“Lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu cao nhất để phát triển dân số”

15/10/2024 - 13:24

PNO - Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, không chỉ Việt Nam mà thế giới chưa bao giờ đối diện với vấn đề dân số với tỉ suất sinh giảm như hiện nay. Nhiều nước châu Á lẫn châu Âu đều đang phải nỗ lực giải quyết tình trạng này.

Cụ thể, năm 2012, Viện Quốc gia về dân số và nghiên cứu an ninh xã hội Nhật Bản dự báo dân số đất nước này năm 2100 là 50 triệu người và năm 3000 là 62 người.

Đó cũng là vấn đề mà đất nước Hàn Quốc sẽ phải đối mặt bởi theo dự báo, vào năm 2100, đất nước Hàn Quốc có khoảng 20 triệu dân (mất hơn 61% dân số so với năm 2020).

Tương tự, có 38/40 nước có thu nhập cao trên thế giới có tổng tỉ suất sinh dưới 2.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tổng tỉ suất sinh thấp ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thu nhập cao, theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, là vì lãnh đạo các nước, các chủ doanh nghiệp không coi việc tái tạo con người, tái tạo gia đình là điều kiện tiên quyết và là mục tiêu cao nhất để đất nước phát triển bền vững, để dân tộc trường tồn. “Một xã hội coi kết hôn và sinh con chỉ là việc riêng, không liên quan đến nghĩa vụ công dân với đất nước, xã hội đó sẽ tự tiêu vong” - giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân nói.

Hậu quả của việc giảm tổng tỉ suất sinh là lao động giảm, dân số giảm, quỹ hưu trí vỡ. Nhận thức rõ hệ lụy của việc dân số ngày càng giảm, các quốc gia trên đã nỗ lực thực hiện các chương trình hỗ trợ kết hôn và sinh con, tốn hàng chục tỉ USD mỗi năm ở nhiều quốc gia, với mục đích phục hồi tổng tỉ suất sinh trở lại mức cao hơn (1,6 ở Hàn Quốc hoặc 1,8 ở Nhật Bản), hoặc trở lại tổng tỉ suất sinh thay thế đều không thành công.

Nguyên nhân là do các nước bắt đầu chính sách khuyến khích kết hôn và sinh con quá muộn. Nhật Bản từ năm 1999 đã đưa ra cảnh báo về hậu quả tỉ suất sinh giảm (dân số năm 3000 chỉ còn 500 người) nhưng đến 25 năm sau, mặc dù đã chi 20 tỉ USD/năm từ 2018 đến 2020, nhưng năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố: khủng hoảng lớn nhất hiện nay của đất nước là khủng hoảng dân số, phải giải quyết bây giờ hoặc không bao giờ giải quyết được.

Ngoài ra, khả năng hỗ trợ tài chính của chính phủ để các gia đình có thể nuôi và cho 2 con đi học đến 18 tuổi là rất hạn chế, nếu các chủ doanh nghiệp không vào cuộc sẽ không bao giờ có đủ nguồn lực tài chính để giải quyết vấn đề.

“Việc này hoàn toàn không thể có tác dụng tăng số trẻ được sinh ra. Để các cặp vợ chồng có đủ thu nhập để nuôi 2 con và cho con đi học đến 18 tuổi, thì không thể chỉ dựa vào vai trò của chính phủ tài trợ cho mỗi trẻ một ngày, mà phải tăng lương cho người lao động. Nhưng các chủ doanh nghiệp không thấy có trách nhiệm tăng lương cho người lao động để các gia đình có đủ thu nhập để sinh và nuôi dạy được 2 con trong khi chính các đứa trẻ này là lao động tương lai cho các chủ doanh nghiệp. Họ không tăng lương cho người lao động để đáp ứng yêu cầu này” - giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, cần thiết phải thay đổi triết lý quản trị đất nước - không lấy mục tiêu tăng trưởng GDP cao, liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu mà phải lấy hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc làm mục tiêu cao nhất, tăng trưởng kinh tế là một công cụ quan trọng. Chỉ khi đó, đất nước mới có đủ quyết tâm chính trị, lòng yêu nước và trí tuệ để thay đổi chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số, làm cho kết hôn và sinh con, sinh từ 2 con trở lên trở thành mong ước của mỗi người dân, của các chủ doanh nghiệp, trở thành cương lĩnh hành động của các đảng phái, là một thước đo bắt buộc của thành công với mỗi chính phủ.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI