Lấy phải “chồng hâm”

26/11/2020 - 15:49

PNO - Có lần anh mở Facebook khoe chị. Toàn những cô gái đáng tuổi con cháu mà cứ “anh, em” ngọt xớt. Thơ tình họa qua lại, ủy mị, tha thiết.

Còn nhớ lần được dự buổi tổng kết, trao giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh hồi năm ngoái, chị Nguyễn Thị Lý không ngờ lão chồng “hâm” của mình lại được giải nhì, được tôn vinh trước bao nhiêu quan khách, ba mẹ con chị cũng vinh dự lây.

Lần đầu tiên chị móc hầu bao chi một khoản đặc biệt là mua hoa tặng chồng. Anh chồng có biệt danh “nhà thơ lão nông” cảm xúc tràn trề, đêm ấy thức làm hẳn ba bài thơ tình tặng vợ. Hôm sau lướt "phây”, chị Lý vô cùng ngạc nhiên vì những lời thơ ngọt ngào biết ơn dành cho mình.

Nhớ hồi mới quen nhau, chị đi bên anh, người làng Đá Rống ai cũng cười, chê họ là “đôi đũa lệch”, vì chị cao ráo, xinh đẹp, anh Nguyễn Xuân Đạt thì thấp bé còi cọc, lại vừa ở chiến trường B ra, mặt mũi xanh lét vì sốt rét rừng. Hỏi tại sao ưng anh bộ đội? Chị nói: “Hồi ấy lão mang từ chiến trường Quảng Trị ra một cuốn vở chép đầy thơ. Tôi lại mê thơ nên bị cưa đổ ngay”.

Cuộc sống viên mãn khi chị vợ tần tảo với quán phở nho nhỏ, anh chồng dồn lực với ruộng vườn, đồi nương. Họ cùng nhau nuôi dạy bốn người con trưởng thành. Anh Đạt vẫn làm thơ, có đăng được bài thơ nào, anh chị vui như tết. Cũng vì niềm vui đó, mà chị Lý đôi khi phải chi thêm con gà, con vịt cho chồng khao bạn bè. Nhưng từ ngày chồng được kết nạp vào hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, chị Lý thấy không ổn.

"Nhà thơ lão nông" hay đi đây, đi đó giao lưu bạn thơ, nhất là khi anh gia nhập câu lạc bộ thơ Việt Nam, thì vấn đề phức tạp hơn nhiều. Anh có thể ôm máy tính ngồi suốt đêm để “thơ thẩn” với bạn "phây". Ban ngày cắm nồi cơm điện cho vợ thì quên bật nút nấu. Dao rựa, cuốc xẻng, xe rùa… thường bị thất lạc vì anh đi làm vườn, lên đồi cây rồi bỏ quên tại chỗ, chỉ về tay không với những tứ thơ mới nảy ra trong đầu. 

Con trai, con gái đều làm ăn khá giả. Cô con gái thứ ba ở Hà Nội, về quê cất cho bố mẹ một ngôi nhà sàn rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Ba năm nay, nhà sàn trở thành nơi hẹn hò, tập trung của các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh. "Nhà thơ lão nông" mời bạn thơ khắp nơi đến thăm nhà, có thể nghỉ lại ba, bốn ngày cũng được.

Các nhà thơ từ trong Nam ra, từ Hà Nội, Thái Bình lên, từ Bắc Ninh sang, toàn những “nam thanh, nữ tú”. Chị Lý thành khổ chủ, cơm rượu đãi đằng bạn chồng. Tuy vất vả, tốn kém nhưng mà vui, xen chút tự hào. Ngôi nhà sàn giữa rừng của vợ chồng chị được mọi người yêu mến. Đồi sim trước nhà nở bừng hoa tím từng đi vào những tác phẩm văn thơ, nhiếp ảnh.

Vợ chồng nhà thơ lão nông và cháu nội
Vợ chồng "nhà thơ lão nông" và cháu nội

Nhưng dù vậy cũng có lúc có nỗi buồn man mác, là mỗi ngày anh chồng mỗi sa đà vào các cuộc giao tế với các người đẹp trên mạng. Có lần nổi hứng, anh lên Facebook, mở tin nhắn khoe chị. Toàn những cô gái đáng tuổi con cháu mà cứ “anh, em” ngọt xớt. Thơ tình họa qua lại ủy mị, tha thiết. Có một chị trung niên ở thành phố còn hẹn anh về chơi.

“Ớt nào mà ớt chẳng cay”, dù biết chỉ là mạng ảo, nhưng có lúc chị cũng bực bội, làm ầm ĩ lên, còn dọa đập tan chiếc laptop của anh nữa. Anh tự ái, chuẩn bị túi quần áo, xách máy tính đi “giang hồ”. Anh ghé nhà một ông bạn tá túc qua đêm, hôm sau lại trở về với vợ. 

Kể lại chuyện cũ, chị Lý cười hơ hơ: “Lão ấy giờ ngoan rồi. Vừa làm vườn, chăm cháu, vừa làm thơ. Mấy đứa cháu nội lại thích đọc thơ ông mới lạ chứ”. Lạ hơn nữa là mấy năm nay, chị Lý chi tiền in cho chồng mấy tập thơ. Tập thơ Màu xanh áo lính của anh được ủy ban tỉnh trao giải thưởng văn học. Chị Lý và các con rủ nhau mua hoa đến tặng chồng, tặng cha. Thế ra lấy chồng nhà thơ cũng có niềm tự hào.

Ai có đi qua huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, tiện đường vào xã Gia Thanh, sẽ thấy đằng sau khu công nghiệp Phú Gia, có một ngôi nhà sàn lợp ngói đỏ giữa rừng cây xanh của vợ chồng chị Lý - anh Đạt. Vào chơi với họ, nhất định bạn sẽ được tặng thơ và thưởng thức khoai hoặc sắn luộc thơm ngon. 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI