Trả lại nét đẹp yên bình cho sông, rạch
Chiều muộn, bà Nguyễn Thị Tuyết - ở cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh - dắt đứa cháu ngoại bốn tuổi ra dạo trên bờ sông Sài Gòn. Từ ngày đoạn bờ kè sông Sài Gòn ở khu Thanh Đa được xây dựng, mỗi buổi chiều, người dân thường ra đây tản bộ, tận hưởng những luồng gió sông thổi vào.
Theo bà Tuyết, trước đây, trên bờ sông này, có nhiều căn nhà lụp xụp và quán xá nhếch nhác chắn ngang, người dân sống gần sông không thể ra bờ sông dạo chơi. Từ ngày ngành chức năng giải tỏa nhà lụp xụp, xây bờ kè, người dân có không gian thoáng đãng, an toàn bên sông để vui chơi, tập thể dục.
|
Nhiều đoạn sông Sài Gòn đã được chỉnh trang (trong ảnh: Đoạn sông Sài Gòn qua Thanh Đa đã không còn những căn nhà lụp xụp, lấn chiếm bờ sông) - Ảnh: S.V |
Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở trên sông Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng. Trước thực tế này, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm chỉnh trang hành lang sông, kênh, rạch. Đến nay, đã có 5,4km bờ kè được xây dựng nhằm chống sạt lở cho bán đảo Thanh Đa.
“Ngoài chống sạt lở, bảo vệ cơ sở hạ tầng và sự an toàn của người dân sống ven sông, việc xây kè còn giúp cải thiện môi trường, tạo cảnh quan ven sông Sài Gòn, xây dựng vùng đô thị xanh, sạch, đẹp và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng sông, đảm bảo an toàn giao thông thủy” - đại diện UBND quận Bình Thạnh cho hay.
Ông Lê Hùng Anh - ở đường 53, phường Bình Thuận, quận 7 - kể, con kênh sau nhà ông từng bị xả rác và lấn chiếm. Vào mùa triều cường, nước ngập cuốn theo rác bẩn vào nhà dân. Vừa rồi, chính quyền địa phương đã vận động những hộ xây nhà lấn chiếm kênh dời đi, sau đó họ tổ chức vớt rác, khơi thông dòng chảy, cải tạo bờ kênh thành công viên. Bây giờ, con kênh bẩn đã có bộ mặt mới.
Từ năm 2021 đến nay, UBND quận 7 đã chỉ đạo tổ chức nạo vét 26 nhánh kênh rạch, giúp giảm ngập cho nhiều khu dân cư; tổ chức hơn 600 lượt tổng vệ sinh đường phố, vớt rác trên kênh rạch; hoàn thành 20 công trình chuyển hóa các điểm phát sinh rác thành công viên.
|
Kênh Nước Đen từng bị ô nhiễm nay đã được cải tạo, trở nên khang trang, sạch đẹp |
Kênh Nước Đen chảy qua phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân từng là nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng ô nhiễm. Hai năm trước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đầu tư thực hiện việc cải tạo kênh này, gồm: nạo vét lòng kênh, xây kè, lắp lan can cao hơn 1,5m và làm vỉa hè rộng gần 1m cho người đi bộ. Đầu năm 2022, khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo ra bộ mặt đô thị khang trang cho khu vực này. Ngoài việc cải tạo dọc đôi bờ kênh sạch sẽ, thông thoáng, ban quản lý dự án còn chỉnh trang lại công viên ven kênh tạo cảnh quan xanh, lắp các tiện ích để người dân tập thể dục, dạo chơi.
Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, ở nhiều nơi, người dân đã tự nguyện góp công cải tạo không gian ven các dòng kênh, rạch ô nhiễm. Ở khu phố 15, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, người dân đã cùng nhau xây dựng một điểm vui chơi ở bãi rác gần dòng kênh Tham Lương - Bến Cát, rải đá dăm và trồng cây xanh trên 400m bờ kênh.
Mạnh tay xử lý nạn lấn chiếm sông, rạch
Theo Sở Xây dựng TPHCM, năm 2020, có 56 dự án lấn chiếm hành lang sông, trong đó có 40 dự án đã tồn tại trước Quyết định số 150/2004/QĐ-UBND ngày 9/6/2004 và sau đó được điều chỉnh bằng Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND TPHCM về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng. Sau khi tổng rà soát thêm một lần nữa, với những công trình có dấu hiệu lấn chiếm, sở sẽ chuyển thông tin cho UBND cấp phường, xã có công trình lấn chiếm xử lý theo Quyết định 30/2019 của UBND TPHCM.
|
Bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) và khu vực Cột cờ Thủ ngữ sau khi chỉnh trang đã tạo ra một không gian xanh, sạch, thu hút nhiều người đến tham quan - Ảnh: Tam Nguyên |
Hiện nay, UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM giai đoạn 2020 - 2045”. Đề án này được kỳ vọng mang lại vẻ đẹp hai bên bờ sông và giúp hoạt động giao thông, buôn bán, du lịch trên sông và trên bờ tấp nập hơn. Trong đó, việc chỉnh trang công viên Bạch Đằng là một khởi đầu để chỉnh trang toàn bộ hành lang dọc sông Sài Gòn.
Bàn giao mặt bằng xây kè Thanh Đa trong quý II/2022 Hiện dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa giai đoạn 2, 3, 4 đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhưng một số hộ dân vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp pháp lý nhà đất phức tạp, cần có ý kiến hướng dẫn của các sở, ngành và ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM. UBND quận Bình Thạnh dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng toàn tuyến cho chủ đầu tư dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa trong quý II/2022. Tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ còn tùy thuộc vào kết quả giải quyết vướng mắc của các đơn vị có liên quan. Hiện nay, UBND quận Bình Thạnh đã giao cho các đơn vị có liên quan phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng và sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định đối với các trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng. |
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM hiến kế, trước mắt, nên rà soát, phân vùng khu vực nhằm quy hoạch, đấu giá, kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, cần có bước đi phù hợp, khả thi và nhận sự đồng thuận của người dân bởi việc giải tỏa, đền bù, mua lại “hiện trạng” các dự án, công trình có trước Quyết định 150 là không dễ dàng.
UBND TP.Thủ Đức cho biết, với các công trình lấn chiếm hành lang sông có sau Quyết định 150, địa phương sẽ kiên quyết xử lý, trả lại mặt bằng để thực hiện đề án. Với những công trình do yếu tố lịch sử để lại, địa phương sẽ xem xét, đề xuất các phương án giải quyết.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM - chia sẻ: “TPHCM hiện có 56 điểm lấn chiếm bờ sông, trong đó có những công trình xuất hiện trước các quyết định về quy hoạch bờ sông. Chúng ta phải chấp nhận sai thì sửa, thiếu sót thì điều chỉnh, bởi việc lấn chiếm này rất nguy hiểm. Cần phải quyết liệt để trả lại nguyên trạng cho dòng sông. Việc lấn chiếm sẽ làm vỡ kết cấu dòng chảy của sông, nước có thể bị hắt ngược về bờ đối diện hoặc tạo các điểm xoáy nước khiến dòng chảy bị biến dạng, gây hàm ếch, xói mòn, sụt, lún”.
Công an TPHCM sẽ vào cuộc xử lý bến thủy nội địa không phép Đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Công an TPHCM chủ trì, phối hợp cùng UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện xử lý các bến thủy nội địa không phép trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và xử phạt hành chính các bến thủy nội địa không phép trên địa bàn. Được biết, vào năm 2021, TPHCM có đến 52 bến thủy nội địa hoạt động không phép, các bến này chủ yếu là vận chuyển vật liệu xây dựng, neo đậu, sửa chữa, đóng phương tiện… trên sông Sài Gòn và các tuyến kênh, rạch. Sau khi Sở Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, rất nhiều bến thủy nội địa đã bị xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động trái phép. Theo kết quả kiểm tra gần đây nhất, số bến thủy nội địa hoạt động trên sông, kênh, rạch ở TP.HCM là 34 bến. Trong đó, có hai bến thủy nội địa hoạt động không phép thuộc tuyến sông, kênh, rạch của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III quản lý. Các bến thủy nội địa này ở TP.Thủ Đức (10 bến), quận 7 (2 bến), quận 8 (3 bến), huyện Hóc Môn (5 bến), huyện Củ Chi (3 bến), huyện Nhà Bè (3 bến), huyện Bình Chánh (8 bến). Theo khảo sát của phóng viên, trên sông Sài Gòn hiện vẫn còn ba bến thủy nội địa hoạt động không phép. Một bến nằm cách cầu Phú Mỹ 350m do ông L.V.H. làm chủ hoạt động tập kết vật liệu, một bến nằm ở bờ phải sông Sài Gòn thuộc xã Nhuận Đức, huyện Nhà Bè cũng hoạt động tập kết vật liệu xây dựng do bà N.T.K.L. làm chủ. Ngoài ra, cách chân cầu Bình Triệu khoảng 150m về phía hạ lưu có một bến thủy nội địa không phép của một doanh nghiệp đóng tàu. |
Tuyết Dân - Sơn Vinh