Lấy lại tư cách làm cha

04/06/2024 - 06:03

PNO - Nhiều người chia sẻ kinh nghiệm giáo dục với những “đứa trẻ có vấn đề". Câu chuyện của tôi lại liên quan đến “vấn đề" của chính tôi - một người cha từng lầm lỗi và đánh mất tư cách dạy con.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Lỗi lầm

Tôi và vợ cũ ly hôn sau khi tôi trót ngoại tình. Vợ chồng đều là trí thức, tuyệt đối tin tưởng nhau. Tôi sai lần đầu mà cũng là lần cuối, bởi vợ tôi kiên quyết ly hôn. Sau rất nhiều nỗ lực, tôi đành bước ra khỏi gia đình. Thời điểm đó, con trai tôi vừa vào cấp II. Cháu là con một, lớn lên trong vòng tay êm đềm của ba mẹ. Biến cố gia đình khiến cháu bị sốc nặng. Hình ảnh người cha lý tưởng đổ sập trong cháu. Khoảng cách giữa cha con tôi xa dần, dù hằng tuần tôi vẫn về thăm hoặc đưa cháu cùng đi ăn, mua sắm.

Năm cháu học lớp Tám, mẹ cháu báo tin cháu đang tập tành hút thuốc và thường đi chơi với nhóm bạn lêu lổng. Đó là lần đầu sau khi ly hôn, mẹ cháu nói với tôi rằng chỉ có người cha mới đồng hành được cùng con trai trong chuyện này. Song cháu rất giữ khoảng cách với ba, chỉ tương tác chừng mực và gần như không cho tôi cơ hội để trò chuyện sâu. Việc gặp ba, với cháu, như một nghĩa vụ. Thậm chí, nếu được tự do thể hiện, chắc cháu sẽ tỏ rõ sự chán ghét với người cha đã phá vỡ hạnh phúc gia đình. Điều này từng làm tôi rất buồn. Trước thử thách lần này, tôi buộc phải vượt qua khoảng cách.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thú tội

Tôi đọc nhiều tài liệu, tham khảo ý kiến nhiều người và nhận ra: tôi chỉ có thể rút ngắn khoảng cách với con bằng cách chủ động mở lòng.

Tôi quyết định chia sẻ cùng con mối ưu tư lớn nhất đời mình - nỗi đau ly hôn.

Hôm đó, tôi đặt đồ ăn giao về căn hộ để cha con ăn cùng nhau. Sau những hỏi han thường lệ, tôi nói rằng con đã 15 tuổi, đã đủ lớn để nghe ba tâm sự như 2 người bạn, 2 người đàn ông, từ những trăn trở lớn nhất cho đến những ưu tư nhỏ nhất. Thấy cháu tập trung lắng nghe, tôi hỏi: “Chắc con rất giận ba vì đã gây ra lỗi lầm với mẹ, để gia đình mình phải chia rẽ?”. Cháu im lặng, không nhìn tôi mà cũng không nhìn vào một điểm cố định nào khác.

Tôi nói tiếp: “Ba cũng rất giận bản thân về điều đó. Ba luôn được dạy rằng ai cũng có lúc phạm sai lầm, quan trọng là phải biết đứng lên làm lại cuộc đời. Nhưng chỉ khi thực sự sai lầm, ba mới biết, cuộc đời được làm lại đó cũng không còn là cuộc đời cũ. Nhất là khi lỗi lầm của mình đã gây tổn thương quá lớn cho người thân”.

Cháu vẫn im lặng. Nhưng tôi như vừa được khơi dòng, cảm giác an toàn và được lắng nghe khiến tôi cứ tiếp tục nói. Tôi nói tôi từng trải qua nỗi đau mất cha và nhiều nỗi đau mà mọi người đàn ông tay trắng lập nghiệp đều có thể nếm trải. Nhưng điều khiến tôi đau đớn nhất chính là việc đã để mình phải rời xa con, đánh mất mối thân thiết với con.

Đứa trẻ vẫn im lặng, còn tôi miên man nhắc về những kỷ niệm ngày xưa của 2 cha con. Khi cháu học cấp I, trong nhóm bạn thân hay ở lớp học võ, học đá bóng, cháu đều khoe về ba như một người đàn ông hoàn hảo. Cháu luôn muốn tôi có mặt ở những buổi đá bóng giao lưu hay rủ tôi về trường cháu để tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Biến cố ập đến, cháu thu vào vỏ ốc. Tôi mải loay hoay hàn gắn với vợ, cộng thêm mặc cảm tội lỗi khiến tôi lầm tưởng rằng mình phải giải quyết vấn đề với vợ rồi từ đó giữ gia đình cho con. Để đến khi cố gắng bất thành, tôi dần rời xa cháu.

Đó cũng là lần đầu tôi chia sẻ đầy đủ về niềm hối tiếc lớn nhất đời mình. Khi dừng lại vì nghẹn, tôi cảm giác đứa trẻ đang đưa tay về phía mình. Nhưng rồi cháu chuyển hướng về phía hộp khăn giấy, đẩy nó về phía tôi.

Thay đổi

Phản ứng của con trai trong lần đó chỉ là im lặng. Nhưng tôi như đã có lại tư thế của một người bạn. Tôi thấy mình dễ dàng bắt chuyện, dễ chia sẻ với con những điều thuộc về suy nghĩ, quan điểm, thay vì chỉ hỏi han và đề nghị được giúp đỡ cháu như trước đây.

Sau hôm đó, tôi nhắn tin cho con thường xuyên với nội dung thân mật hơn. Con bắt đầu trả lời về những diễn biến bên ngoài lịch học. Lần đầu tiên con nhắn “con định sẽ qua nhà bạn Hải sau giờ học, tầm 6g con về", tôi xúc động vô cùng. Cùng nội dung đó, trước đây, cháu chỉ nhắn “con đi gặp bạn". Những thông tin cha con tôi trao đổi với nhau cứ chi tiết dần. Tôi kể với cháu về cuộc sống của tôi, cháu cũng cởi mở về cuộc sống của cháu.

Những cuộc gặp cũng khác hẳn. Thay vì hỏi - đáp về nơi mình muốn đến hay thương hiệu áo quần, đồ thể thao mình chọn… chúng tôi cùng chia sẻ hiểu biết của mình về các địa điểm, thương hiệu. Cháu vui vẻ “khoe" kiến thức xã hội và quan điểm của mình. Phát hiện con trai rất tâm huyết với xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường, tôi liền cập nhật những thông tin vĩ mô về vấn đề này.

Đề tài của 2 cha con cứ thế phát triển, cháu chủ động nhắn tin nhiều hơn, chủ yếu là để “giao đề bài" cho tôi cùng cháu tìm hiểu hoặc tham khảo quan điểm của tôi về một vấn đề xã hội nào đó.

Tôi trở thành bạn của con. Nhưng trong suốt 2-3 tháng đó, tôi chưa thể nhắc đến vấn đề của cháu. Thay vì nói trực diện về việc hút thuốc hay chơi với bạn xấu, tôi chỉ đồng hành cùng cháu trong việc học và giữ lịch sinh hoạt lành mạnh. Cho đến một ngày, cuối kỳ nghỉ tết năm 2024, khi cha con đang ăn kem ở Singapore, tôi hỏi cháu như tình cờ: “Con có từng thử chất kích thích gì không?”. Cháu cười, gật đầu nói từng thử hút thuốc lá. Tôi vờ thản nhiên: “Mẹ không nói gì à?”. Cháu vội nói: “Mẹ đâu có biết. Nếu biết, mẹ sẽ la rồi cấm tiệt. Nhà trường cũng cấm. Nhưng con chỉ thử thôi”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Nhiều phụ huynh thường lầm tưởng vấn đề nằm ở con và chỉ tập trung “tiêu diệt” vấn đề đó. Nhưng trải nghiệm giúp tôi nhận ra, vấn đề lớn nhất luôn nằm ở mối quan hệ giữa cha mẹ và con.

Tôi cười, nói đứa con trai mới lớn nào cũng khoái thử cho biết. Nhưng ba từng nói với con - có những cái mình lỡ sa vào mà tới lúc dứt ra thì mọi thứ cũng không được như cũ. Ví dụ con bị mẹ phát hiện hay bị nhà trường kỷ luật vì hút thuốc thì sau đó con sẽ rất khó khăn để xây dựng lại uy tín trước đây của mình.

Cháu lại cười, nói con bỏ rồi. Lúc đó, với tư cách là một người bạn lớn, tôi biết con nói thật. Về “nhóm bạn lêu lổng" mà mẹ cháu nhắc, tôi từng tìm hiểu rải rác qua những cuộc trò chuyện với cháu. Tôi không đưa ý kiến trực tiếp về từng người bạn, cũng không khuyên cháu tiếp tục hay ngừng chơi với bạn. Tôi chỉ bàn bạc với cháu về những vấn đề cháu kể về các bạn. Cách tiếp cận đó giúp chúng tôi gần gũi, giúp cháu có cơ hội tự nhìn nhận từng vấn đề và biết cách chọn những điểm tốt của bạn mà học.

Tôi đã thực sự “trở về" với vị trí một người cha, thông qua hành trình của một người bạn. Nếu mối quan hệ cha mẹ - con cái được khơi thông, việc đồng hành cùng con sẽ trở nên tự nhiên và bạn cũng “thuận tay" hơn nhiều. Khi bạn đã gần gũi được với con, mọi chuyện đều có thể giải quyết.

Thùy Dương
(Viết theo lời kể của anh T.M.T. - quận 4, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI