Đánh vào tâm lý nạn nhân
Một trang trên Facebook (fanpage) có tên “Công ty luật Maison” tự giới thiệu có liên kết với Cục Tài chính, các ngân hàng và hợp tác với Cục An ninh mạng nhằm kiểm soát, triệt phá các nhóm lừa đảo trên Facebook, TikTok, Lazada, Shopee, mang tài sản về lại cho khách hàng. Nhiều người vào đây bình luận, mong được “công ty” này hỗ trợ.
Trên trang web luatmaison.net, công ty này tự nhận là đơn vị duy nhất có thể hỗ trợ các nạn nhân bị lừa qua mạng nhận lại tiền nhanh chóng nhất; trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã hỗ trợ trên 10.000 hồ sơ nhận lại hơn 700 tỉ đồng, tỉ lệ nhận lại tiền đạt trên 95%. Ngoài trụ sở chính trên đường Lưu Quang Vũ, TP Hà Nội, công ty còn có trụ sở ở Lào, Campuchia, Singapore, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar (?).
|
Trên mạng xã hội Facebook, nhan nhản mẩu quảng cáo “thu hồi tiền bị treo” |
Fanpage “Công ty TNHH Luật - Đức Long” cũng khẳng định có thể thu hồi tiền bị lừa đảo qua mạng mà không thu phí. Trên Facebook, còn có những nhóm “Tiếp nhận, xử lý hồ sơ cộng tác viên Shopee, Lazada, Tiki và làm nhiệm vụ”, “Làm nhiệm vụ bị lừa đảo” với lượng thành viên ảo lên tới vài ngàn người.
Hằng ngày, các nhóm này cập nhật thông tin tố cáo các hình thức lừa đảo như “làm nhiệm vụ đặt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng” kèm hình ảnh nạn nhân bị lừa tiền đã được hỗ trợ lấy lại tiền để dụ dỗ các nạn nhân. Ngoài quảng cáo bằng bài viết, dịch vụ này còn cho người đi dán quảng cáo trong ô bình luận của các nhóm có đông thành viên.
Tiếp tục yêu cầu nộp tiền
Trong vai nạn nhân bị lừa lấy 30 triệu đồng bởi chiêu tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng, chúng tôi liên hệ đến fanpge Công ty Maison nhờ lấy lại tiền thì được 1 người nhận là nhân viên hỗ trợ pháp lý yêu cầu liên hệ với luật sư Cao Trọng Chuyên qua số điện thoại 03355….
Bị chiếm tài khoản Zalo mang đi lừa đảo Chị Nguyễn Thị Hạnh (quận 6, TPHCM) kể, sau khi bị lừa, chị chia sẻ vụ việc lên Facebook cá nhân nhằm cảnh báo với bạn bè, người thân. Một tài khoản Facebook tên Hồng Đức đã chủ động nhắn tin, khuyên chị đừng tin các dịch vụ “hỗ trợ thu hồi tiền bị treo” mà nên báo công an. Chủ tài khoản này khoe trước đó cũng bị lừa, nhờ báo công an nên lấy lại được tiền và gửi cho chị đường dẫn (link) fanpage có tên “Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” với hình bìa có logo của Bộ Công an. Chị kể: “Họ yêu cầu tôi phải cung cấp tài khoản và mật khẩu Zalo để họ khôi phục tin nhắn, truy vết tội phạm, đồng thời cung cấp số tài khoản ngân hàng mà tôi dùng để chuyển tiền cho nhóm lừa đảo. Họ nói sẽ có số tiền ngẫu nhiên từ ngân hàng khác chuyển vào tài khoản của tôi, nếu nhận được thì phải chuyển lại ngay vào số tài khoản mà họ cung cấp để Bộ Công an xác minh. Sau đó, tài khoản ngân hàng của tôi liên tiếp nhận nhiều khoản tiền với tổng cộng 7 triệu đồng, tôi đều chuyển hết cho họ. Mãi đến khi nhiều bạn bè gọi điện thoại thông báo, tôi mới biết kẻ xấu đã dùng tài khoản Zalo và ngân hàng của tôi mượn tiền khắp nơi”. |
Qua Zalo, người được cho là luật sư Cao Trọng Chuyên yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin gồm mã số thuế cá nhân, họ tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, nền tảng mạng bị lừa đảo, tổng số tiền bảo lưu chưa nhận được. Sau đó, người này gửi cho chúng tôi ảnh chụp từ màn hình máy tính (thực chất là hình ảnh photoshop) được cho là của hệ thống máy chủ liên kết ngân hàng với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Trong hình ảnh này, có thông tin họ tên, tài khoản ngân hàng mà chúng tôi đã cung cấp, kèm theo tổng số tiền bảo lưu chưa được nhận là 32,15 triệu đồng. Để nhận lại số tiền này, chúng tôi cần chuyển cho đối tượng này số tiền bằng 3 - 5% tổng tiền đang bị treo.
Cũng trong vai nạn nhân bị lừa tiền liên hệ đến fanpage “Hỗ trợ thu hồi vốn treo nhanh chóng”, chúng tôi được yêu cầu kết nối với tài khoản Facebook có tên Nguyễn Thị Lệ Hà. Người này yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin cá nhân, sau đó gửi chúng tôi ảnh (cũng là hình photoshop) có những thông tin cá nhân mà chúng tôi đã cung cấp, số tiền bị treo là 32,68 triệu đồng, kèm thông báo “Thành viên bị bảo lưu số vốn do chưa hoàn thành nhiệm vụ mã lệnh. Hiện tại thành viên có trong danh sách được hệ thống hỗ trợ tất toán sớm. Yêu cầu thành viên nhanh chóng hoàn thành theo hướng dẫn của bộ phận quản lý tài vụ”.
Hà nói, nếu muốn nhận số tiền trên, chúng tôi phải thanh toán tiếp cho hệ thống 4,8 triệu đồng vào số tài khoản 2131296317 trong Ngân hàng BIDV, chủ tài khoản là Trần Diệu Nhi. Hà cam kết, sau 30 phút, chúng tôi sẽ nhận lại 37,86 triệu đồng (gồm số tiền bị treo và số tiền mà chúng tôi vừa chuyển).
Công ty luật cũng bị mạo danh
Ông Phạm Nguyễn Hoàng Bảo - Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh quốc tế Athena - cho biết, gần đây trung tâm nhận nhiều cuộc gọi của khách hàng hỏi về dịch vụ “hỗ trợ thu hồi tiền bị treo”. Một số người cho biết, đã bị lừa lần 2, lần 3 khi nhờ các dịch vụ này lấy lại khoản tiền bị lừa.
Ông cho hay, theo quy định, các ngân hàng không được quyền tác động vào số tiền trong tài khoản của khách hàng trừ khi có yêu cầu của cơ quan công an. Còn CIC chỉ là đơn vị cung cấp báo cáo thông tin tín dụng đến khách hàng, không phải là ngân hàng nên không có chuyện “tiền treo” trên hệ thống và sẽ không có đơn vị nào có khả năng thu hồi lại số tiền đã mất cho nạn nhân.
Luật sư Vũ Hoàng Long - đại diện Công ty Luật TNHH Mai Sơn - cho biết, gần đây, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty này để lừa đảo bằng hình thức cam kết “thu hồi lại tiền bị treo”. Website chính thức của công ty là luatmaison.com đã bị các đối tượng “nhái” thành luatmaison.net nhằm đánh lừa khách hàng. Công ty đã trình báo vụ việc với cơ quan công an nhưng tình trạng mạo danh vẫn tiếp diễn. Ngày nào, công ty cũng tiếp nhận, giải thích cho 5-10 trường hợp gọi điện hoặc gửi email đến. Hình ảnh các luật sư trên webiste giả mạo cũng bị sao chép từ các bài viết của các luật sư.
Theo luật sư Vũ Hoàng Long, các đối tượng xấu sử dụng khoảng 20 kịch bản khác nhau để lừa đảo. Do bị mất số tiền lớn và muốn lấy lại, các nạn nhân dễ dàng rơi vào bẫy và bị lừa tiếp. Thực chất, số tiền bị treo trên ứng dụng đều do các đối tượng xấu tạo ra bằng photoshop. Nạn nhân gần như không thể lấy lại tiền bởi bọn lừa đảo rất chuyên nghiệp, không để lại manh mối. Số tài khoản mà đối tượng lừa đảo dùng để nhận tiền có thể là số công ty nhưng đó là công ty không có trụ sở, hoặc số tài khoản cá nhân được mua lại từ người khác.
Luật sư Vũ Hoàng Long từng xác minh nhưng hầu hết chủ tài khoản không biết họ có số tài khoản đó. Hình ảnh, căn cước công dân mà các đối tượng gửi đều giả mạo, được tải từ các trang mạng hoặc qua chỉnh sửa photoshop. Một số trang Zalo, Facebook đăng hình ảnh đẹp như đi du lịch, tiệc tùng là cảnh được tải từ các trang khác rồi đăng lại. Số điện thoại của các đối tượng cũng toàn là SIM rác, chưa đăng ký chính chủ.
“Nếu bị lừa, nạn nhân cần trình báo với cơ quan công an địa phương, không nên tin theo các đối tượng trên mạng và cần cẩn trọng khi bị yêu cầu chuyển tiền (tiền tư vấn, tiền thuế thu nhập cá nhân) hoặc cung cấp ảnh chụp căn cước công dân, cung cấp số tài khoản, số điện thoại, mã OTP” - luật sư Vũ Hoàng Long khuyến cáo.
Khó lấy lại tiền đã bị lừa qua mạng Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) - cho rằng, rất khó thu hồi số tiền bị lừa chiếm, kể cả khi bắt được kẻ lừa đảo. Đó là do tiền đã được chuyển đi ngay, qua nhiều tài khoản hoặc được “rửa” qua một quy trình phức tạp, chẳng hạn sang thẻ cào, tiền kỹ thuật số hoặc nạp vào các tài khoản cá độ, chơi game bất hợp pháp. Khách hàng rất khó yêu cầu ngân hàng đền bù thiệt hại bởi việc mất tiền là do bị lừa đảo, các giao dịch chuyển tiền đều hợp lệ và do chủ tài khoản tự thực hiện chứ không phải do hệ thống ngân hàng bị xâm nhập. Ngân hàng chỉ có thể phối hợp với cơ quan công an hỗ trợ điều tra. Còn theo ông Đoàn Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - khó thu hồi khoản tiền bị lừa đảo vì các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản “rác”. |
Thanh Hoa