Khi bạn gặp anh ấy, bạn nghĩ rằng mình thật may mắn. Anh ấy quyến rũ và có mọi thứ mà bạn từng hy vọng và mơ ước. Nhưng dần dần, anh ấy trở thành người chồng luôn kiểm soát và chỉ trích. Mọi thứ đều xoay quanh anh ấy và chồng bạn không hề quan tâm đến cảm xúc hay suy nghĩ của bạn. Người đàn ông mà bạn gặp đã biến mất.
|
Người bạn kết hôn đã thay đổi chóng mặt. Chuyện gì xảy ra vậy? (Ảnh minh họa) |
Tại sao mọi thứ lại trở thành ác mộng như thế? Làm sao mà chồng bạn lại thay đổi quá nhiều?
Thực ra, anh ta không thay đổi. Tận trong sâu thẳm, chồng bạn vẫn luôn như thế. Vấn đề là anh ấy đã “diễn” vì muốn có được bạn và bạn đã tin.
Bạn không cô đơn vì chuyện này xảy ra với rất nhiều phụ nữ. Nếu bạn thấy cảnh này có vẻ quen quen thì có lẽ chồng bạn thuộc kiểu người yêu mình thái quá hay còn gọi là rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissist).
Áp lực khi phải sống với “những tiêu chuẩn” và yêu cầu của một người chồng ái kỷ khiến bạn rất mệt mỏi. Nó có thể dẫn đến những cảm xúc như trầm cảm, bối rối, tự ti, lo lắng, sợ mắc lỗi, năng lượng thấp hoặc thất vọng.
Bạn rất dễ bị một người ái kỷ đánh lừa và đến lúc bạn nhận ra sự thật thì có lẽ bạn đã kết hôn với anh ta rồi.
Có thể bạn không chắc về chuyện này, vậy hãy thử điểm qua một số dấu hiệu điển hình của một người chồng ái kỷ.
Trước hết, anh ta hầu như không lắng nghe quan điểm của bạn. Từ những chuyện đơn giản như mua máy giặt cho tới chuyện lớn như mua nhà, chồng bạn không lắng nghe bạn. Anh ấy có thể vờ lắng nghe, nhưng rồi sẽ làm bất cứ điều gì anh ấy muốn, dù cho bạn nghĩ gì.
Chồng bạn là người luôn đúng. Anh ấy nghĩ rằng mình biết mọi thứ. Bạn có thể bảo anh ấy 2 + 2 = 4, nhưng anh ấy sẽ tranh cãi với bạn và nói “Không, 2 + 2 = 5.” Bạn có thể vò đầu bứt tai tự hỏi làm thế nào mà anh ấy lại nghĩ rằng mình đúng. Nhưng anh ta không quan tâm sự thật là gì; anh ấy chỉ cần “chiến thắng” và đúng.
Một dấu hiệu phổ biến của những người mắc chứng ái kỷ là họ tin rằng mình vượt trội hơn người khác và xứng đáng được đối xử đặc biệt - người khác phải tuân theo mong muốn của họ và các quy tắc không áp dụng cho họ.
Anh ấy kiểm soát bạn. Bạn mặc chiếc quần jeans mới vào và chồng bạn nói: “Chiếc quần quá chật, em mặc vậy làm sao đi ra ngoài được.” Anh ấy có thể cư xử với bạn giống như với một đứa trẻ.
Là kiểu người cần sự ngưỡng mộ, ông chồng ái kỷ luôn muốn bạn nói cho anh ấy biết anh ấy tuyệt vời như thế nào. Anh ta cũng cố gắng làm cho bản thân trông tuyệt vời hơn trong mắt người khác.
Người chồng ái kỷ tin rằng mọi thứ nên hoàn hảo, vợ anh ta nên hoàn hảo và cuộc đời nên diễn ra chính xác như anh ấy hình dung. Nhu cầu về sự hoàn hảo khiến người ái kỷ thường xuyên phàn nàn và không hài lòng.
Chồng bạn không thể cảm thông và chia sẻ. Anh ấy không có khả năng nhìn thấy quan điểm của bạn dù là đối với bất cứ chuyện gì.
Chồng bạn không quan tâm bạn cảm thấy thế nào hoặc bạn có đang bị tổn thương hay không mà chỉ quan tâm đến bản thân và những gì anh ta nghĩ.
Anh ấy có thể không nhận thấy khi nào bạn đang cảm thấy thất vọng hoặc tức giận, còn nếu nhận thấy thì anh ta trơ ra khiến bạn cảm thấy rằng cảm xúc của mình không quan trọng.
Vì không có khả năng đồng cảm, anh ấy gần như thích nhìn thấy bạn đau đớn - cả về cảm xúc lẫn thể chất. Nó mang đến cho anh ta cảm giác có quyền lực đối với bạn.
Anh ấy không bao giờ chịu trách nhiệm cá nhân về bất cứ điều gì và luôn đổ lỗi cho bạn (hoặc người khác). Mọi thứ luôn là lỗi của bạn, và anh ấy không hề làm gì sai. Chồng bạn luôn là “nạn nhân” do những hành động của người khác.
Chồng bạn ngạo mạn, thô lỗ, anh ta có thể thường chỉ trích và nói rằng bạn mập, xấu hay thậm chí "cô ngu thế". Anh ấy có thể nói rằng bạn thật may mắn khi có anh ấy vì không ai muốn bạn. Thậm chí, bạn có thể bị bạo hành thể chất.
Ái kỷ là kiểu người không bao giờ cảm thấy có tội. Bạn bắt gặp anh ta đang nhắn tin cho một người phụ nữ khác nhưng anh ta cũng không cảm thấy có lỗi gì cả. Anh ta hành xử như thể chuyện đó không có gì to tát.
Anh ấy có thể nói hoặc làm những điều khiến bạn tổn thương nhưng hoàn toàn không cảm thấy tội lỗi gì cả khi gây ra nỗi đau cho bạn.
|
Có cách nào thay đổi tình hình hay không? (Ảnh minh họa) |
Vậy, bạn có thể làm gì với một người chồng ái kỷ?
Bạn cần vạch ra những giới hạn. Những người ái kỷ sẽ lấy và lấy nhiều hơn nữa trừ khi bạn không để họ làm thế. Họ là những kẻ bắt nạt và kẻ bắt nạt thích một “mục tiêu dễ dàng”. Họ không muốn ai đó chống lại và vạch ra những ranh giới mà họ không thể vượt qua. Tuy nhiên, khi bạn quyết tâm làm điều đó, họ sẽ không có lựa chọn nào khác nếu bạn giữ vững lập trường của mình (và bạn nên làm như vậy).
Đừng cho phép người chồng ái kỷ thao túng tâm trí của bạn. Giữ tư duy đúng đắn và không cho phép anh ta tẩy não bạn. Bạn biết sự thật và đừng để anh ấy khiến bạn phải nghi ngờ chính mình.
Những lời nói và hành động của anh ta gây tổn thương rất nhiều, nhưng thành thật mà nói, những gì anh ấy nói và làm thực ra không phải do bạn mà là do sự bất an của chính anh ta. Đừng rơi vào bẫy khi nghĩ rằng bạn là người tồi tệ. Bạn không phải như thế!
Và sau hết, bạn không thể thay đổi được một người chồng ái kỷ. Chính họ phải muốn thay đổi, còn không, họ sẽ không thay đổi.
Nếu bạn đã cố gắng hết sức mà mọi thứ vẫn như cũ và bạn phải chịu đựng đau khổ thì bạn có hai sự chọn lựa. Ở lại và tiếp tục chịu đựng hoặc rời bỏ anh ta. Chọn lựa thứ hai không hề dễ dàng nhưng bạn cần có quyết định tốt nhất cho bản thân. Và hãy nhớ yêu lấy mình trước vì bạn xứng đáng được như thế.
An Bình