Chuyên mục:Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19

Lấy lại vị giác sau nhiễm COVID-19 cách nào?

08/10/2021 - 06:26

PNO - Bị tổn thương hệ tiêu hóa là triệu chứng khá điển hình và thường gặp ở những người bị nhiễm COVID-19.

Bạn đọc Trà My (TP.Thủ Đức, TPHCM) hỏi: 

Mẹ tôi 65 tuổi. Khi bị nhiễm COVID-19, bà mất vị giác, khứu giác hoàn toàn, chán ăn và đi tiêu lỏng nhiều. Nay đã âm tính được hơn một tháng nhưng vị giác của bà vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, chưa có cảm giác ngon miệng, ăn kém, dễ bị chướng bụng, sôi bụng, khó tiêu, người mệt mỏi, nặng nề; phân vẫn bị lỏng nát. Tôi có mua men tiêu hóa cho mẹ uống nhưng chưa thấy cải thiện. Trước đây, mẹ tôi vốn có bệnh lý dạ dày, từ khi bệnh đến nay lại sụt 4kg. Tôi nên cho mẹ ăn uống, bồi bổ như thế nào để mẹ chóng khỏe?

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM

Y sĩ Mộc Nguyên, Hội Đông y Q.Phú Nhuận, trả lời:

Bị tổn thương hệ tiêu hóa là triệu chứng khá điển hình và thường gặp ở những người bị nhiễm COVID-19. Mẹ bạn lại vốn có bệnh lý về dạ dày nên tình trạng sẽ vừa tăng nặng thêm lại chậm hồi phục. Vì vậy, cần phải kết hợp ăn uống, tập luyện và sử dụng thêm thuốc để hỗ trợ cho hệ thống chức năng tiêu hóa được khỏe lên.

- Về thuốc: Dùng sản phẩm đông dược có tên Hương sa lục quân (gồm các vị thuốc: đảng sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo bắc, trần bì, bán hạ, sa nhân, mộc hương). Uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất đến khi hết tiêu lỏng thì ngưng.

- Về ăn uống: Không ăn đồ chiên, thực phẩm công nghiệp, không ăn đồ sống lạnh, hạn chế dầu mỡ. 

Nên ăn chín, uống sôi, ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất. Chế biến thức ăn mềm, lỏng cho dễ tiêu hóa; bổ sung thêm gừng, hành, rau ngò (mùi) vào món ăn. Nên uống sữa vào buổi sáng và phải uống khi còn nóng, hạn chế uống vào buổi tối. 

Nên chuyển sang ăn cháo vào buổi tối. Nguyên liệu có thể là gạo, kết hợp thêm đậu đỏ (xích tiểu đậu) hoặc ý dĩ. Gạo, đậu và ý dĩ nên sao vàng thơm rồi mới nấu cháo. Phối hợp với thịt heo nạc, thịt bò, gà, tôm; bí đỏ, cà rốt, củ cải trắng…

Đậu đỏ, đậu ván rang thơm, hãm nước uống luân phiên mỗi ngày. Bổ sung nước dừa tươi mỗi ngày (cho thêm nước gừng).

Một số món ăn điển hình có thể chế biến để tăng cường khí huyết, bổ trợ và làm mạnh bộ máy tiêu hóa, trừ khử những ứ đọng trong cơ thể, như sau:

Cháo ý dĩ, phục linh: 60g ý dĩ, 15g bột phục linh; cho nước vừa đủ, nấu thành cháo. 

Canh bí đỏ, đậu đỏ: Bí đỏ 100g cắt khúc vừa ăn; đậu đỏ 20g, rửa sạch, ngâm nở; phổ tai 10g ngâm và rửa sạch. Hầm đậu đỏ và phổ tai cho nhừ, sau đó cho bí đỏ vào nấu mềm, nêm nếm vừa ăn. Ăn khi còn nóng.

Hoài sơn hầm gà: Thịt gà 300 - 500g chặt miếng vừa ăn, ướp muối hạt; đảng sâm 12g, hoài sơn 15g, gừng tươi 15g rửa sạch. Cho đảng sâm, hoài sơn vào hầm lửa nhỏ 30 - 40 phút. Cho tiếp gà vào hầm đến khi mềm vừa ăn, giã gừng cho vào, nêm nếm vừa khẩu vị. Dùng một lần/tuần, ăn nóng.

Nước đảng sâm: 10 - 15g đảng sâm, 30g gạo sao vàng, cho thêm bốn chén nước, sắc còn 1,5 chén. Uống cách ngày.

- Về tập luyện: Duy trì tập thở sâu và vận động nhẹ khoảng 30 phút mỗi ngày. Nhẹ nhàng và xoa ấm đều tay vùng bụng (quanh rốn) từ phải qua trái, thuận chiều kim đồng hồ, đặc biệt khu vực dưới rốn; xoa bóp bàn chân, lòng bàn chân; có thể kết hợp thêm dầu nóng để xoa, ba lần/ngày, mỗi lần 10 - 15 phút. 

Chuyên mục “Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19” giải đáp thắc mắc của bệnh nhân liên quan vấn đề hồi phục sức khỏe hậu COVID-19. Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của báo: 0966.18.27.27, 0913.15.93.15; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn.

Các câu hỏi của bạn đọc sẽ được chuyển đến đơn vị chuyên môn để giải đáp kịp thời. Nội dung hỏi - đáp này sẽ được chuyển tải trên trang Y tế - Sức khỏe (trang 7) báo in số ra các ngày thứ Hai, Tư, Sáu và trên Báo Phụ nữ TP.HCM điện tử: phunuonline.com.vn.

 An Hà (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI