Lấy chồng Việt Kiều mà sống như vợ hờ

22/02/2017 - 14:27

PNO - Thời gian đầu chồng em còn siêng điện thoại về, nay thì nửa tháng một tháng mới gọi một lần.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 25 tuổi, đã có chồng và con trai hơn một tuổi. Vợ chồng em hiện không sống chung vì chồng em đã theo gia đình định cư ở nước ngoài, chưa đủ điều kiện để đưa vợ con theo. Mẹ con em đang ở Việt Nam cùng gia đình dì ruột của chồng em. Dì sống một mình, không con cái, trong ngôi nhà lớn bên ngoại để lại, nên mỗi lần về Việt Nam, nhà chồng em thường ở lại nhà dì. Dì hiền lành nhưng người già có những chuyện trái tính trái nết.

Lay chong Viet Kieu ma song nhu vo ho
 

Mẹ con lủi thủi với nhau cũng buồn, nên thỉnh thoảng em có đi chơi với bạn bè, dì không thích nên cứ điện thoại báo cho gia đình chồng em. Có lần em buồn, đem con về nhà ba má em ở quê, thì chồng em điện thoại bảo em phải lên ở với dì, nếu không thì không quản được chuyện em đi đâu, gặp ai, anh sẽ không xem em là vợ nữa. Dì đối với em cứ như má chồng quản lý con dâu, khiến em rất bức bối.

Theo chồng em, khoảng hơn một năm nữa có thể sẽ xong thủ tục, nhưng nói là vậy thôi, vì anh từng nói như thế một lần rồi. Em chờ đợi mãi trong tâm trạng rất mệt mỏi, cũng không dám đi làm, chi tiêu trong sinh hoạt do chồng em gửi tiền về, cũng rất eo hẹp. Thời gian đầu chồng em còn siêng điện thoại về, nay thì nửa tháng một tháng mới gọi một lần. Gần một năm, vợ chồng chỉ gặp nhau được hai tuần, nhưng anh còn theo bạn bè nhậu nhẹt, đi chơi với gia đình… không quan tâm gì đến mẹ con em. Em thấy mang tiếng có chồng Việt kiều mà chồng thì ở đâu đâu; mình sống một mình cứ như làm vợ hờ. Tình cảm vợ chồng trong em cứ nhạt dần. Em không biết nên tính sao với cảnh sống chờ đợi mòn mỏi này, chị cho em một lời khuyên.

Thu Bình (Q.6, TP.HCM)

Em Thu Bình thân mến,   

Lay chong Viet Kieu ma song nhu vo ho
 

Chờ đợi là chuyện khó khăn, Hạnh Dung rất thông cảm với em. Thông thường, người ta chỉ có thể chờ đợi được khi có lý do chính đáng, có động lực mạnh mẽ, còn nếu chờ đợi trong tâm trạng mòn mỏi, thiếu lòng tin thì đúng là như bị giam lỏng trong một mối quan hệ thôi. Vì vậy, em nên nói chuyện thêm với chồng trong những lần điện thoại, xem thủ tục cụ thể cần những gì, khi nào thì chắc chắn.

Nếu có một mục tiêu chung, vợ chồng em mới có thể nhìn chung về một hướng, còn như hiện tại, mịt mù bóng chim tăm cá, em không biết tương lai mình sẽ được quyết định vào lúc nào và ở đâu. Em cũng nên bàn với chồng việc em ở nhà chờ đợi thì rất lãng phí thời gian; em muốn học một nghề, học thêm ngoại ngữ, tìm một chỗ làm để có tiền, có điều kiện giao tiếp…

 Làm vậy cũng là để chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Nếu em trình bày nhẹ nhàng, có tình có lý, chồng em có thể sẽ nghe ra. Dù mình ở đâu chăng nữa thì có nghề nghiệp, có thể tự kiếm sống, không hoàn toàn phụ thuộc vào người khác vẫn là việc cần thiết. Hạnh Dung tin, chồng em vẫn đang tiếp tục cố gắng để đưa hai mẹ con em sang, anh ấy sẽ hiểu mong muốn của vợ trong việc chia sẻ khó khăn, cùng gánh vác cuộc sống gia đình với chồng, dù xa cách.

Chuyện ở nhà với dì cũng có thuận lợi là em được ở thành phố, điều kiện học nghề, tìm việc tốt hơn. Em cứ xem như dì đã cho mình một nơi cư trú yên ổn, đôi khi không dễ gì có được. Dựa vào đó, em có thể tính chuyện gửi con đi nhà trẻ, chuyện đi học đi làm. Em cần tìm cách tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ của dì, đừng đối đầu. Khi đi học, đi làm được, em sẽ thấy ngày tháng qua nhanh, việc chờ đợi trở nên nhẹ nhàng hơn; đồng thời em sẽ thấy tự tin và bản lĩnh hơn để tự quyết định những việc lớn khác của đời mình.

Quan trọng nhất là em đừng chấp nhận việc mình trở thành kẻ phụ thuộc, chỉ dám đứng yên một chỗ chờ đợi người khác quyết định số phận của mình. Chúc em thành công trong việc thuyết phục chồng và có một khoảng thời gian sống ý nghĩa, không lãng phí tuổi thanh xuân.

Chị Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI