thị Vinh (sinh ngày 28/3/1960)

- Thời gian công tác Hội: 35 năm.

- Huy chương “Vì sự phát triển PN Việt Nam” năm 2010.

- Danh hiệu “PN xuất sắc toàn quốc nhiệm kỳ 2002 - 2007” của Trung ương Hội.

- Huy hiệu TP.HCM năm 2000.

- Tuyên dương “Người tốt việc tốt” năm 2002 cấp phường.

- Nhiều giấy khen của Hội LHPN quận.

Ngọc Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI